(HNM) - Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, đến thời điểm 16h ngày 9-2, các du thuyền, nhà hàng nổi vẫn hoạt động; có nhà thuyền, dù tổ chức tháo dỡ, nhưng chỉ mang tính chất “đối phó” hoặc di chuyển ra giữa hồ...
Nhà hàng du thuyền Potomac mới tháo dỡ lấy lệ phần cầu tàu. Ảnh: Anh Tuấn |
Ngày 7-2, UBND phường Thụy Khuê ban hành thông báo gửi các doanh nghiệp du thuyền, nhà hàng nổi trên hồ Tây, yêu cầu tháo dỡ các công trình vi phạm trật tự xây dựng trước 16h ngày 9-2. Quá thời hạn trên, nếu các đơn vị không thực hiện, UBND phường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp xử lý, cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Đồng thời giao các Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận, Cảnh sát khu vực và Tổ trưởng tổ dân phố tăng cường tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp tự tháo dỡ công trình.
Cũng trong ngày 7-2, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 38/TB-UBND thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc kiểm tra và giải quyết các kiến nghị liên quan đến hoạt động kinh doanh ở khu vực hồ Tây của các doanh nghiệp. Văn bản nêu rõ: Thực hiện chủ trương của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố đang triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư, cải tạo, chỉnh trang, quản lý và khai thác khu vực hồ Tây thành một điểm du lịch, văn hóa tiên tiến, có điều kiện kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi giải trí và có hệ thống xử lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế. Để đạt được mục tiêu trên, UBND thành phố giao UBND quận Tây Hồ căn cứ chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý hồ Tây; xác định vị trí tập kết và tổ chức di chuyển các tàu, thuyền, phương tiện nổi; xây dựng kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện này khỏi hồ Tây; tháo dỡ các cầu dẫn, sàn nổi... trên hồ Tây. Các công việc nói trên phải hoàn thành ngay trong quý I-2017.
Cùng với đó, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp có báo cáo gửi UBND thành phố trong tháng 2-2017 về quá trình hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp tại hồ Tây; nguồn gốc, xuất xứ của tàu, thuyền, phương tiện nổi, bao gồm thời gian đóng, thời gian đưa vào sử dụng, vận hành phương tiện, giá trị ban đầu, giá trị sau khấu hao tính đến thời điểm hiện tại (kèm theo chứng từ, tài liệu có liên quan); hợp đồng lao động, số lượng lao động được doanh nghiệp sử dụng, tiền lương phải trả, những khó khăn vướng mắc của người lao động khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động sản xuất - kinh doanh trong phạm vi quản lý hồ Tây; nguyện vọng của doanh nghiệp đối với kế hoạch đầu tư, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, quản lý, khai thác khu vực hồ Tây của UBND thành phố...
Chỉ đạo của các cấp chính quyền là vậy, tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trong chiều 9-2, một số du thuyền, nhà hàng nổi trên hồ Tây vẫn hoạt động bình thường. Đáng chú ý, cho đến 16h, khu vực nhà thuyền của Công ty CP Sông Potomac (số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ), mới tháo dỡ “lấy lệ” phần cầu tàu, với vài tấm ván và khuôn cửa. Thực khách vẫn có thể đi xuống cầu tàu vào khu vực dịch vụ một cách dễ dàng. Trên vỉa hè phía trước cầu tàu có khá nhiều xe máy của khách và nhân viên phục vụ quán. Cách đó không xa, nhà thuyền Tây Long 2 và 3 cũng đang phục vụ khách. Khi phát hiện phóng viên quay phim, chụp ảnh, một trong hai nhà thuyền lập tức di chuyển ra khu vực giữa hồ, trong khi chiếc còn lại vẫn “án binh bất động”.
Một số người dân sống tại đây cho biết, việc tự nguyện tháo dỡ của nhà thuyền Potomac được thực hiện từ sáng, nhưng cũng chỉ để đối phó, giống như nhiều lần các cơ quan chức năng của thành phố yêu cầu trước đây. Các nhà thuyền khác về cơ bản cũng như vậy. Cho nên lần này, dư luận nhân dân rất mong chính quyền các cấp cùng các ngành chức năng thực hiện quyết liệt...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.