Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội

05/10/2018 06:36

(HNM) - Cuộc đời theo Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là một hành trình vinh quang, đầy tự hào với những nỗ lực cống hiến không biết mệt mỏi vì dân, vì nước...

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trao tặng bức ảnh Bác Hồ cho Chi bộ Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập (năm 2010). Ảnh: TTXVN


1. Đồng chí Đỗ Mười (tên khai sinh là Nguyễn Duy Cống), sinh ngày 2-2-1917, tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Cuộc đời hoạt động cách mạng hơn 80 năm của đồng chí gắn liền với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và những dấu ấn thể hiện bản lĩnh của một người cộng sản kiên trung, suốt đời tận tụy vì sự nghiệp cách mạng.

Năm 1936, ở tuổi 19, đồng chí Đỗ Mười bắt đầu tham gia phong trào Mặt trận Bình dân, mở đầu cho cuộc đời hoạt động cách mạng. Năm 1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, giam ở nhà tù Hỏa Lò và Hà Đông. Tháng 3-1945, phát xít Nhật đảo chính Pháp, lợi dụng thời cơ này, đồng chí và các tù nhân chính trị ở đây tổ chức vượt ngục thành công và tiếp tục sự nghiệp hoạt động cách mạng.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Đỗ Mười được Trung ương Đảng tin tưởng điều về làm lãnh đạo ở những địa bàn khó khăn, phức tạp là vùng tạm chiếm ở Đồng bằng sông Hồng, Liên khu III..., nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra, ổn định tình hình, xây dựng phong trào cách mạng. Ở vị trí công tác nào, đồng chí đều nỗ lực vượt qua khó khăn, cùng tập thể đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Khi nổi lên vấn đề chống cách mạng hết sức phức tạp của người Công giáo ở tỉnh Ninh Bình, Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định điều đồng chí về tăng cường cho Tỉnh ủy Ninh Bình. Chỉ trong một thời gian không lâu trên cương vị mới, đồng chí Đỗ Mười đã làm rất tốt công tác đoàn kết Công giáo.

Đồng chí có sáng kiến và đề nghị Khu ủy Khu III cho thành lập Ủy ban liên lạc những người Công giáo kháng chiến kính Chúa, yêu nước; vận động đông đảo bà con Công giáo đi theo ủng hộ cách mạng. Đến năm 1950, thực dân Pháp tổ chức những trận càn lớn nhằm bảo vệ Đường 5 - là trục giao thông huyết mạch của chúng từ Hải Phòng về Hà Nội. Nhiều cơ sở cách mạng của ta bị vỡ, nhân dân rất hoang mang. Nhằm đối phó khẩn cấp với tình hình, Trung ương quyết định thành lập Mặt trận Đường 5. Có rất nhiều đồng chí xung phong phụ trách mặt trận này, nhưng sau khi nghiên cứu, Trung ương quyết định cử đồng chí Đỗ Mười chuyển sang đảm nhiệm, làm Phó Bí thư Liên Khu ủy, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu III, Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu III.

Năm 1951-1954, đồng chí Đỗ Mười tiếp tục được phân công làm Bí thư Khu ủy Khu Tả Ngạn Sông Hồng, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính và Chính ủy Quân khu Tả Ngạn Sông Hồng (gồm có Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Hải Phòng). Trên những cương vị mới, đồng chí đã chỉ đạo, tổ chức được nhiều trận đánh du kích, tấn công hiệu quả nhiều đoàn tàu chở lính, vũ khí và lương thực của địch từ Hải Phòng lên tiếp viện cho Điện Biên Phủ; đột nhập Sân bay Cát Bi, đốt cháy hàng chục máy bay địch, khiến cho việc chi viện của Pháp gặp nhiều khó khăn, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, đồng chí Đỗ Mười đảm trách nhiều cương vị quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế, xây dựng tiềm lực chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Từ sau năm 1955, đồng chí được phân công giữ những vị trí quan trọng về kinh tế như: Thứ trưởng Bộ Thương nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nội thương, Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước. Năm 1969-1973, đồng chí làm Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước. Năm 1973, đồng chí làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Hội đồng chi viện tiền tuyến trung ương và chống phong tỏa Cảng Hải Phòng. Trong 10 năm tiếp theo (từ tháng 12-1976 đến tháng 12-1986), đồng chí làm Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách các khối về kinh tế. Tại Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986), đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị, được phân công làm Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tháng 6-1988, đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ).

