Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà hát trực tuyến cho nghệ thuật biểu diễn: Xu thế của thời đại mới

Thụy Du| 30/08/2020 06:13

(HNM) - Khi dịch Covid-19 tái bùng phát ở nước ta, hoạt động biểu diễn nghệ thuật một lần nữa bị ngưng trệ. Câu chuyện xây dựng nhà hát trực tuyến, tạo cầu nối giữa nghệ thuật và khán giả tiếp tục “nóng” lên với nhiều chuyển động. Đây không chỉ là giải pháp tình thế khi sân khấu trực tiếp “đóng băng”, mà là xu thế của thời đại mới, vì vậy cần có chiến lược xây dựng nghiêm túc, bài bản.

Việc triển khai xây dựng nhà hát trực tuyến phù hợp với thời điểm hiện tại, tạo cầu nối giữa nghệ thuật và khán giả. Trong ảnh: Chương trình “VNSO Season opening concert” được phát trực tuyến trên Youtube tối 26-8. Ảnh: An Nhi

Bước chuyển trên nền tảng số

Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã hủy buổi biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngay trước thời điểm diễn 4 ngày, đồng thời lập tức triển khai chương trình “VNSO Season opening concert” phát trực tuyến trên kênh Youtube và Facebook. Ở chương trình này, toàn bộ nội dung được thay đổi, biên chế dàn nhạc cũng giản lược còn 16 nhạc công, thay vì hơn 60 người cho phù hợp với không gian và điều kiện kỹ thuật.

Phó Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam Kim Xuân Hiếu cho biết, sau thời gian dừng hoạt động vì dịch Covid-19, các nghệ sĩ rất khao khát biểu diễn, đồng thời dàn nhạc cũng nhận được phản hồi của người yêu nhạc tha thiết muốn thưởng thức nghệ thuật. Vì vậy, dàn nhạc đã kịp thời đầu tư nâng cấp phòng tập thành phòng hòa nhạc tiêu chuẩn, phục vụ cho hoạt động biểu diễn trực tuyến. Chương trình tối 26-8 vừa qua là sự kiện ra mắt phòng hòa nhạc và hình thức hòa nhạc trực tuyến của dàn nhạc. Để đạt hiệu quả cao nhất về âm thanh và hình ảnh, dàn nhạc đã hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam trong việc ghi hình. 

Tham gia độc tấu trong chương trình này, nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh chia sẻ: “Tuy không có sự tương tác với khán giả, giúp nghệ sĩ thăng hoa như biểu diễn trực tiếp, nhưng thời điểm này, biểu diễn trực tuyến là giải pháp tốt để duy trì, đưa nghệ thuật đến với công chúng, lan tỏa niềm lạc quan, giúp chúng ta vượt qua khó khăn”.

Hiện tại, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cùng nhiều đơn vị nghệ thuật khác cũng đã xây dựng kênh Youtube và Facebook để phát những chương trình đã ghi hình, video giới thiệu tác phẩm, lên phương án biểu diễn trực tuyến.

Theo dõi nhiều chương trình nghệ thuật trực tuyến gần đây, như: “Niềm tin”, “Thanh âm kết nối”, “Music home”, “Kiên cường Việt Nam”, “Hồi sinh” và mới nhất là “VNSO Season opening concert”, chị Vũ Thanh Thúy (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) bày tỏ: “Các chương trình biểu diễn trực tuyến ngày một hoàn thiện và được thực hiện chuyên nghiệp hơn. Khán giả vẫn được tương tác với nghệ sĩ, cổ vũ họ thông qua các biểu tượng và bình luận. Sắp tới gia đình tôi sẽ đầu tư một số thiết bị để thưởng thức các chương trình trực tuyến chất lượng hơn”.

Khán giả thưởng thức một chương trình nghệ thuật trực tuyến trên Youtube. Ảnh: Đỗ Tâm

Song song với phát triển sân khấu trực tiếp

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng yêu cầu đổi mới hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong tương lai, tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã làm việc với lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn về việc triển khai xây dựng nhà hát trực tuyến, nhằm giới thiệu các loại hình, chương trình nghệ thuật đặc sắc đến công chúng trên nền tảng số. Từ đó đến nay, Cục Nghệ thuật biểu diễn và các đơn vị nghệ thuật đã bàn thảo, lên phương án xây dựng mô hình này.

Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, việc triển khai xây dựng nhà hát trực tuyến rất phù hợp trong thời điểm hiện tại, để duy trì và tăng cường kết nối giữa nghệ thuật và khán giả. Đơn vị có sẵn nhiều chương trình, song nếu chỉ đưa những chương trình này lên, thì khó hấp dẫn. Nhà hát trực tuyến phải có nhiều chương trình mới, phù hợp với không gian mạng và thị hiếu của cộng đồng mạng.

Đồng quan điểm, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ phân tích, hiện điều kiện kỹ thuật của các nhà hát và sân khấu Việt Nam còn hạn chế, trong khi để thực hiện một chương trình biểu diễn trực tuyến, ngoài yêu cầu về sân khấu, hệ thống âm thanh phù hợp, còn cần thực hiện ghi hình dưới nhiều góc độ, mới truyền tải được toàn bộ tinh thần của tác phẩm.

Còn theo Phó Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam Kim Xuân Hiếu, nghệ sĩ chuyên nghiệp luôn có khả năng chuyển động và thích nghi để đáp ứng tốt nhất. Việc xây dựng và phát triển nhà hát trực tuyến không ảnh hưởng đến hoạt động sân khấu trực tiếp, mà còn đưa nghệ thuật vượt ra khỏi khán phòng, đến nhiều đối tượng khán giả hơn, khơi dậy niềm yêu thích và thôi thúc họ đến sân khấu thưởng thức trực tiếp. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có chiến lược xây dựng nhà hát trực tuyến song song với phát triển hoạt động sân khấu trực tiếp. Để đi đường dài, cần có nhà hát trực tuyến cho từng nhóm loại hình nghệ thuật tương đồng, phát sóng trên kênh chung để khán giả lựa chọn thưởng thức.

Trước mối lo biểu diễn trực tuyến khó đem lại doanh thu cho đơn vị như biểu diễn bán vé trực tiếp, nhạc sĩ Huy Tuấn, Giám đốc âm nhạc “Music home” - chuỗi chương trình âm nhạc trực tuyến tiêu chuẩn khán phòng cho biết, nếu triển khai tốt, không thiếu hình thức đăng ký xem và trả tiền trên mạng để các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ có nguồn thu hỗ trợ sáng tạo.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương khẳng định, xây dựng nhà hát trực tuyến là hướng đi mới để phát triển các hoạt động biểu diễn, là chủ trương song hành để thu hút khán giả đến với sân khấu trong thời đại số. Cục cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất đầu tư xây dựng nhà hát trực tuyến sao cho phù hợp, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà hát trực tuyến cho nghệ thuật biểu diễn: Xu thế của thời đại mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.