(HNMO) - Là đơn vị nghệ thuật truyền thống duy nhất của Hà Nội có thể đứng độc lập trên thương trường, tự hạch toán kinh doanh, Nhà hát Múa rối Thăng Long được xem “niềm tự hào” của nghệ thuật thủ đô khi xác lập nên nhiều kỷ lục…
Khởi sắc từ sáng tạo mới
Bước sang năm 2018 cũng là thời điểm Nhà hát múa rối Thăng Long bước sang năm thứ 5 giữ vững kỷ lục “Nhà hát duy nhất tại Châu Á biểu diễn 365 ngày trong năm”, quanh năm sáng đèn biểu diễn phục vụ khán giả. Phóng viên báo HNMO có cuộc gặp gỡ với NSƯT Chu Lượng – quyền Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long, người hiện đang giữ vai trò đầu tàu của Nhà hát, để hiểu thêm chiến lược mới của đơn vị nghệ thuật truyền thống của Thủ đô.
NSƯT Chu Lượng, quyền Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long |
Giữa buổi trưa đầu hè, điểm bán vé của Nhà hát tấp nập khách mua, trong số đó rất đông là khách nước ngoài. Dù đã hẹn trước, nhưng NSƯT Chu Lượng vẫn không giấu được sự bận rộn. Vị “thuyền trưởng” mới của Nhà hát múa rối Thăng Long tác phong nhanh nhẹn, có phần vội vàng – điều mà nhiều người vẫn thấy ở anh khi anh phụ trách dàn dựng nhiều sản phẩm rối nước từng đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Anh bảo, đang bận dàn dựng lại sân khấu để chuẩn bị đón đoàn thiếu nhi của một trường tiểu học đến xem chương trình nên có hơi vội vàng.
Khi NSND Nguyễn Hoàng Tuấn nghỉ hưu theo chế độ, NSƯT Chu Lượng đảm nhiệm vai trò quản lý của Nhà hát. Dù mới tiếp quản đơn vị nghệ thuật giàu truyền thống, nhưng với “máu nghề”, anh bắt tay thực hiện ngay nhiều chương trình mới với niềm tin rằng, sáng tạo mới ắt hẳn sẽ mang đến phong cách mới cho Nhà hát.
Cuối năm 2017, Nhà hát múa rối Thăng Long thực hiện “Chương trình múa rối tạp kĩ chào đón giáng sinh và mừng năm mới” đã lập nên kỷ lục mới. “Ban đầu, Nhà hát chỉ định diễn từ 4 đến 6 buổi, nhưng sau do “cầu” lớn, Nhà hát tăng lên 30 buổi diễn, các suất diễn “cháy vé” – điều mà trước kia những vở rối cạn chưa từng làm được”, NSƯT Chu Lượng chia sẻ.
Chương trình múa rối tạp kỹ kết hợp rối cạn và rối nước ra mắt dịp Noel 2017 của Nhà hát đã lập "kỷ lục" khi công diễn liên tục 30 buổi |
Nói về khó khăn không có sân khấu để tập luyện, trình diễn rối cạn, khiến cho nhiều vở rối cạn dựng xong phải “cất kho”, NSƯT Chu Lượng cho biết, anh và các nghệ sĩ đã tìm ra những phương án để khắc phục như thiết kế sân khấu tháo lắp nhanh có thể trải trên mặt nước, hoặc đôi khi kết hợp rối cạn cùng rối nước, sử dụng lợi thế mặt nước của rối nước hình thành những vở diễn phù hợp.
“Nhìn những vở diễn làm xong chỉ để dự liên hoan rồi để đấy, chúng tôi rất buồn. Dù gì đó cũng là công sức, sự sáng tạo của nghệ sĩ và cả tiền bạc bỏ ra để dàn dựng. Chiến lược của chúng tôi thời gian tới là dàn dựng vở diễn vừa bảo đảm chất lượng nghệ thuật để có thể tham dự các kỳ liên hoan nhưng vẫn có thể công diễn cho khán giả ngay tại sân khấu rối nước của mình”, lãnh đạo Nhà hát cho biết.
Chiến lược bài bản
Để đảm bảo giữ vững những thành quả đạt được cũng như “chèo lái con thuyền” của Nhà hát, NSƯT Chu Lượng tâm niệm luôn phải đổi mới, tư duy người lãnh đạo là yếu tố quan trọng đề ra phương hướng, chiến lược, kế hoạch cụ thể cho những từng bước đi.
“Hiện nay, Nhà hát có hai đoàn diễn viên độc lập tự chủ trong việc sáng tạo, tự chịu trách nhiệm về tác phẩm. Ban giám đốc sẽ đưa ra những định hướng, chiến lược và xét duyệt tiết mục. Sau đó, trước khi công chiếu, Nhà hát sẽ mời các bầu sô, giáo viên của các trường đến xem và nhận xét, góp ý hoàn thiện tác phẩm. Đây cũng là một hướng đi mới của Nhà hát trong năm nay. Các tác phẩm sẽ được đầu tư mang giá trị nghệ thuật cao, không chạy theo số lượng, hướng đến mục đích chính là giới thiệu văn hóa của Việt Nam”, NSƯT Chu Lượng cho biết.
Hướng đi mới của rối Thăng Long là phát triển rối cạn bên cạnh "đặc sản" rối nước. |
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì “đặc sản” rối nước, Nhà hát múa rối Thăng Long lên kế hoạch xây dựng lại hệ thống tiết mục mới, trong đó tâm điểm sẽ dành cho thiếu nhi. Theo kế hoạch, từ tháng 6-2018, Nhà hát sẽ mở các buổi diễn định kỳ cho thiếu nhi vào sáng thứ 7 và Chủ nhật hằng tuần. Ngoài ra, theo chủ trương của thành phố, vào buổi tối cuối tuần, Nhà hát sẽ biểu diễn các tiết mục múa rối phục vụ khách du lịch và người dân cùng thướng thức tại khu vực phố đi bộ.
Cho đến hiện tại có thể thấy, Nhà hát múa rối Thăng Long đang có những bước đi đúng hướng, những thay đổi phù hợp với tình hình thực tế. Nhà hát vẫn là đơn vị nghệ thuật truyền thống tự chủ của Thủ đô giữ vững mức doanh thu cao ổn định, đời sống cán bộ đủ “ấm” để làm nghề.
Theo người đứng đầu Nhà hát, trong 3 tháng đầu năm 2018, doanh thu của nhà hát đạt hơn 10 tỉ đồng, lượng khách đến với nhà hát đã tăng 20%, trong đó có cả khách du lịch nước ngoài và khách nội địa.
Lúc này, điều trăn trở và mong muốn lớn nhất của những nghệ sĩ múa rối Thăng Long là làm sao để Nhà hát có diện mạo, hình thức bên ngoài được khang trang, đẹp đẽ, xứng tầm với vị thế của Thủ đô văn minh, hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.