(HNM) - Với lợi thế hạ tầng có mạng cáp quang lớn trên toàn quốc, từ năm 2012, các tập đoàn lớn như Viettel, FPT, VNPT đã lần lượt nộp đơn đến Bộ TT-TT xin kinh doanh truyền hình cáp.
Với lợi thế hạ tầng có mạng cáp quang lớn trên toàn quốc, từ năm 2012, các tập đoàn lớn như Viettel, FPT, VNPT đã lần lượt nộp đơn đến Bộ TT-TT xin kinh doanh truyền hình cáp. Năm 2013, Bộ đã cấp phép cho Viettel, FPT cung cấp dịch vụ truyền hình cáp công nghệ số và công nghệ tương tự (analog) trên toàn quốc - trừ 8 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắc Lắc không được cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự. Rất có thể sau khi đề án tái cơ cấu VNPT được phê duyệt, tập đoàn này sẽ được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp (ngoài ra, VNPT cũng đã nộp đơn xin cấp phép dịch vụ truyền hình vệ tinh).
Năm 2013, Viettel đã được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp công nghệ số và công nghệ analog. Ảnh: Thanh Hải |
Như vậy có thể thấy các "đại gia" viễn thông đã sẵn sàng tham gia thị trường truyền hình cáp - vốn được đánh giá là "màu mỡ" khi mới chỉ có khoảng 4,5 triệu thuê bao, trong khi cả nước hiện có hơn 20 triệu hộ gia đình. Cả ba tập đoàn kể trên hiện đã kinh doanh dịch vụ truyền hình IPTV (qua giao thức internet) qua mạng internet băng rộng với các tên thương mại như VNPT (VDC) - dịch vụ MyTV, Viettel - NextTV, FPT - OneTV đạt hơn 1 triệu thuê bao IPTV, trong đó VNPT chiếm khoảng 800.000 thuê bao.
Trước các thông tin DN viễn thông xin cấp phép dịch vụ truyền hình trả tiền, đầu năm 2013, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (gồm các DN thuộc các nhà đài lớn) đã kiến nghị tới nhiều cơ quan quản lý đề nghị không cấp phép cho Viettel và các DN viễn thông với nhiều lý do. Song, thực chất bản kiến nghị này cũng cho thấy các nhà đài lo sợ nhà mạng - vốn không chỉ có tiềm lực về hạ tầng, tài chính mà còn cả kinh nghiệm kinh doanh ở thị trường viễn thông - sẽ cạnh tranh quyết liệt. Tất nhiên, kiến nghị này không thành hiện thực vì Bộ TT-TT đã cấp phép cho 2 DN Viettel và FPT. Song trong giấy phép, các nhà mạng chỉ được làm hạ tầng mà không được làm nội dung, nên bắt buộc họ phải tìm hợp tác với các nhà đài. Nhưng vì nhiều lý do mà một trong số nhà đài cũng đang vừa làm nội dung, vừa tự làm truyền dẫn nên không có nhu cầu chia sẻ, hợp tác để phát sóng trên kênh của nhà mạng. Được biết, có hai nhà đài lớn áp dụng chính sách "cấm" hợp tác với nhà mạng không cho phát sóng các kênh truyền hình khác ngoài các kênh quảng bá. Do vậy, đó cũng là lý do mà lãnh đạo một tập đoàn viễn thông đã kiến nghị với Bộ TT-TT cần có quy định về kết nối giữa DN viễn thông làm hạ tầng truyền hình cáp với các nhà đài trên cơ sở hợp đồng thương mại, nhằm tránh gây lãng phí nguồn lực, đồng thời có thể bảo đảm truyền tải thông tin tới đông đảo người dân.
Câu chuyện về hợp tác giữa hai "nhà" như kể trên có lẽ sẽ sớm được cơ quan quản lý nghiên cứu và đưa ra các giải pháp, dù rằng giải quyết vấn đề này không dễ dàng. Nhưng, người dân - mà cụ thể là còn hàng triệu hộ gia đình, trong đó phần nhiều ở khu vực xa thành thị, có lẽ rất trông chờ vào việc các nhà đài, nhà mạng sớm đưa dịch vụ truyền hình trả tiền về tận ngôi nhà của mình để được xem nhiều chương trình hấp dẫn. Thực tế hiện nay, dịch vụ truyền hình trả tiền nói chung và truyền hình cáp nói riêng mới chỉ đến được khu vực thành phố, thị xã, nơi trung tâm mà chưa đến các khu vực nông thôn, miền núi. Trong khi đó, các nhà mạng lại có thế mạnh là hệ thống cáp quang, cáp đồng rộng khắp đến tận xã và khi họ cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, người dân ở khu vực xa có thể xem được nhiều chương trình từ đó có thể nâng cao dân trí… Một lý do khác không thể không nhắc tới là hẳn nhiều người dân, kể cả khu vực thành phố, thị xã đều mong muốn việc có thêm DN cung cấp dịch vụ truyền hình cáp sẽ góp phần bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng để các hộ gia đình có thể lựa chọn dịch vụ chất lượng, giá phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.