Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà nước mất tiền, người dân bức xúc

Bài và ảnh: Thúy Nga| 05/11/2012 06:31

(HNM) - Nước sinh hoạt nông thôn khu vực ngoại thành Hà Nội đang là vấn đề bức xúc, nhiều nơi người dân phải sử dụng nước giếng khoan không bảo đảm vệ sinh. Trong khi đó, nhiều trạm cấp nước được đầu tư tốn, phí tiền của Nhà nước và nhân dân vừa đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng, phải bỏ hoang.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đã tới Trạm cấp nước thôn Đoan Lữ, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, đây là một trong mười sáu trạm cấp nước tập trung cho khu vực ngoại thành nằm "đắp chiếu" nhiều năm qua. Hiện nay, trạm cấp nước này bị vây kín bởi rác thải, đất đá, cỏ dại... Ông Nguyễn Viết Thắng, thôn Đoan Lữ, người từng đảm nhiệm việc trông coi tại trạm cấp nước giải thích "do để hơn 10 năm nay không sử dụng nên các hạng mục như máy bơm nước từ sông Đáy đưa vào hệ thống lọc, đường ống nước, máy móc, thiết bị đã hoen gỉ, bục, vỡ".

Trạm cấp nước thôn Đoan Lữ, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức đã bỏ hoang hơn mười năm.


Lật lại hồ sơ, Trưởng thôn Đoan Lữ, ông Lê Văn Vuông cho biết, năm 2000, trạm cấp nước triển khai xây dựng với tổng mức đầu tư 544 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng, nhân dân đóng góp 35 triệu đồng. Đến năm 2001, dự án cơ bản hoàn thành đưa vào vận hành trong niềm phấn khởi của hàng nghìn người dân. Tuy nhiên, niềm vui chẳng tày gang, trạm cấp nước vừa đưa vào sử dụng một thời gian ngắn buộc phải ngừng hoạt động vì chất lượng nước quá bẩn. Ông Đặng Văn Triều, thôn Đoan Lữ cho biết: "Nước không thể sử dụng được vì có mùi hôi thối, nhiều cặn bã, rác thải… máy móc, thiết bị, đường ống chất lượng lại kém, nhanh xuống cấp". Nhiều người dân thôn Đoan Lữ tỏ ra thất vọng, khi bỏ tiền đóng góp cùng với Nhà nước xây dựng trạm cấp nước này.

Tiếc tiền của, công sức lao động bị bỏ phí, lại bức xúc về thiếu nguồn nước sạch để sử dụng, người dân xã An Mỹ đã đến gõ cửa nhiều nơi đề nghị các cấp chính quyền làm "sống lại" trạm cấp nước. Tuy nhiên, gần chục năm qua, những đề nghị của người dân nơi đây dường như bị bỏ quên. Ông Đặng Văn Triều cho biết, một số đoàn công tác của thành phố, của huyện có đến khảo sát hiện trạng trạm cấp nước rồi mọi việc chỉ dừng lại ở đó. Người dân chất vấn nhiều lần và chỉ nhận được lời giải thích qua loa: "Trạm cấp nước thôn Đoan Lữ quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu không còn phù hợp với thực tế hiện nay và đã bị hư hỏng nặng nên không thể khôi phục được". Trong khi đó, hàng nghìn người dân vẫn phải sống trong nỗi lo âu bệnh tật do nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm.

Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ Nguyễn Hải cho biết, xã An Mỹ có 1.450 hộ với 7.000 nhân khẩu, trong đó 70-80% hộ sử dụng nước giếng khoan. Những gia đình có điều kiện thì xây dựng bể chứa trữ nước mưa để sử dụng trong năm, tuy nhiên số lượng không lớn do kinh tế nhiều hộ gia đình rất khó khăn. Theo ông Hải, điều đáng lo ngại là chất lượng nước giếng khoan, đặc biệt ở khu vực trại chất lượng nước không tốt, quanh năm đỏ quạch hoặc màu xanh lơ, mùi rất khó chịu… người dân rất lo sợ nhưng vẫn phải dùng vì thiếu nước sinh hoạt. Cụ Nguyễn Đức Đáo, thôn Đoan Lữ đề nghị, các cấp chính quyền từ thành phố, huyện đến xã cần khẩn trương quan tâm, đáp ứng nguyện vọng về nhu cầu được sử dụng nước sạch của người dân An Mỹ. Trong khi chờ các chương trình dự án lồng ghép xây dựng nông thôn mới đầu tư về nước sạch và vệ sinh môi trường, huyện Mỹ Đức nên đề xuất hỗ trợ người dân các thiết bị lọc nước. Nếu tình trạng thiếu nước sạch và ô nhiễm nguồn nước ở An Mỹ tiếp tục kéo dài sẽ dấy lên những bức xúc, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Trao đổi với phóng viên Hànộimới, nhiều người dân xã An Mỹ đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ vì sao công trình Trạm cấp nước thôn Đoan Lữ phải "đắp chiếu" gây lãng phí tiền của và bức xúc trong nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà nước mất tiền, người dân bức xúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.