(HNM) - Sau khi Báo Hànộimới ngày 19-3-2010 đăng bài "Công chứng tư - chưa quản chặt", chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia pháp luật xoay quanh trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực này. Sở Tư pháp cũng bày tỏ những lúng túng khi xử lý hậu quả vụ Trưởng Văn phòng Công chứng (VPCC) Việt Tín chết.
Bộ Tư pháp hướng dẫn sai luật?
Liên quan đến vấn đề người dân đến làm dịch vụ tại VPCC (công chứng tư) và phải trả giá đắt gấp nhiều lần so với giá các phòng công chứng nhà nước (PCCNN) quy định mà Hànộimới đã phản ánh (ví dụ phí soạn thảo văn bản ở PCCNN là 80.000 đồng thì hầu hết các VPCC thu từ 200.000 đồng - 300.000 đồng…), ông Phạm Thanh Cao, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp) phân trần, Sở Tư pháp không "tuýt còi" được. Luật quy định, khoản thù lao công chứng không có một khung chuẩn nào mà do hai bên (người làm công chứng và người đi làm công chứng) thỏa thuận, căn cứ vào tính chất phức tạp của từng dịch vụ, do đó, người dân cần hỏi giá trước khi thực hiện các giao dịch ở VPCC. Về hiện tượng 41/42 VPCC đều là công ty tư nhân hoặc hợp danh nhưng lại trưng cho mình cái mũ trực thuộc Sở Tư pháp, ông Cao khẳng định, do pháp luật chưa quy định cụ thể về lô gô, màu sắc, nội dung biển hiệu nên ngay từ khi các VPCC mới chào đời, Sở Tư pháp đã "bí" hướng giải quyết. Tháng 8-2008, sở đã xin ý kiến lãnh đạo Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) - đơn vị quản lý khối công chứng lúc bấy giờ qua điện thoại. 3 ngày sau thì nhận được ý kiến chỉ đạo "tạm thời các VPCC được để mũ trực thuộc Sở Tư pháp đến khi có văn bản hướng dẫn sau". Thế nhưng, đã gần 2 năm trôi qua, nội dung trên vẫn chưa được Bộ Tư pháp "đả động" đến trong bất kỳ thông tư hướng dẫn nào.
Tại văn phòng công chứng Hồ Gươm. |
Theo luật gia Lê Hồng Sơn, đây không chỉ là điều rất đáng tiếc mà còn là việc không thể chấp nhận được. Bởi lẽ, theo Luật Công chứng và Điều 2, NĐ 02/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng thì Sở Tư pháp chỉ có vai trò giúp UBND các tỉnh, thành quản lý nhà nước về công chứng chứ không phải là cơ quan chủ quản. Như vậy, Bộ Tư pháp là cơ quan soạn thảo Luật Công chứng nhưng đã hướng dẫn sai tinh thần của Luật Công chứng, góp phần khiến không ít người dân lầm tưởng giá các giao dịch làm ở VPCC bằng giá của PCCNN để rồi mất tiền oan. Các bộ, ngành khác thì còn có lý do nọ, lý do kia nếu vấp phải hoàn cảnh này như chuyên viên Ban Pháp chế không thông thạo lắm, nhưng cơ quan chuyên phổ biến, thẩm định các văn bản pháp luật mà để có sai sót là bất thường.
Lúng túng hướng giải quyết
Trở lại việc giải quyết hậu quả mà VPCC Việt Tín để lại, theo ông Cao, đây là vấn đề không đơn giản. VPCC Việt Tín có công chứng viên (CCV) duy nhất làm Trưởng văn phòng là ông Nguyễn Minh Hải, nhưng nay ông Hải đã chết thì theo quy định VPCC này đương nhiên giải thể. Hiện đã có một số CCV xin được tiếp quản và cam kết sẽ gánh chịu mọi hậu quả mà VPCC Việt Tín để lại. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ có hiện tượng này là do hiện nay việc xin phép mở một VPCC tại các quận nội thành như VPCC Việt Tín (42 Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng) là bất khả thi. Thế nhưng, tuy phương án trên có thể giải quyết hậu quả mà VPCC Việt Tín gây ra nhưng luật lại không cho phép. Sở Tư pháp đang loay hoay tìm cách xử lý có lợi nhất cho người dân mà vẫn bảo đảm đúng luật.
