(HNM) - Nhà báo Hồng Lĩnh, Tổng Biên tập Báo Hànộimới (1969 - 1988) nổi trội trên hết là bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy bén trong các diễn biến tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gương mẫu, giản dị trong cuộc sống. Ông là một Tổng Biên tập mẫu mực.
Nhà báo Hồng Lĩnh (bên phải) trong một buổi làm việc. |
Tôi còn nhớ khoảng năm 1979 - 1980, tình hình Biển Đông lúc ấy đã có những chuyện "khó hiểu", bất ngờ của Trung Quốc. Đồng chí Hồng Lĩnh triệu tập cuộc họp đột xuất toàn cơ quan để phổ biến quán triệt tình hình và thái độ của Nhà nước ta trước tình hình đó. Trong lúc cả phòng họp im phăng phắc lắng nghe từng lời của Tổng Biên tập thì bỗng phía cuối phòng họp có ai nói vọng lên.
- Cách xa đất liền mấy trăm cây số, liệu điều được ai ra đấy mà giữ?
Đặt quyển sổ ghi chép xuống bàn, Tổng Biên tập Hồng Lĩnh nghiêm nét mặt, nhẹ nhàng nói:
- Tôi đang phổ biến ý kiến của cấp trên, đồng chí nào vừa nói câu đó, sau cuộc họp này đề nghị lên phòng tôi nói lại để ta cùng trao đổi, có được không?
Cuộc phổ biến tình hình thời sự chỉ diễn ra hơn nửa giờ đồng hồ, ai nấy lại về làm việc bình thường.
Có tiếng gõ cửa phòng Tổng Biên tập.
- Mời vào!
Một người đẩy cửa bước vào.
Đồng chí Hồng Lĩnh đứng dậy
- Mời ngồi!
- Thôi, không muốn làm phiền Tổng Biên tập nữa. Đoạn anh ta nói tiếp với giọng ân hận:
- Hồi nãy, trong cuộc họp tôi có đùa nhưng tự thấy thiếu ý thức. Tôi lên gặp để có lời xin lỗi!
Đồng chí Hồng Lĩnh vẫn biết đồng chí mình nói đùa nhưng đùa như thế là không nên. Đồng chí "không để bụng", "không nâng lên quan điểm".
Các cuộc họp, giao ban của cấp trên đồng chí Hồng Lĩnh không vắng mặt bất cứ cuộc họp nào. Đồng chí nói không đi nghe thì biết gì mà làm. Đồng chí luôn luôn xác định cho anh em phóng viên làm báo là làm chính trị. Là cơ quan ngôn luận của cấp ủy, của chính quyền thành phố, Báo Hànộimới không chỉ làm nhiệm vụ định hướng mà còn phải là người tuyên truyền, cổ động, tổ chức mọi tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Báo không thể lợi dụng "phản biện" để rồi "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" với sự chỉ đạo của cấp trên. Đồng chí ý thức rất rõ Hànộimới là cơ quan Báo Đảng, phải truyền đạt kịp thời, chính xác các chỉ thị, nghị quyết của Thành ủy; các quyết định, biện pháp tổ chức thực hiện của chính quyền thành phố; đấu tranh không khoan nhượng với tệ tham nhũng, quan liêu, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực khác. Chủ trì các cuộc họp Ban Biên tập cũng như các cuộc họp cơ quan, đồng chí lắng nghe, ghi chép ý kiến, tranh luận sau đó mới kết luận. Đồng chí bám sát sự chỉ đạo của Thành ủy, của Trung ương và chắt lọc dư luận xã hội để đề ra kế hoạch công tác cho cơ quan. Đồng chí thường nhắc nhở cán bộ phóng viên phải đi sát cơ sở, bài viết mới phản ánh được hơi thở của cuộc sống. Đồng chí lại nói, làm được như thế đã tốt xong cũng mới được một vế: Truyền đạt ý kiến của lãnh đạo. Còn vế thứ hai cũng rất quan trọng là ý kiến của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách thì sao?
