Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà khoa học hết mình vì sức khỏe cộng đồng

Thu Hằng| 17/03/2021 06:52

(HNM) - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thanh Hương, giảng viên cao cấp Bộ môn Tim mạch, Trường Đại học Y Hà Nội vừa vinh dự nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020. Suốt 35 năm qua, bà Hương đã nghiên cứu, chuyển giao nhiều công trình khoa học có liên quan tới bệnh lý tim mạch bẩm sinh và di truyền, phát triển các kỹ thuật mới về siêu âm tim. Bằng tri thức, sự say mê và giàu lòng nhân ái, bà đã cống hiến hết mình vì sức khỏe cộng đồng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thanh Hương khám cho một bệnh nhân.

Chuyên gia đầu ngành

Là sinh viên Khoa Tim mạch khóa đầu tiên của Trường Đại học Y Hà Nội, tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ nội trú với số điểm cao, bác sĩ Trương Thanh Hương trở thành giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội. Được cử đi tu nghiệp về tim mạch tại một số trường đại học và bệnh viện ở Pháp, trở về nước, bà là một trong số rất ít người có kiến thức chuyên môn cận lâm sàng tốt, tiệm cận xu thế điều trị hiện đại. Khi ấy, bác sĩ Trương Thanh Hương đã mở ra cho mình một cánh cửa mới, đó là nghiên cứu tim mạch trong mối quan hệ với tăng huyết áp và rối loạn lipid máu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thanh Hương chia sẻ: “Năm 1995, vấn đề rối loạn lipid và tăng huyết áp chưa được quan tâm như bây giờ. Số lượng bệnh nhân hiếm, các thiết bị, phương tiện chẩn đoán còn thiếu thốn. Tuy nhiên, từ thực tế quá trình đi tu nghiệp cho thấy, khi kinh tế phát triển, số bệnh nhân có bệnh lý tim mạch do tăng huyết áp, lipid máu tăng lên, bởi chế độ ăn uống tốt và ít vận động hơn. Đó là lý do khiến tôi bắt đầu nghiên cứu và theo đuổi đề tài này cho tới bây giờ”.

Tháng 2-2020, công trình nghiên cứu “Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam” do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thanh Hương làm chủ nhiệm đã chính thức được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy xác nhận. Công trình xây dựng thành công mô hình sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh tăng cholesterol máu gia đình tại Việt Nam và chuyển giao đến các cơ sở y tế. Thông qua công trình, các bệnh nhân và gia đình họ có thể tiếp cận được việc chẩn đoán, điều trị sớm, ngăn chặn việc phát tán nguồn gen bệnh và phòng, chống biến chứng gây tàn phế, thậm chí gây tử vong.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thanh Hương cũng là chủ nhiệm công trình “Khảo sát một số đa hình thường gặp của gen CYP2C19 liên quan đến đáp ứng thuốc clopidogrel ở người mắc bệnh động mạch vành tại Việt Nam”. Công trình này đã được chuyển giao để chế tạo chíp sinh học chẩn đoán nhanh đa hình gen CYP2C19 liên quan đến đáp ứng thuốc Clopidogrel đặc hiệu cho người Việt Nam. Với hàng trăm nghìn bệnh nhân mắc bệnh mạch vành, việc sử dụng chíp sinh học này trong điều trị góp phần giảm tối đa biến chứng và tử vong cho người bệnh.

Không chỉ là chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực tim mạch, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thanh Hương còn là cầu nối của ngành Y tế Việt Nam với quốc tế, thông qua các đóng góp ngang tầm trong nghiên cứu khoa học và hợp tác sáng tạo với các nhà khoa học, các tổ chức khoa học uy tín trên thế giới. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thanh Hương cũng tích cực đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành Y tế, thông qua hướng dẫn khoa học cho hàng chục tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ nội trú và trực tiếp giảng dạy, chuyển giao các công nghệ tiên tiến trong thăm dò, chẩn đoán, điều trị bệnh lý tim mạch cho hàng trăm bác sĩ, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế trong cả nước.

Nâng cao hiệu quả điều trị tim mạch

Trong 35 năm công tác tại Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai và Bộ môn Tim mạch, Trường Đại học Y Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thanh Hương luôn phát huy tính chủ động sáng tạo, thực hiện nhiều đề tài khoa học có giá trị và áp dụng thành công vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bà đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Công đoàn ngành Y tế và các bộ, ban, ngành... nhiều lần khen thưởng. Mới đây, vinh dự được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020, một giải thưởng tôn vinh tài năng, sức sáng tạo và trí tuệ của nhà khoa học nữ Việt Nam trên con đường chinh phục đỉnh cao khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thanh Hương chia sẻ: "Giải thưởng này chứng tỏ rằng tôi đã chọn được một con đường đúng đắn để đi tới trong cuộc đời y thuật của mình".

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho rằng, những thành quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn của các nhà khoa học nữ nói chung và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thanh Hương nói riêng có tính ứng dụng, giá trị kinh tế - xã hội cao, mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng vào thành quả trong công cuộc đổi mới đất nước.

Chia sẻ thêm về người đồng nghiệp, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia Phạm Mạnh Hùng cho biết, những công trình nghiên cứu về tim mạch của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thanh Hương có ý nghĩa vô cùng lớn, góp phần nâng cao hiệu quả trong điều trị, giảm nguy cơ tử vong đối những bệnh lý liên quan đến tim mạch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà khoa học hết mình vì sức khỏe cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.