Là người lãnh đạo về lĩnh vực kinh tế trọng yếu của đất nước trong nhiều thập kỷ, nhất là với cương vị Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Đỗ Mười đã đi sâu đi sát cơ sở, phát huy sức mạnh tập thể, tìm tòi, sáng tạo, kịp thời đưa ra các giải pháp giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra trong từng giai đoạn. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, đồng chí đã đóng góp quan trọng chống chiến tranh phá hoại, giải tỏa Cảng Hải Phòng, chi viện cho miền Nam... Tham gia cùng lãnh đạo đất nước gỡ bài toán bao cấp khó khăn, đồng chí sâu sát với từng việc được phân công: Cân đối nguồn cung lương thực, tài chính, chỉ huy chống bão lụt... Đặc biệt, đồng chí có tiếng nói quan trọng, đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chính phủ giải quyết nhanh chóng nạn lạm phát phi mã cuối những năm 80 của thế kỷ XX. Công lao đồng chí gắn liền với những công trình kinh tế trọng điểm quốc gia, đặt nền móng cho nền công nghiệp nước nhà, nhất là các công trình về nhiệt điện, thủy điện, cơ khí, thủy lợi lớn như: Hòa Bình, Yaly, Uông Bí, Phả Lại, Diezel Sông Công, Apatít Lào Cai, dầu khí Vũng Tàu - Nam Côn Sơn, thủy lợi Dầu Tiếng... Tại Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991), đồng chí Đỗ Mười được tín nhiệm bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Bí thư Quân ủy Trung ương. Tại Đại hội VIII của Đảng (tháng 6-1996), đồng chí tiếp tục được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Bí thư Quân ủy Trung ương.

Đảm nhiệm vai trò người lãnh đạo cao nhất của đất nước giữa lúc Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước vô cùng khó khăn, đồng chí Đỗ Mười đã cùng tập thể Bộ Chính trị bám sát thực tiễn, đoàn kết, kiên trì, vững tay chèo lái con thuyền Việt Nam vượt qua sóng gió, không “chệch hướng”, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tìm tòi những quyết sách mới, từng bước triển khai thực hiện thành công các chỉ thị, nghị quyết về thời kỳ đầu sự nghiệp đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mang bản sắc Việt Nam. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của đồng chí và Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đất nước vững tin tiếp tục công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; có bước đi chiến lược, đột phá về công tác ngoại giao khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ, gia nhập ASEAN, ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện với Liên minh châu Âu, bắt đầu đàm phán các hiệp định thương mại tự do, mở ra các kênh hợp tác với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)...

Trong hoạt động đối ngoại, đồng chí Đỗ Mười là người thẳng thắn, cởi mở, chân tình; nhưng luôn toát lên tinh thần tự tôn dân tộc mạnh mẽ, tư thế chủ động, đàng hoàng, có sức thuyết phục, được bạn bè quốc tế cảm mến. Những quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới và hội nhập quốc tế của đồng chí vẫn còn in đậm trong tâm trí của đông đảo cán bộ và nhân dân cả nước, trở thành hành trang không thể thiếu của người cán bộ lãnh đạo các cấp. Đó là "đổi mới không đổi màu"; "hội nhập không hòa tan"; "xóa bỏ mặc cảm, xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ, nhìn về tương lai"; "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới"... Những chỉ đạo, đề xuất của đồng chí như "xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở," "phong tặng danh hiệu nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" vẫn còn nguyên giá trị chính trị - xã hội tiêu biểu, mang tính nhân văn sâu sắc.

