Văn hóa

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: Lễ hội truyền thống là tài nguyên văn hóa tinh thần của dân tộc

Khánh Linh thực hiện 19/03/2024 - 06:07

Lễ hội truyền thống là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian tổng hợp, vừa độc đáo, vừa phong phú. Trải qua thời gian, lễ hội gắn bó với làng xã, địa danh, vùng đất như một thành tố không thể thiếu, đáp ứng nhu cầu tâm linh và củng cố ý thức cộng đồng.

vh.jpg

Hà Nội Ngày nay đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ (nguyên giảng viên khoa Văn học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) về ý nghĩa, giá trị của lễ hội và việc bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống.

- Thưa nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, một mùa lễ hội nữa lại đến và với người dân Việt Nam đây là thời điểm hướng về cội nguồn, hướng về cộng đồng, làng xã… Ông đánh giá thế nào về điều này?

- Với người Việt Nam, tất cả lễ hội cổ truyền đều có cảm hứng chủ đạo là cảm hứng hướng nguồn, đó là tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”... Lễ hội tạo nên sự gắn kết cộng đồng, là nơi mỗi người dân đều trở thành chủ thể và họ hòa đồng trong một cộng đồng với tinh thần, cảm xúc chung. Lễ hội còn là nơi khẳng định giá trị cá nhân bởi những người nông dân ngày thường không có nhiều cơ hội được hát hò, tế lễ, được nhập vai nhưng khi vào hội, họ được hóa thân vào những nhân vật khác nhau và tự hào về điều đó. Lễ hội còn tạo ra giá trị giao tiếp, mở rộng quan hệ xã hội, lưu tồn bản sắc văn hóa dân gian, văn hóa dân tộc...

Hà Nội từ hơn một nghìn năm nay là nơi hội tụ của con người, và cũng là nơi hội tụ văn hóa. Sự hội tụ dẫn đến việc lựa chọn, tiếp biến, sáng tạo, giữ gìn, lan tỏa các giá trị văn hóa. Sự tích tụ và sáng tạo đó làm cho không gian Hà Nội có mật độ đậm đặc nhất về di tích và di sản văn hóa..., trong đó có khoảng 1.500 lễ hội. Đó là tài sản quý giá mà ông cha ta trao tặng lại cho con cháu hôm nay.

- Với tầm quan trọng như vậy, chúng ta cần có cách ứng xử thế nào với lễ hội truyền thống?

- UNESCO đã đưa ra 4 nhiệm vụ đối với di sản: “Thấu hiểu, bảo tồn, phát huy phát triển và quảng bá”. Từ 4 nhiệm vụ này, chúng ta có thể rút ra 4 trách nhiệm, 4 nghĩa vụ cơ bản phải làm, đó là: Nghiên cứu, thấu hiểu - Bảo tồn, gìn giữ - Phát huy, phát triển - Quảng bá, truyền thông.

Đầu tiên là thấu hiểu, nghiên cứu văn hóa qua miêu tả trực tiếp, qua tài liệu ghi chép, qua quá trình phân tích và thẩm định để nhận ra những giá trị truyền thống tốt đẹp. Sự thấu hiểu này chủ yếu tập trung ở bộ phận nghiên cứu chuyên môn. Không chỉ vậy, bộ phận quản lý và thực hành văn hóa, các chuyên gia và nghệ nhân, người dân sở tại đều tham gia, lan tỏa tinh thần giác ngộ văn hóa trong cuộc sống.

Tiếp đó là bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa với những biểu hiện cụ thể trong thực tiễn. Những giá trị chân - thiện - mỹ đã được thẩm định, khẳng định, phù hợp với phát triển văn minh cộng đồng cần được bảo tồn, gìn giữ lâu dài bằng nhiều cách khác nhau.

Nhiệm vụ thứ ba là phát huy và phát triển giá trị văn hóa truyền thống. Thực hiện điều này sẽ mở ra con đường sáng tạo trong mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực. Nhu cầu văn hóa của nhân dân là bất tận, là bức thiết trong đời sống hiện nay, đặt ra yêu cầu sáng tạo, thể nghiệm.

