(HNM) - Tại các khu công nghiệp (KCN) hiện nay mới chỉ có khoảng 20% công nhân lao động (CNLĐ) có chỗ ở ổn định, 80% phải thuê nhà trọ, chỗ ở tạm bợ với diện tích sử dụng bình quân 2-3m2/người.
Nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội). |
Các khu nhà trọ hầu hết không bảo đảm điều kiện sống tối thiểu nên ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống. Đáp ứng nhu cầu nhà ở cho CNLĐ là yêu cầu bức thiết, đòi hỏi các giải pháp, chính sách phù hợp.
Điều kiện sống
không bảo đảm
Ước tính hiện có khoảng 2 triệu lao động đang làm việc tại các KCN-CX trên cả nước. Trong đó, hơn 70% là lao động ngoại tỉnh có nhu cầu thuê nhà; nhưng chỉ 7-10% số này được ở trong các khu nhà ở được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc của doanh nghiệp. Còn lại, hơn 90% số lao động có nhu cầu thuê nhà phải tự tìm thuê nhà trọ của các hộ dân xung quanh KCN. TP Hà Nội cùng với TP Hồ Chí Minh, Bình Dương là những địa phương đi đầu trong thực hiện chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở công nhân, hỗ trợ giảm chi phí điện, nước; hỗ trợ người dân xây nhà cho công nhân thuê. Tuy nhiên, số lượng nhà cho CNLĐ còn rất hạn chế.
Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng (Tổng LĐLĐ Việt Nam) Vũ Hồng Quang cho biết, hầu hết các địa phương đã có quy hoạch và chương trình phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân, nhưng việc triển khai thực hiện còn rất hạn chế. Giai đoạn 2010-2015, các địa phương đã đăng ký hơn 110 dự án xây dựng nhà ở cho công nhân, nhằm đáp ứng yêu cầu chỗ ở cho hơn 960 nghìn người. Tuy nhiên các dự án thực hiện chậm, trong khi nhu cầu về chỗ ở của CNLĐ ngày càng tăng. Việc phát triển các KCN hiện chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào xây dựng các cơ sở sản xuất kinh doanh, chưa chú ý đến xây dựng nhà ở và các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu như nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, khu vui chơi giải trí... do đó CNLĐ vẫn phải ăn ở trong điều kiện tạm bợ, nhếch nhác.
Theo thống kê trên cả nước, trung bình chỉ có một doanh nghiệp/địa phương tự xây dựng hoặc đi thuê nhà cho công nhân. Từng tham gia nhiều dự án nhà ở xã hội, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Hà Nội Lê Quang Hiệp nêu thực tế, không ít địa phương vẫn chưa nhiệt tình tham gia hoặc chỉ hưởng ứng theo phong trào thay vì có giải pháp, chính sách cụ thể như bố trí quỹ đất, hỗ trợ các nhà đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội…
Cần những giải pháp cụ thể
Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho CNLĐ tại các KCN, cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Nhưng đến nay, các chính sách này đã bộc lộ những bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội chưa tập trung vào lĩnh vực nhà ở xã hội cho thuê và thuê mua một cách rõ rệt, đã phần nào không giải quyết được mục tiêu tạo chỗ ở cho CNLĐ KCN-CX và người thu nhập thấp tại đô thị...
Việc triển khai gói 30 nghìn tỷ đồng có nhiều vướng mắc, thủ tục phiền hà dẫn đến tốc độ giải ngân chậm, chưa phát huy tác dụng như mong muốn. Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho rằng, quá trình triển khai nhà ở cho người thu nhập thấp, CNLĐ còn nhiều vướng mắc. Thủ tục, quy trình cấp phép nhà ở xã hội còn rất phức tạp, kéo dài, lợi nhuận lại không cao nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư, tỷ trọng nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư rất thấp. Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị dự báo đến năm 2020 là 1 triệu căn, nhưng trên thực tế chỉ mới đáp ứng được hơn 10 nghìn căn/năm. Nếu không có cơ chế tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích phù hợp, kịp thời, nhu cầu chính đáng về nhà ở cho CNLĐ, người thu nhập thấp sẽ rất khó được đáp ứng, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều chuyên gia đồng tình với giải pháp phát triển nhà ở giá rẻ cho CNLĐ, người thu nhập thấp thuê và thuê mua. Theo Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng, cần tập trung hơn nữa nguồn vốn, quỹ đất và ưu tiên các cơ chế chính sách làm nhà ở giá rẻ để cho thuê. Đối với công nhân KCN, Nhà nước cần khuyến khích phát triển nhà ở chung cư, tập thể cho thuê; với người thu nhập thấp ở đô thị, cần có chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển nhà ở thương mại giá rẻ để cho thuê, mua trả góp.
Đối với loại hình nhà trọ tư nhân cho thuê (hiện đang chiếm 70-80% chỗ ở cho CNLĐ), rất cần có cơ chế ưu đãi phù hợp bên cạnh việc quy định cụ thể các tiêu chí bắt buộc về diện tích, tiện nghi, an toàn, môi trường và giá thành, bảo đảm yêu cầu tối thiểu chỗ ở cho CNLĐ. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn thì cần có cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tạo ra quỹ nhà ở phù hợp cải thiện đời sống CNLĐ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.