Tháng 12-1997, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khóa VIII, đồng chí xin thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thôi giữ chức Tổng Bí thư; được Ban Chấp hành Trung ương Đảng suy tôn làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến năm 2000. Không còn giữ trọng trách, nhưng con người hoạt động của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vẫn hoạt động không ngừng. Đồng chí vẫn hằng ngày tự học thông qua sách báo, luôn đau đáu với sự nghiệp đổi mới đất nước và đời sống nhân dân; thường xuyên quan tâm theo dõi, động viên, giúp đỡ cho thế hệ lãnh đạo Trung ương và địa phương những ý kiến quý báu; là bậc tiền bối, chỗ dựa cho cán bộ và nhân dân.

2.Là người con của Thủ đô, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười có nhiều kỷ niệm sâu đậm, luôn dành sự quan tâm và đóng góp đặc biệt cho sự phát triển đi lên của Thủ đô Hà Nội.

Năm 1945, không lâu sau khi vượt ngục Hỏa Lò, đồng chí Đỗ Mười bắt liên lạc với Đảng và tiếp tục hoạt động, được phân công về tham gia Ban Khởi nghĩa Tỉnh ủy Hà Đông, phụ trách phong trào cách mạng huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Hà Đông. Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông. Trên cương vị này, đồng chí đã khẳng định được phẩm chất lãnh đạo cách mạng xuất sắc, đưa phong trào cách mạng của tỉnh phát triển. Đây chính là nguyên nhân để Trung ương tin tưởng, điều động đồng chí sang những nhiệm vụ khó khăn hơn, ở những địa bàn phức tạp hơn.

Sau này, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí Đỗ Mười vẫn thường xuyên gắn bó với quê hương, với đất và người Hà Nội. Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ được kể lại là ở xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội - cầu nối liên lạc quan trọng giữa khu du kích - vùng tự do của quân ta ở tỉnh Hà Đông với vùng tạm chiếm Phú Xuyên, Thường Tín, Hà Nam trong 9 năm chống Pháp. Đồng chí Đỗ Mười và một số cán bộ lãnh đạo cách mạng khác từng được che chở, nuôi giấu ở căn hầm bí mật tại đây. Cũng chính đồng chí là người đã chỉ đạo du kích Chuyên Mỹ đánh một trận quả cảm vào ngày 7-9-1953, tiêu diệt 1 đại đội địch trong đó có 2 sĩ quan Pháp, thu nhiều vũ khí. Ngày nay, Bảo tàng Khu Cháy (huyện Ứng Hòa) vẫn có một la bàn ghi địa điểm 2 cây lộc vừng cứu quốc gắn với sự kiện ấy. Mỗi khi nhắc đến, người dân địa phương đều hết sức tự hào.

Sự quan tâm của đồng chí Đỗ Mười đối với Thủ đô Hà Nội rõ nét và đậm sâu nhất là những năm đổi mới khi đồng chí trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy dân chủ trực tiếp ở cơ sở là sáng kiến của đồng chí. Hà Nội là địa phương đi đầu thực hiện dân chủ ở cơ sở. Với tác phong gần gũi, gắn bó mật thiết với thực tiễn và nhân dân, trong quá trình thực hiện Quy chế, đồng chí Đỗ Mười thường xuyên xuống tận địa bàn phường, xã, xí nghiệp ở Hà Nội để làm việc, tìm hiểu, nắm bắt tình hình để có căn cứ lãnh đạo, chỉ đạo cả nước. Hình ảnh gần gũi, thân mật khi tiếp xúc với cán bộ và nhân dân vẫn in đậm trong tâm trí của nhiều người Hà Nội. Hà Nội cũng chính là nơi được đồng chí Đỗ Mười chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm nhiều chủ trương, quyết sách mới như vấn đề liên doanh giữa nhân dân với Nhà nước. Đáp ứng sự tin tưởng của đồng chí và Trung ương, cán bộ và nhân dân Thủ đô luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, làm gương mẫu cho cả nước như Bác Hồ từng căn dặn.

