(HNM) - Ông Đỗ Kim Phượng - nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), một cây bút được nể trọng trong làng báo Việt Nam, đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 87 vào sáng 8-10-2017.
Nhà báo Đỗ Phượng (thứ ba từ bên trái) tiễn đoàn phóng viên Việt Nam Thông tấn xã vào chiến trường B, tháng 3-1975. |
Trong cuộc đời 87 năm, nhà hoạt động chính trị, nhà báo Đỗ Phượng, một cây bút được xếp vào hàng cây đa, cây đề của làng báo Việt Nam, đã đi qua 4 cuộc chiến tranh và nhiều vị trí công tác để từ một thanh niên sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, hăng hái tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945 ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) quê ông, trở thành Ủy viên Trung ương Đảng (khóa VII), Đại biểu Quốc hội (khóa IX), người đứng đầu hãng thông tấn quốc gia và đến khi nghỉ hưu vẫn “cháy” hết mình cho các hoạt động chính trị - xã hội với tư cách Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh toàn quốc, Tổng Biên tập Tạp chí Hương Sắc. Ông đã học tập, làm việc và cống hiến suốt đời, chỉ chịu buông tay khi trút hơi thở cuối cùng do bệnh nhồi máu cơ tim.
Bây giờ nhìn lại, chúng tôi vẫn nể phục Ban lãnh đạo Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) thời chiến tranh chống Mỹ (nay là TTXVN), trong đó có ông Đỗ Phượng. Tổ chức và điều hành thông tin thời chiến với bộn bề công việc khẩn trương, cấp bách, lại trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ bề, họ đã tỏ rõ được trí tuệ và bản lĩnh - cả bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp, để VNTTX thực sự là nguồn tin nhanh nhạy và tin cậy. Và cùng với họ là lớp lớp các nhà báo được tôi luyện qua gian khó và lửa đạn, trở thành những cây bút lão luyện và sắc sảo.
Thời chiến tranh, VNTTX giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc thu thập, xử lý thông tin thời sự để cung cấp kịp thời cho các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế, đặc biệt là thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Với quyết tâm không để “đứt mạch” thông tin theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Giám đốc Đào Tùng, ông Đỗ Phượng là một trong những “kiến trúc sư” của kế hoạch “300% Thông tấn xã” để bảo đảm cho hãng thông tấn quốc gia có thể hoạt động liên tục trong mọi tình huống (bị đánh cơ sở thu phát tin này thì có cơ sở thu phát tin khác thay thế), đồng thời còn chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng ở chiến trường miền Nam và các hãng thông tấn cách mạng ở Lào và Campuchia.
Ông Đỗ Phượng là nhà báo luôn lăn lộn trong thực tiễn. Năm 1973, ông đi chiến trường Quảng Trị. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam (1977-1978) nổ ra, ông vào TP Hồ Chí Minh, đến các tỉnh Tây Nam Bộ, trực tiếp nghiên cứu tình hình, xây dựng kế hoạch triển khai các đài thu phát vô tuyến và điều động phóng viên đi các mặt trận, rồi sang Campuchia ngay trong năm đầu mới giải phóng, trực tiếp đảm nhiệm vai trò Trưởng đoàn chuyên gia TTXVN giúp Thông tấn xã SPK của Campuchia.
Mấy chục năm hoạt động báo chí đầy nhiệt huyết của ông đã được “nén” trong tác phẩm “Nghề báo - Những kỷ niệm khó quên” ra mắt bạn đọc năm 1998. Ông đã tạo được một phong cách riêng trong lối làm việc và một văn phong riêng trong lối viết, không lẫn với ai. Đó là phong cách Đỗ Phượng, văn phong Đỗ Phượng.
Khiêm nhường là tính cách nổi bật của nhà báo Đỗ Phượng. Ông sống và làm việc đơn giản, nhưng táo bạo và hiệu quả. Có cảm giác lúc nào bộ óc của ông cũng làm việc, lúc nào cũng suy nghĩ để nảy ra những sáng kiến. Thực tế, không ít quyết sách do ông đưa ra đã giúp TTXVN vượt qua được rất nhiều khó khăn, thiếu thốn ở thời kỳ nước ta bị bao vây, cấm vận sau chiến tranh. Từ một nhà báo chuyên làm báo viết, được phân công kiêm Chủ nhiệm - Tổng Biên tập Báo Ảnh Việt Nam, một tờ báo đối ngoại chuyên về ảnh, ông đã nhanh chóng đưa tờ báo vươn ra khắp thế giới bằng nhiều thứ ngôn ngữ nhất trong giai đoạn đó, không chỉ in tại Việt Nam mà còn in cả ở Liên Xô, Cuba và Lào.
Nhà báo Đỗ Phượng và đồng nghiệp của ông trong Ban lãnh đạo TTXVN thời bao cấp là những người có tầm nhìn xa. Tầm nhìn ấy trước hết thể hiện trong công tác cán bộ để tạo nguồn nhân lực không chỉ phục vụ nhu cầu trước mắt mà cả lâu dài. Tầm nhìn ấy còn là sự nhanh nhạy chớp lấy mọi thời cơ để phát triển...
Tuy sống đơn giản, thậm chí nhiều lúc xuề xòa, nhưng ông Đỗ Phượng lại là người cực kỳ tinh tế và ý nhị, để lại nhiều ấn tượng khó quên trong lòng bạn bè quốc tế, nhất là với các đồng nghiệp Liên Xô, Cuba, Lào, Campuchia, Pháp, Mỹ và Nhật Bản.
Là một nhà báo mẫn tiệp và uyên bác, ông duy trì được sức viết đáng nể. Khi đã ngoại bát tuần, ông vẫn say mê viết. Những con chữ cứ như thể được lập trình sẵn trong đầu ông, theo ngòi bút chảy dài trên trang giấy. Mạch văn lúc nào cũng khúc chiết, theo một lối viết riêng, tạo được sự cuốn hút. Những người quen đọc ông, thường nhận ngay ra văn phong của ông mà không cần nhìn tên tác giả.
Phong cách Đỗ Phượng, văn phong Đỗ Phượng và những đóng góp to lớn của ông cho TTXVN và cho nền báo chí nước nhà sẽ còn mãi trong bộ nhớ của nhiều người yêu quý ông. Xin vĩnh biệt ông, một cây bút được nể trọng trong làng báo Việt Nam!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.