(HNMCT) - Nhà điêu khắc Vũ Tiến là tác giả của tác phẩm điêu khắc, tượng đài ở nhiều tỉnh, thành phố. Dù sáng tác với nhiều chủ đề, nhưng những tác phẩm điêu khắc về Bác Hồ, chân dung các vị anh hùng dân tộc luôn khiến ông tự hào, say mê sáng tạo.
- Thưa nhà điêu khắc Vũ Tiến, ông còn nhớ mình đã sáng tác tượng Bác Hồ về thăm Đại Từ (nay là Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) - nơi thành lập Hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của cả nước - như thế nào?
- Từ năm 1982 - 1983, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội giao cho tôi làm tượng Bác Hồ. Tôi đã hoàn thành bức tượng đó và báo Nhân Dân lúc bấy giờ đăng tin, nhận định đây là bức tượng gỗ lớn nhất từ trước đến nay, cao 3m. Chuyện kể rằng năm 1958, Bác Hồ về thăm Hợp tác xã đầu tiên của cả nước ở làng Đại Từ. Người dân kể lại, hôm ấy trời mưa, mọi người đưa cho Bác một chiếc nón và Bác xắn quần lội đồng. Bác xem cây lúa rồi động viên: Khu thực nghiệm luôn phải áp dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra năng suất cao, nhưng phải chú ý đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Từ câu chuyện ấy, tôi sáng tác tượng Bác Hồ nâng niu bông lúa, nhìn lên để thông cảm với khó khăn, vất vả của người nông dân. Tôi rất mừng khi người dân tại Hợp tác xã Đại Từ nhận xét: Tác giả Vũ Tiến đã tái hiện hình ảnh Bác Hồ gần gũi, chân thực. Sau này, khi điều kiện kinh tế tốt hơn, người dân Đại Từ muốn đúc tượng đồng để ghi nhớ công ơn của Bác. Để khách quan, người ta tổ chức một cuộc thi chọn ý tưởng. Địa phương đã mời hội đồng nghệ thuật điêu khắc quốc gia, duyệt 4 lần, cuối cùng như một cơ duyên, tác phẩm của tôi được chọn.
- Nhớ lại hai tác phẩm do chính mình tạo nên đó, chắc hẳn là ông có những trải nghiệm khó quên?
- Mỗi chất liệu đều có thế mạnh cũng như khó khăn trong quá trình thực hiện. Với tôi, ngôn ngữ của đồng hay của gỗ đều giúp tôi thăng hoa, nhất là khi được làm tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi nhớ khi làm tác phẩm bằng đồng, tiến độ phải hoàn thành là trước ngày 3-2, Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi hoàn thiện phiên bản bằng đất, hội đồng nghệ thuật điêu khắc quốc gia và đại diện người dân đã đến nhà tôi để duyệt. Đúc tượng đồng không đơn giản vì lúc đó có ý kiến chỉ làm tượng mẫu thôi, còn người dân sẽ mời người đúc tượng. Tôi đồng ý. Nhưng cuối cùng họ lại quyết định phải để chính nhà điêu khắc tham gia quá trình đúc tượng. Ban tổ chức cũng rất cẩn thận từ khâu chọn mua nguyên liệu đồng đến chọn người đúc đồng, sau đó còn mời những người có kinh nghiệm đúc đồng ở Bắc Ninh lên tư vấn. Hai lò đun đồng được xây lên, nhân dân Đại Từ rất phấn khởi và đóng góp công sức của mình để hoàn thiện bức tượng này. Riêng bức tượng cao 2,7m, nếu tính cả bục là hơn 3m, không khác bức tượng gỗ là mấy về hình dáng, kích thước. Hằng năm, vào dịp sinh nhật Bác (19-5), tôi lại được mời về Đại Từ (nay là Đại Kim), được nghe người dân kể thêm những câu chuyện về Bác, về việc dựng tượng.
- Là người đúc tượng nhiều danh nhân, những người có công với đất nước, ông chuẩn bị như thế nào trước khi sáng tạo tác phẩm?
- Khi nghiên cứu làm tượng Bác Hồ, tôi đã dán lên tường tất cả hình ảnh Bác mà tôi có. Tôi làm tượng Bác Hồ trong 45 ngày, ngay tại làng Đại Từ. Hai cây mít của nhân dân đóng góp được ghép lại. Thủy đình để đặt tượng Bác Hồ tại khu di tích cũng do tôi thiết kế. Bây giờ, đó là một khuôn viên văn hóa, nơi để nhân dân và những người về hưu nghỉ ngơi, chiêm ngưỡng và nhớ lại kỷ niệm Bác Hồ đã về thăm. Tôi từng làm tượng Nguyễn Trãi, Hoàng Hoa Thám, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Đây là cơ hội để tôi thể hiện tình cảm với các anh hùng dân tộc.
Tôi đã làm nhiều tượng Bác Hồ nhưng khi đến Đại Từ, tôi thấy có điều lạ là người dân muốn đặt tượng Bác trong thủy đình, không muốn để ngoài trời bởi lo sợ nắng mưa. Khi nhân dân làm lễ khánh thành, dòng người đông kín, ai cũng muốn vào thắp hương tưởng nhớ Người. Giây phút ấy, tôi cảm thấy nhẹ nhõm, lâng lâng khó tả lắm. Đó là cảm xúc của một nhà điêu khắc khi chứng kiến tác phẩm của mình được mọi người chấp nhận. Và đương nhiên, tôi hạnh phúc khi được tạc tượng Bác Hồ.
- Được biết năm 2007, trong một chuyến công tác ở Pháp, ông đã được mời tu bổ tượng Bác Hồ (của nhà điêu khắc Trần Văn Lắm - đã mất). Làm tượng của mình đã khó, tu sửa tượng của tác giả khác có khó không, thưa ông?
- Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu từng nói: “Tôi làm tượng Bác Hồ cả đời, như đứa trẻ con với bóng mặt trời và cả đời làm không xong”. Hình ảnh của Người thiêng liêng và vĩ đại nhưng tôi vẫn mạnh dạn thử sức mình. Cuối cùng thì việc tu sửa cũng diễn ra thuận lợi, tìm được đúng chất liệu phù hợp để ghép nối. Nói thêm về bức tượng Bác Hồ của tôi đặt ở Đại Từ, sau này được in trong một tập sách lưu niệm. Có một dịp vào Nam, khi gặp nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, ông đã nói với tôi: “Đây là một sự kiện nổi tiếng ở miền Bắc”. Lúc ấy tôi đáp lại ông: “Không ạ, thưa thầy! Đây là những yêu cầu mà em làm được. Sau đó em cũng ngạc nhiên về sức lao động của mình”.
- Trân trọng cảm ơn nhà điêu khắc Vũ Tiến!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.