Tổng Biên tập Hồng Lĩnh thường đi làm sớm đến cơ quan trước ít nhất 15 phút và thường 9 - 10h đêm mới dời nhiệm sở về nhà ăn bữa tối. Có lần tôi hỏi: "Anh thường về muộn như thế, chị và các cháu không kêu à? Đồng chí Hồng Lĩnh cười: "Làm cách mạng làm gì có giờ!". Làm Tổng Biên tập, đồng chí Hồng Lĩnh còn tham gia Thành ủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo, trong Ban Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam và làm việc ở một số ban, ngành khác của thành phố. Việc nào được giao đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc. Dù phải bận rộn họp hành tối ngày, nhưng cứ về đến cơ quan là lao vào đọc, duyệt bài. Vì nếu để sai sót, thì như đồng chí nói, Tổng Biên tập phải là người chịu trách nhiệm trước hết. Đọc, duyệt, ký tên, bài nào không "ưng" thì ghi vào góc "để trao đổi thêm" (không biết có trường hợp nào bài được trao đổi thêm không hay đấy chỉ là ký hiệu loại bỏ bài không đạt). Tòa soạn nhận được bài nào có câu "để trao đổi thêm" thì hiểu ngay ý của Tổng Biên tập, lập tức yêu cầu ban chủ quản cho bài khác thay thế ngay. Đồng chí rất nghiêm khắc với bài báo nào viết sai sự thật, xử lý kỷ luật với người viết sai đó. Người ta không xấu, không có tội, báo lại nói có tội. Như vậy "tòa án dư luận" "kết tội" còn nặng hơn cả án tư pháp, bởi lẽ "đi tù ba năm không bằng đăng báo". Đến khi Báo đính chính thì "chờ được vạ, má đã sưng!".
Khoảng 5-6h chiều hằng ngày, đồng chí Hồng Lĩnh vào Ban Bạn đọc cầm tất cả thư bạn đọc nhận được trong ngày đem về phòng đọc. Rất ngạc nhiên là thư nào của bạn đọc (mỗi ngày báo nhận được hàng chục thư) cũng có bút phê hướng giải quyết. Nào là gặp trực tiếp trả lời. Nào là phải đi điều tra xem có đúng không. Nào là phải làm việc với cơ quan hữu quan can thiệp cho bạn đọc… Nhiều trường hợp qua thư bạn đọc đồng chí Hồng Lĩnh yêu cầu phóng viên theo dõi chuyên ngành đi cùng xuống cơ sở để điều tra. Cách làm việc của đồng chí như thế không chỉ được anh chị em trong cơ quan khâm phục mà cán bộ cơ sở cũng nể trọng. Vì thế mà vị thế của tờ báo ngày càng nâng lên. Có lần trong một cuộc giao ban báo chí, đồng chí Hoàng Tùng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cầm tờ Hànộimới lên nói:
- Đây là một tờ báo chững chạc, bài vở, tầm nhìn vượt ra khỏi khuôn khổ tờ báo địa phương. Các báo, đặc biệt là báo ngành, báo địa phương nên tham khảo.
Hànộimới có chặng đường lịch sử 57 năm, đồng chí Hồng Lĩnh "cầm quân" 19 năm, chiến đấu ngoan cường trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… lúc khó khăn cũng như lúc thuận lợi, Báo vẫn ra đúng kỳ, đều đặn có sức chiến đấu cao, song không bao giờ có sai sót về chính trị và nội dung. Khó khăn, gian khổ ác liệt nào bằng những năm tháng Hà Nội, miền Bắc bị Mỹ ném bom rải thảm nhất là những ngày cuối năm 1972, máy bay B52 Mỹ định san bằng Hà Nội, đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá, Báo Hànộimới phải tổ chức đi sơ tán, lấy tài liệu nơi bom rơi đạn nổ, viết bài, làm maket dưới hầm với vài ngọn nến, đèn dầu mà cứ 5h sáng hằng ngày, nhân dân Thủ đô đã đọc được tin chiến thắng bắn rơi máy bay Mỹ trên tờ Hànộimới. Sau chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không", đồng chí Hồng Lĩnh đã mang 12 số báo của 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng ấy tặng các bạn Đức tại Berlin nhân chuyến thăm hữu nghị, khiến các bạn đồng nghiệp của ta ở xa hàng vạn cây số vô cùng thán phục.
19 năm làm Tổng Biên tập, không có một lá thư, không có một dòng chữ nào phàn nàn về tinh thần công tác, đạo đức, tác phong của đồng chí Hồng Lĩnh. Trong cơ quan anh em coi đồng chí như một "thần tượng" về đạo đức, tư cách. Trước các quyền lợi được hưởng đồng chí không bao giờ nhận phần hơn. Đồng chí thường nhường tiêu chuẩn được hưởng ngày Tết cho những người có hoàn cảnh khó khăn và thường xuyên dành thời gian đi thăm hỏi CBCNV lúc đau yếu, trái nắng trở trời.
Đồng chí Hồng Lĩnh tên thật là Hoàng Báu Hoằng, sinh năm 1925 ở Hà Tĩnh, là lão thành cách mạng. Đồng chí kinh qua rất nhiều chức vụ quan trọng như Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Đảng thành phố, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội… được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen của Nhà nước. Như đồng chí lúc sinh thời thường nói:
- Tôi gặt hái được nhiều thành công và có nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất vẫn là thời kỳ làm báo. Vì đây là nơi được thử thách, có điều kiện dốc hết sức lực trí tuệ, kinh nghiệm; là nơi khẳng định được rõ ràng bản lĩnh chính trị của một người cách mạng mà tôi đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng, xây dựng và đổi mới đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.