Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà lãnh đạo xuất sắc, gắn bó với Hà Nội

PGS.TS Phan Hữu Tích| 08/08/2021 06:59

(HNM) - Đồng chí Lê Quang Đạo nguyên là Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ (1937-1999), đồng chí đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, góp phần không ngừng đưa cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi vẻ vang. Đặc biệt, đồng chí Lê Quang Đạo có nhiều giai đoạn gắn bó với Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội.

1. Đồng chí Lê Quang Đạo tên thật là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8-8-1921, ở xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí từng bước trưởng thành và đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Quân đội.

Nhắc đến đồng chí Lê Quang Đạo là nhắc đến người chỉ huy chính trị, quân sự - anh cả của ngành Tuyên huấn Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là năm 1950, đồng chí Lê Quang Đạo được điều động vào quân đội. Gần như suốt 30 năm chiến tranh chống Pháp - Mỹ, đồng chí thường có mặt ở những chiến trường nóng bỏng với những trọng trách quan trọng. Trên cương vị Cục trưởng Cục Tuyên huấn (tháng 10-1950), đồng chí sớm nắm bắt được những yêu cầu quan trọng đặt ra đối với công tác lãnh đạo chính trị, chủ động đề xuất những nội dung quan trọng của công tác giáo dục chính trị trong bộ đội và được phân công biên soạn, viết nhiều tài liệu về công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng Đảng, đặc biệt là các tài liệu chỉnh huấn, chỉnh quân. Cùng với đó, đồng chí còn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên huấn cho các cấp, các đơn vị, góp phần xây dựng ngành Tuyên huấn Quân đội ngày càng hoàn thiện về tổ chức và giỏi về nghiệp vụ.

Đặc biệt, cuối năm 1973, đồng chí Lê Quang Đạo được cử giữ chức Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị quân sự. Trên cương vị này, đồng chí cùng Ban Giám đốc Học viện đề ra những chủ trương, biện pháp nhằm nâng cao công tác giáo dục, đào tạo cán bộ chính trị cho quân đội, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ và đơn vị cơ sở đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội nhân dân chính quy, hiện đại.

Đồng chí Lê Quang Đạo còn là một nhà lý luận trên lĩnh vực khoa giáo của Đảng. Tháng 3-1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí Lê Quang Đạo tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bí thư Trung ương Đảng, được phân công làm Trưởng ban Khoa giáo Trung ương. Trên cương vị này, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ Ban Khoa giáo Trung ương tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo, gặp gỡ để lắng nghe ý kiến tâm huyết, trí tuệ của nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, góp phần tìm ra giải pháp tháo gỡ tình hình khó khăn. Thông qua gặp gỡ, tọa đàm, hội thảo đó, vấn đề đổi mới tư duy lý luận, tư duy kinh tế, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, sử dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực lần đầu tiên được đề cập và đã được tổng hợp báo cáo trực tiếp với Tổng Bí thư Trường Chinh. Nhiều vấn đề của báo cáo được thể hiện trong “Báo cáo chính trị đổi mới toàn diện đất nước” mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã thông qua.

Ngày 17-6-1987, tại phiên họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí Lê Quang Đạo được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Đáng lưu ý, trong giai đoạn này đồng chí đã đóng góp nhiều công sức vào việc soạn thảo Hiến pháp năm 1992, phù hợp với Cương lĩnh đổi mới của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng và nhân dân trong giai đoạn mới; đồng thời ra sức thực hiện chương trình xây dựng pháp luật để Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thông qua được nhiều bộ luật, luật và pháp lệnh. Bên cạnh đó, đồng chí đã góp phần tích cực trong việc Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. 

Tiếp đó, với 17 năm tham gia Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 5 năm giữ chức vụ Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1994-1999), đồng chí Lê Quang Đạo đã có nhiều đóng góp trong xây dựng Mặt trận, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc đổi mới đất nước.

Nét nổi bật ở đồng chí Lê Quang Đạo là trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí luôn gần gũi với đồng chí, đồng bào và sẵn lòng chia sẻ những khó khăn với tất cả mọi người. Đó là kết tinh chủ nghĩa nhân văn của một người cộng sản đầy bản lĩnh, một nhà lãnh đạo thấm nhuần sâu sắc tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh.     

2. Từ thuở nhỏ, đồng chí Lê Quang Đạo đã sống, học tập ở Hà Nội; đặc biệt, đồng chí đã 3 lần giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Lần thứ nhất từ tháng 10-1943 đến tháng 10-1944, khi Hà Nội trong tình thế vô cùng khó khăn trước những cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp; trên cương vị Bí thư Thành ủy, đồng chí Lê Quang Đạo đã thể hiện tài năng lãnh đạo, trực tiếp lăn lộn với giới trí thức, học sinh, sinh viên xây dựng các tổ chức quần chúng nhằm tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân Hà Nội ủng hộ và tham gia cách mạng. Cái tên “Đốc lý đỏ” mà thực dân Pháp đặt cho nói lên vai trò của đồng chí trong việc gây dựng phong trào cách mạng ở Hà Nội.

Lần thứ hai từ tháng 5-1946 đến tháng 12-1946, thời gian này tình hình Hà Nội vô cùng căng thẳng khi thực dân Pháp chuẩn bị gây chiến. Là Bí thư Thành ủy, Phó Bí thư Khu ủy đặc biệt Hà Nội (Khu XI), đồng chí Lê Quang Đạo đã cùng Trung đoàn Thủ đô chiến đấu, cầm cự trong nội thành suốt 2 tháng và cũng là một trong những người cuối cùng rút khỏi Hà Nội.

Lần thứ ba, từ cuối năm 1947 đến đầu năm 1948, lúc này cơ quan của Thành ủy Hà Nội chuyển về đóng ở Chương Mỹ, Hà Đông, đồng chí Lê Quang Đạo đã quyết định đưa cán bộ về cơ sở, tiến hành xây dựng và khôi phục các chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể quần chúng, tổ chức lực lượng du kích, đào hầm bí mật, chiến đấu ngay trong lòng địch, gây cho địch nhiều khó khăn, tổn thất.

Hòa bình lập lại, tháng 12-1978, đồng chí Lê Quang Đạo được phân công là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội (đồng chí Lê Văn Lương là Bí thư). Đây là thời kỳ Hà Nội cùng cả nước gặp nhiều khó khăn. Đối với Hà Nội, việc chăm lo đời sống của nhân dân luôn là vấn đề bức thiết hằng ngày. Phiên họp Ban Thường vụ hằng tuần, nhiều khi điều đầu tiên là cập nhật thông tin “gạo bao nhiêu tấn đã về cảng”, thực phẩm, chất đốt thế nào. Đồng chí Lê Quang Đạo cũng luôn hỏi han tình hình đời sống, sản xuất của đồng bào đi xây dựng kinh tế mới ở Lâm Đồng ra sao… Đồng chí đã dành nhiều thời gian đi cơ sở, các xã ngoại thành, các nhà máy, đến trường đại học, viện nghiên cứu, gặp gỡ lắng nghe ý kiến ở cơ sở để có thông tin, giúp cho việc nhìn nhận toàn diện, cụ thể tình hình Thủ đô để cùng Ban Thường vụ và Thành ủy từng bước tháo gỡ khó khăn, lãnh đạo chỉ đạo công cuộc xây dựng, bảo vệ Thủ đô…

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo là dịp để nhớ về một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, có nhiều cống hiến xuất sắc với đất nước, Thủ đô Hà Nội, là tấm gương tiêu biểu của người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà lãnh đạo xuất sắc, gắn bó với Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.