Xã hội

Nhà có mạnh, thì nước mới vững bền

Thủy Nguyễn ghi 28/06/2023 - 06:16

Gia đình Việt Nam là thiết chế không thể thay đổi đối với sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như trong việc thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Báo Hànộimới đã phỏng vấn chuyên gia, cán bộ và người dân về việc làm thế nào để đạt được mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ trong giai đoạn mới.

GS.TS Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới:

Vợ và chồng có vai trò bình đẳng trong các quyết định gia đình

huu-minh.jpg

Để xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ trong giai đoạn mới, cần nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển xã hội nói chung, từ đó chú ý một cách toàn diện khía cạnh gia đình trong các chính sách kinh tế - xã hội; nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tạo thuận lợi cho người vợ - chồng có cơ hội ngang nhau tham gia vào các hoạt động kinh tế và có vai trò bình đẳng trong các quyết định gia đình. Quan tâm củng cố chức năng giáo dục của gia đình, xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới, kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống. Tiếp tục có những giải pháp triệt để hơn nhằm thay đổi nhận thức xã hội về bạo lực gia đình... chuẩn bị tốt hệ thống an sinh xã hội, phát huy vai trò của cộng đồng để phục vụ nhu cầu chăm sóc trẻ em và người cao tuổi. Tạo điều kiện cho các dịch vụ tư nhân tham gia vào việc chăm sóc trẻ em, hỗ trợ người cao tuổi, đồng thời xây dựng hệ tiêu chí thống nhất và cụ thể hóa các mục tiêu xây dựng gia đình của Đảng, tạo thuận lợi cho quá trình tuyên truyền, triển khai thực tế các kế hoạch hành động xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ.

Phó Trưởng phòng Nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Thị Việt Hà:

Phát huy vai trò của gia đình trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

viet-ha.jpg

Ngành văn hóa Thủ đô đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn thành phố đến năm 2030. Điều này nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và phát huy vai trò của gia đình trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng thời định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ Thủ đô, góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện từ gia đình, khơi dậy khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước. Kế hoạch với nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ như tiếp tục đổi mới công tác truyền thông, trong đó chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình văn hóa tiêu biểu về ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền… phê phán các hành vi lệch chuẩn, vi phạm các chuẩn mực đạo đức, văn hóa. Đẩy mạnh quản lý nhà nước về gia đình; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Phát huy vai trò, trách nhiệm của ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi trong việc tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, chuẩn mực văn hóa ứng xử trong gia đình; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống trong gia đình. Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát tiến độ và hiệu quả thực hiện các mục tiêu để biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác…

Ông Nguyễn Đức Long, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 10 phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ:

Gia đình là nơi bảo lưu bền vững các giá trị văn hóa

duc-long.jpg

Vinh dự được địa phương bình bầu là gia đình văn hóa nhiều năm qua, tôi và gia đình luôn ý thức đây là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc, là “cầu nối” giữa cá nhân với cộng đồng, nhà có mạnh, thì nước mới vững bền như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn”. Chính vì vậy, 55 năm chung sống bên nhau, vợ chồng tôi luôn nỗ lực vun vén cho gia đình ấm no, tiến bộ và hạnh phúc; dạy bảo con cháu biết tu dưỡng, rèn luyện theo triết lý “học, học nữa, học mãi”, luôn kính trên nhường dưới, khiêm tốn, giản dị, trung thực, hòa đồng. Khi nghỉ hưu, tôi duy trì nghề thuốc tại gia, thường xuyên khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và người cao tuổi trên địa bàn, hay tham gia các đoàn khám chữa bệnh miễn phí cho bà con, đồng bào tại các vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, tôi tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương từ xây dựng ngõ phố văn minh đô thị, các câu lạc bộ văn hóa, thể thao, khuyến học... đến thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình, góp phần nâng cao ý thức xây dựng, giữ gìn bền vững hạnh phúc trong mỗi tổ ấm vì cộng đồng, quốc gia phồn thịnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà có mạnh, thì nước mới vững bền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.