Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải: Làm nghệ thuật không nên nghĩ nhiều về hiệu quả vật chất

Mai Đình| 19/06/2022 06:35

(HNMCT) - Nhà điêu khắc Đào Châu Hải sinh năm 1955. Ông là một trong 70 nghệ sĩ quốc tế tham gia triển lãm Berlin Bienale vào tháng 6 này. Đây là triển lãm nghệ thuật nhằm khuyến khích những nghệ sĩ có con đường sáng tạo đặc biệt, được tổ chức 2 năm một lần tại Đức. Ông cũng là người dành nhiều sự quan tâm, khuyến khích và hỗ trợ các nhà điêu khắc trẻ.

- Thưa nhà điêu khắc Đào Châu Hải, trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã đạt được những thành tựu nhất định với nhiều chất liệu khác nhau. Ông nghĩ sao về việc trải nghiệm, thử thách khả năng sáng tác trên nhiều chất liệu?

- Tôi làm điêu khắc với nhiều chất liệu khác nhau như đồng, kim loại, gỗ, đá và một số chất liệu mang tính tổng hợp khác. Tôi cho rằng người làm điêu khắc chuyên nghiệp phải có nhiều trải nghiệm với những chất liệu khác nhau. Như vậy thì mới tạo ra cho mình nhiều cảm xúc về vật chất. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tôi cố gắng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ khác nhau, ví dụ như dùng máy tự động, máy cắt kim loại, máy cắt đá, xẻ đá... Đối với tôi, thao tác cũng như thực hành nghệ thuật, làm thủ công hay làm với sự hỗ trợ của máy móc thì sẽ tạo ra ngôn ngữ biểu hiện khác biệt.

- Ông là người chuyên tâm khai thác triệt để chất liệu. Việc ứng dụng máy móc có làm thay đổi ý tưởng ban đầu của ông?

- Không! Nó không thể thay đổi được ý tưởng nghệ thuật mà chỉ thay đổi hình thức biểu hiện. Thay đổi hình thức biểu hiện nghệ thuật là điều tôi mong muốn. Nếu chúng ta thay đổi hình thức biểu hiện nghệ thuật, có nghĩa là chúng ta tìm được nhiều hình thức ngôn ngữ điêu khắc.

Tôi không đi tìm một khuynh hướng hay phong cách cụ thể nào đấy. Tôi làm tất cả những gì mà lộ trình phát triển nghề nghiệp của cá nhân tôi dẫn dắt, ví dụ từ hiện thực đến trừu tượng, lập thể, tối giản. Tôi không quan trọng tên gọi, lộ trình phát triển tự nhiên đưa tôi đến đâu thì tôi sẽ đến đấy.

- Một số người nhận định: Đào Châu Hải không quá quan tâm đến yếu tố thị trường trong sáng tạo nghệ thuật. Thời gian này ông sống như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng làm nghệ thuật thì không cần thiết, không nhất định và cũng không nên nghĩ về hiệu quả vật chất của nó. Thật may mắn khi tôi ý thức được điều đó ngay từ đầu. Điều đó mang đến cho tôi tự do. Tôi theo đuổi quan điểm là làm sao mình được tự do thể hiện nhất trên con đường thực hành nghệ thuật. Tôi không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì.

- Nhưng có vẻ ông lại rất quan tâm đến những nhà sáng tạo trẻ, đến đời sống của điêu khắc hiện nay?

- Trong lộ trình phát triển của điêu khắc Việt Nam, tôi cố gắng tham gia tạo ra môi trường nghệ thuật, một đội ngũ đồng nghiệp tốt, đặc biệt là với những nhà điêu khắc trẻ. Không có gì hay hơn, thú vị hơn khi ta tạo ra môi trường nghệ thuật, một nhóm đồng nghiệp tốt, có những ý tưởng đột phá trong ngôn ngữ, tư duy. Tôi cũng tham gia cùng mọi người xây dựng được một vài nhóm nghệ thuật ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, gọi là nhóm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn, triển lãm chung 2 năm một lần. Bên cạnh đó là tổ chức workshop, trại sáng tác, tạo ra môi trường nghệ thuật tốt cho điêu khắc Việt Nam đương đại.

- Trong những năm gần đây, tác phẩm điêu khắc hiện diện ở rất nhiều không gian. Theo ông, những người làm điêu khắc đã thực sự có đủ không gian để thể hiện mình?

- So với 20 năm trước thì thế hệ trẻ hôm nay có điều kiện sáng tác tốt hơn. Trong sự phát triển chung của xã hội, đã có rất nhiều cá nhân, tập thể hỗ trợ, tạo ra những không gian mang tính biểu hiện rất lớn. Ở phía Bắc có Flamingo Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc). Trong không gian đó, họ tổ chức được nhiều workshop, trại sáng tác mang tính quốc tế, mời được nhiều nhà điêu khắc tên tuổi của thế giới cùng tham gia, tạo ra những tác phẩm mang tính cộng đồng. Ở đó, công chúng có điều kiện tiếp xúc trực tiếp, không nhất định phải vào các bảo tàng, nhà trưng bày vốn dĩ chật hẹp, hạn chế về mặt không gian.

Trong thành phố Hồ Chí Minh cũng có một số không gian tốt, nhưng nếu so sánh thì quy mô chưa được như Flamingo Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc). Bên cạnh đó, cũng có nhiều trại sáng tác do cả tư nhân và nhà nước tổ chức, tạo ra không gian cho cả hội họa và điêu khắc sáng tạo. Cái chúng ta thiếu bây giờ không phải là vật chất hay điều kiện mà là khát vọng, tình yêu với cuộc sống, với nghệ thuật. Chính điều đó thúc đẩy hành vi thực hành nghệ thuật lớn.

- Nếu như coi nghệ thuật là cuộc phiêu lưu, đã khi nào ông phải hoặc đã nhìn thấy giới hạn của bản thân mình?

- Giới hạn của bản thân mình là thời gian. Tôi mong rằng mình tiếp tục đi trên con đường này thêm 50 năm nữa. Đó là điều thật tuyệt vời. Khát vọng của tôi với nghệ thuật quá lớn, tôi không bao giờ cảm thấy thỏa mãn.

- Trân trọng cảm ơn nhà điêu khắc Đào Châu Hải!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà điêu khắc Đào Châu Hải: Làm nghệ thuật không nên nghĩ nhiều về hiệu quả vật chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.