(HNMO) - Đó là nội dung phát biểu của đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tại lễ trao “Giải báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2019” tổ chức chiều 17-6, tại Hà Nội.
Đây là sự kiện ý nghĩa diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020). Tham dự lễ trao giải còn có lãnh đạo các bộ, ngành liên quan cùng đông đảo phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
“Giải báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông” là hoạt động thường niên, được tổ chức từ năm 2012 đến nay. Đây là hoạt động nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn giao thông trên báo chí; qua đó nâng cao nhận thức của nhân dân, các cấp chính quyền. Đồng thời ghi nhận, cổ vũ động viên các cơ quan báo chí, các nhà báo tham gia vào việc tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Giải thưởng năm 2019 thu hút 954 tác phẩm của 50 cơ quan báo chí cả nước tham gia với nhiều loạt bài dài kỳ, được thực hiện công phu, nhiều loạt bài thông tin đa chiều, đi đến tận cùng vấn đề, từ đó đề xuất, gợi mở được những biện pháp, giải pháp hiệu quả, sát thực hơn với thực tiễn công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, tuyên truyền qua báo chí đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về ý thức của người tham gia giao thông. Kết quả kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết liên tục qua các năm vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất. Các cơ quan báo chí luôn chủ động lựa chọn hình thức, chủ đề bám sát thực tiễn công tác bảo đảm an toàn giao thông, chuyển tải đến người dân những thông tin, các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông một cách kịp thời, rộng khắp và hiệu quả.
Chính thức phát động “Giải báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2020” với chủ đề “Đã uống rượu, bia - không lái xe” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị, các nhà báo cần bám sát vào năm chủ đề, nhưng cũng phải đi sâu khai thác nhiều góc độ. Qua thực tiễn hoạt động nghề báo, cần tổng hợp đánh giá phân tích, tìm ra nguyên nhân, kiến nghị giải pháp chính sách. Các nhà báo cần đi sâu vào từng ngóc ngách, phản ánh trách nhiệm của từng địa phương và các bộ, ngành, đơn vị liên quan, từ đó tạo sự chuyển biến về ý thức, trách nhiệm, khơi dậy lòng nhân ái và ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, tạo sự đồng thuận và tiến bộ xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.