Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà đầu tư Nhật, Hàn lạc quan về môi trường kinh tế Việt

Lan Hương| 04/07/2014 11:11

(HNMO) – Theo một khảo sát môi trường đầu tư mới đây, các nhà đầu tư đến từ các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế tại Việt Nam.


Công ty Điện tử Samsung của Hàn Quốc đang dự định đầu tư một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Việt Nam với vốn đầu tư hơn 1 tỷ đô la Mỹ. Nhà máy này có thể sẽ được đặt tại một khu công nghệ cao ở TP.HCM.

Thực tế, một số vụ biểu tình quy mô nhỏ và trong khoảng thời gian ngắn vừa qua tại Bình Dương, Đồng Nai và các khu công nghiệp nhằm phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào khu vực biển Đông đã gây ra những lo ngại nhất định cho các nhà đầu tư nước ngoài về khả năng dự đoán và quản lý khủng hoảng của Chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ các chuyên gia CBRE, các vấn đề này không gây ảnh hưởng đáng kể tới dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam (dù một số nhà đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore có thể sẽ tạm thời dừng kế hoạch đầu tư cho tới khi họ yên tâm hoàn toàn về sự an toàn tại Việt Nam).

Trong 6 tháng đầu năm 2014, vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản chiếm thị phần lớn thứ hai, với 16 dự án được cấp phép mới, tổng số vốn đăng ký 692 triệu đô la Mỹ, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất tại Samsung Thái Nguyên.


Xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện điện thoại đang dần thay thế ngành hàng dệt may, trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2014, Việt Nam xuất khẩu 11,7 tỷ đô la Mỹ điện thoại di động và linh kiện điện thoại, cao gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 16% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Trong khi Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) có nhiều khả năng chưa được thông qua trong năm 2014, Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam – EU đang được thúc đẩy đàm phán để có thể thông qua trong năm nay. Hiệp định này sẽ tác động tích cực tới ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt đối với những ngành hàng có lợi thế xuất khẩu như dệt may, thủy hải sản và da giày. Hiện tại chỉ có 42% các ngành hàng tại Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập của EU.

Tuy nhiên nếu Hiệp định với EU được thông qua, ít nhất 90% các ngành hàng tại Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế suất 0%.

Tin vui cuối cùng là Luật Đất Đai sửa đổi, vừa có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, được kỳ vọng sẽ giải quyết một loạt những bất cập của luật cũ trước đây. Những quy định mới sẽ tạo nên một sân chơi công bằng cho nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam, giúp các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều thuận lợi hơn khi tham gia đầu tư vào bất động sản tại các dự án nhà ở bán và cho thuê.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà đầu tư Nhật, Hàn lạc quan về môi trường kinh tế Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.