Trong ký ức của các đồng chí nguyên lãnh đạo TP Hà Nội, đồng chí Đỗ Mười luôn quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng thế hệ kế cận, trong đó có lãnh đạo Thủ đô Hà Nội. Đồng chí luôn gần gũi, lắng nghe, chỉ bảo tận tình; vừa nghiêm khắc, công bằng, nhưng cũng hết sức nghĩa tình, tâm lý với cấp dưới. Trong những dòng hồi ức viết về đồng chí, các đồng chí lãnh đạo Hà Nội đều dành những sự kính trọng, cảm phục sâu sắc về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo chính xác, kịp thời, nhiều việc đồng chí tham gia trực tiếp đã giúp lãnh đạo thành phố vững vàng vượt qua những khó khăn, trở ngại, giải quyết có hiệu quả những vấn đề lớn đặt ra. Có thể kể đến như khi xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ tem phiếu, giúp Thủ đô thực sự đổi mới đúng hướng, phát triển nhanh với những bước đi vững chắc. Tiêu biểu như đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Hà Nội triển khai dự án di dời nhà tù Hỏa Lò, dành một phần diện tích để làm di tích lịch sử, phần còn lại thì liên doanh với nước ngoài để xây dựng tổ hợp văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại. Trước sự phản đối quyết liệt của nhiều cán bộ lão thành, đồng chí Đỗ Mười, một cựu tù chính trị ở đây đã cùng với lãnh đạo thành phố đứng ra giải thích, nhờ đó mới có sự đồng thuận và ngày nay, bên cạnh một trung tâm thương mại hiệu quả, nhà tù Hỏa Lò luôn là di tích thu hút đông đảo khách du lịch.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng là người luôn quan tâm đến sự phát triển của Hà Nội nhất là về kinh tế và đô thị. Theo sát tình hình phát triển của Thủ đô, đồng chí thường xuyên chỉ đạo, định hướng, khuyến khích, động viên Hà Nội mở mang, phát triển kinh tế. Đặc biệt, đồng chí gợi mở cho lãnh đạo thành phố về quy hoạch đô thị, xây dựng và phát triển nhà ở cho người dân. Đồng chí từng căn dặn lãnh đạo thành phố rằng: Hà Nội có sức hút rất lớn, dân số tăng nhanh, cho nên khi lập quy hoạch, hoạch định chiến lược phải tính toán kỹ lưỡng, có tầm nhìn xa để đón trước nhu cầu của người dân, bảo đảm cho Thủ đô phát triển lâu dài. Khi Hà Nội xây dựng Khu đô thị Linh Đàm, đồng chí Đỗ Mười đến tận nơi xem xét từng chi tiết và góp ý rất cụ thể với quan điểm, chăm lo chỗ ở cho người dân thời kỳ đổi mới phải khác thời kỳ bao cấp, nhà ở phải đẹp và hiện đại hơn, phù hợp với điều kiện mới. Sau này, Linh Đàm đã trở thành khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội. Những lời tâm huyết của đồng chí cho đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự.

Sau khi nghỉ công tác, đồng chí Đỗ Mười vẫn luôn đau đáu suy nghĩ, lo toan những vấn đề của đất nước, của Đảng và sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, đồng chí dành nhiều tình cảm cho thế hệ trẻ và sự nghiệp giáo dục của Thủ đô. Trên quê hương Đông Mỹ, Quỹ Khuyến học mang tên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã ra đời để động viên, khuyến khích tuổi trẻ quê hương tiếp tục rèn đức, luyện tài, tiếp bước thế hệ cha anh trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Thủ đô Hà Nội. Ngày 29-8-2003, UBND quận Hai Bà Trưng đã long trọng tổ chức lễ khánh thành công trình Trường THCS Đền Lừ II. Đây là món quà vô cùng ý nghĩa do nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tặng. Ngôi trường mới được xây dựng khang trang trong quần thể quy hoạch Khu đô thị Đền Lừ hiện đại, phù hợp với việc phát triển mạng lưới trường học Thủ đô, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân thành phố.