Theo ông Cao, trước mắt, để khắc phục tình trạng văn bản nhà đất đã công chứng ở cơ sở này rồi lại mang tiếp đến đơn vị khác để thực hiện giao dịch mua bán, các VPCC cần điện thoại kiểm tra, hỏi nhau thông tin. Sở Tư pháp đã phát cho các VPCC danh bạ có ghi tên, địa chỉ, điện thoại của các tổ chức hành nghề công chứng nhưng đáng tiếc các VPCC vẫn thích làm việc độc lập hơn là hợp tác. Và VPCC Việt Tín đã lãnh hậu quả đầu tiên.
Mặc dù vậy, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu chung về công chứng trên mạng internet để giúp CCV ở VPCC tại các tỉnh, thành phố trên cả nước phát hiện những hợp đồng công chứng phạm pháp. Hiện khối công chứng nhà nước đều đã được khai thác dữ liệu về bất động sản tại địa phương đang bị tòa án, công an, thi hành án ra quyết định ngăn chặn giao dịch qua phần mềm Master. Nhưng không hiểu sao khối công chứng tư sau hơn 2 năm được phép hoạt động vẫn chưa được Bộ Tư pháp cho hưởng những ưu ái này.
Theo Luật Công chứng, các VPCC được hoạt động dưới hình thức công ty hợp danh (do 2 CCV trở lên thành lập) và doanh nghiệp tư nhân (một CCV thành lập). Nhưng theo Sở Tư pháp Hà Nội, Nhà nước nên khuyến khích các CCV kết hợp hoạt động theo hình thức công ty hợp danh. Vì khi làm theo mô hình doanh nghiệp tư nhân, nếu CCV ốm, hoặc bận việc dài ngày không thể bố trí thời gian làm việc được, không lẽ VPCC đó phải đóng cửa nhiều ngày vì "không có CCV ký chứng nhận". Gặp trường hợp ấy, chắc chắn người dân sẽ phản ứng mạnh, nhất là đối với các khách hàng đang thực hiện giao dịch dở dang. Nhưng các cơ quan quản lý nhà nước cũng lúng túng, không biết phải giải quyết như thế nào, bởi ngay trong luật cũng chưa dự liệu được phương án xử lý.
Mặt khác, Bộ Tư pháp cũng cần đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn đối với trình độ của CCV. Bởi lẽ, trước khi bắt tay vào xử lý hậu quả của VPCC Việt Tín để lại, đã có trường hợp VPCC chứng nhận giấy ủy quyền ra tòa để giải quyết vụ việc, nhưng lại bị TAND huyện Từ Liêm trả lại vì trong giấy chứng nhận ủy quyền đó, đương sự chưa ký thì CCV đã ký sẵn rồi. Có văn phòng chứng nhận di chúc thừa kế cho người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (trong khi người đó đã chết trên thực tế) nhưng lại bỏ qua con của người đó…
"Do chưa được Bộ Tư pháp cho nguồn khai thác dữ liệu (phần mềm Master), nên để hoạt động an toàn, VPCC Ngọn Lửa Việt tự liên hệ với đầu nguồn cung cấp và được đáp ứng. Mất khoảng 5 ngày, chúng tôi mới giải mã được quy trình xử lý thông tin và còn mách cho 4 VPCC khác. Tôi nghĩ, để hạn chế tối đa rủi ro, các VPCC phải xoay xỏa, tự cứu mình trước đã". Đại diện VPCC Ngọn Lửa Việt |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.