Nhiệm vụ cuối cùng - quảng bá và truyền thông các giá trị văn hóa truyền thống là nghĩa vụ của tất cả các quốc gia. Giá trị văn hóa phải phục vụ tất cả mọi người trong cộng đồng nhân loại và truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng để thực hiện điều đó.

Bốn vấn đề trên đều quan trọng như nhau, luôn vận động không ngừng trong đời sống hiện đại.

vh1.jpg
Lễ hội làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: Trung Hiển

- Bàn về lễ hội thì không thể không nhắc đến những nguy cơ trong quá trình tiếp biến văn hóa, nhất là trong thời đại của kinh tế thị trường, của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo - AI, truyền thông mạng… Vậy theo ông, lễ hội truyền thống đang đối mặt với những nguy cơ nào?

- Xã hội hiện đại với tốc độ phát triển nhanh của nó, từ lâu đã đặt ra các vấn đề như “đứt gãy văn hóa”, “mất gốc văn hóa”, “phai nhạt bản sắc văn hóa”, “đồng hóa văn hóa”, “xâm lăng văn hóa”... Trong thực tiễn thực hành khôi phục các lễ hội, không thể không nhận ra những bất cập, tiêu cực từ việc tổ chức lễ hội.

Ngày nay, vấn đề này càng trở nên cấp thiết. Đó là một hiện trạng rất đáng lo lắng và cần có sự điều chỉnh trong thực tiễn văn hóa.

- Trước thực trạng đó, theo ông, chúng ta cần làm gì để lễ hội thực sự là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc?

- Chúng ta đã hình thành hệ thống thiết chế văn hóa từ trung ương đến cơ sở, các trường, viện, khoa, ngành; các thiết chế đó đã và đang thực hiện tốt cả 4 nhiệm vụ thấu hiểu, bảo tồn, phát huy và quảng bá di sản văn hóa truyền thống. Chúng ta còn có một lực lượng đông đảo được đào tạo kỹ càng theo các chuyên ngành văn hóa và một cộng đồng đầy tự hào, đầy đam mê văn hóa truyền thống. Từ nền tảng đó, tôi xin đề xuất những giải pháp sau:

Đầu tiên, chúng ta cần tiếp tục nhấn mạnh và lan tỏa hệ giá trị lễ hội, khẳng định giá trị di sản văn hóa truyền thống là một loại tài nguyên tinh thần.

Tiếp đó, chúng ta cần tìm hiểu một cách cụ thể nhu cầu tự thân của nhân dân về trình diễn lễ hội như là di sản văn hóa truyền thống và đáp ứng nhanh nhất, tốt nhất nhu cầu đó. Nhu cầu ấy là có thật, rộng lớn và thường xuyên, đó là nhu cầu hiểu biết, nhu cầu thể hiện, nhu cầu tham gia phong trào xã hội, nhu cầu về cơ sở vật chất...

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, chúng ta cần tìm ra cách kích hoạt mọi tiềm năng mà di sản lễ hội để lại một cách hiệu quả, phát huy giá trị và sáng tạo theo hướng chủ đạo là vừa bảo tồn giá trị truyền thống vừa phục vụ hiệu quả nhu cầu của nhân dân trong thời hiện đại.

Cùng với đó, chúng ta cần xem lại tính hiệu quả, tính hợp lý của kinh phí đầu tư cho di sản lễ hội truyền thống; cố gắng mở rộng phạm vi kết hợp kinh phí tập thể và kinh phí xã hội hóa. Tại các thiết chế văn hóa, ngoài những việc đã làm tốt, cần vạch kế hoạch cụ thể cho những hoạt động thiết thực và gần dân. Cũng cần tổ chức tập huấn thường xuyên cho cán bộ văn hóa, cho các nghệ nhân, cho hội viên văn học - nghệ thuật về việc phát huy, quảng bá giá trị lễ hội văn hóa trên các địa bàn khác nhau; tổ chức đánh giá qua các cuộc trình diễn di sản lễ hội văn hóa; khuyến khích truyền thông mạng, sáng tạo trên nền tảng số... Những hoạt động này góp phần từng bước xây dựng giá trị cốt lõi của con người Việt Nam theo tinh thần “đến hiện đại từ truyền thống”, dùng cái đẹp để hạn chế tiêu cực xã hội đang có xu hướng lan tràn.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: Lễ hội truyền thống là tài nguyên văn hóa tinh thần của dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.