Sau khi TP Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, vào dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2016), nhiều hiện vật gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Đỗ Mười đã được trao tặng cho Bảo tàng Hà Nội thể hiện tình yêu và trách nhiệm, nghĩa cử và tấm lòng của người con ưu tú đối với mảnh đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Hôm nay, ngôi nhà mà đồng chí Đỗ Mười sinh sống trong nhiều chục năm, ở số 11, phố Phạm Đình Hổ, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng vẫn giữ dáng vẻ bình dị, lớp sơn đã cũ. Mỗi dịp Tết Nguyên đán hay kỷ niệm Ngày thành lập Đảng 3-2, lãnh đạo TP Hà Nội, cán bộ và nhân dân đến thăm đồng chí đều cảm nhận rõ nét sự gần gũi, thân thiết. Căn phòng tiếp khách vẫn là những chiếc bàn, ghế đã cũ; xung quanh luôn có rất nhiều sách, báo đồng chí đọc hằng ngày. Ở đây, treo ở vị trí trang trọng nhất là một tấm ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với dòng chữ do chính Người đề tặng “Tặng chú Mười”. Đó như là một lời mà đồng chí luôn tự nhắc nhở mình: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Các đồng chí lãnh đạo cùng công tác lâu năm với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nhiều lần bày tỏ cảm phục tinh thần và sức làm việc của đồng chí; ý thức tự giác đọc, học tập và nghiên cứu của đồng chí. May mắn được tiếp xúc với đồng chí Đỗ Mười càng cảm nhận sâu sắc hơn về sự gương mẫu, mực thước ấy. Mỗi lần đến thăm đồng chí, lãnh đạo thành phố đều được đồng chí động viên, chỉ bảo cho những ý kiến quý giá. Lúc nào đồng chí cũng mong muốn, tin tưởng và kỳ vọng Thủ đô Hà Nội phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là trái tim của cả nước; trở thành đầu tàu kéo cả nước đi lên.

Với nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí Đỗ Mười được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Nhưng danh hiệu cao quý nhất đối với đồng chí là lòng dân, là sự ghi nhận, trân trọng, quý mến mà nhân dân dành cho đồng chí.

3. Thăng Long - Hà Nội là nơi sinh ra những người con ưu tú cũng chính là quê hương của đồng chí Đỗ Mười. Mảnh đất địa linh, nhân kiệt đã sinh ra, tiếp sức và nuôi dưỡng con người đồng chí lớn lên, trưởng thành với những phẩm chất cao quý. Đáp lại, bằng cuộc đời hoạt động cách mạng, cống hiến trọn đời vì dân, vì nước đầy vinh quang, đồng chí đã làm rạng rỡ thêm truyền thống, lịch sử hào hùng và trở thành niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô.

Sinh - lão - bệnh - tử là quy luật của đời người. Ở tuổi 101, xưa nay hiếm, đồng chí Đỗ Mười đã từ biệt chúng ta về với các cụ Các Mác, Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự ra đi của đồng chí là tổn thất to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội.

Tiễn biệt đồng chí nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, chúng ta bày tỏ trân trọng, biết ơn những công lao đóng góp, cống hiến to lớn của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Noi gương đồng chí, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nguyện sẽ tiếp tục phấn đấu gương mẫu đi đầu, giành thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đóng góp vào sự phát triển chung, xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

HOÀNG TRUNG HẢI
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội


------------------------------
* Bài viết có tham khảo một số tư liệu trong cuốn sách “Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử” (Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật) và một số tư liệu khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.