Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguyễn Lan Anh và một phút huy hoàng

ANHTHU| 04/11/2007 09:49

(HNM) - Trong cuộc sống khó nói trước điều gì. SEA Games 22 đã đưa Lan Anh lên đỉnh cao vinh quang trong sự nghiệp VĐV nhưng chỉ sau đó chưa đầy 2 năm, khi SEA Games 23 năm 2005 chỉ còn hơn 1 tháng là khai mạc, cô lại cay đắng chia tay đường chạy sau một chấn thương đầu gối cực nặng, vào đúng lúc mọi người đang kỳ vọng ở cô.

(HNM) - Trong cuộc sống khó nói trước điều gì. SEA Games 22 đã đưa Lan Anh lên đỉnh cao vinh quang trong sự nghiệp VĐV nhưng chỉ sau đó chưa đầy 2 năm, khi SEA Games 23 năm 2005 chỉ còn hơn 1 tháng là khai mạc, cô lại cay đắng chia tay đường chạy sau một chấn thương đầu gối cực nặng, vào đúng lúc mọi người đang kỳ vọng ở cô. Tuy nhiên chỉ cần 1 lần lên bục HCV SEA Games đồng thời phá kỷ lục SEA Games cũng đủ để cái tên Nguyễn Lan Anh được ghi vào lịch sử điền kinh Việt Nam…

P1: Nguyễn Lan Anh và một phút huy hoàng

Xuống núi

Sau hơn 2 năm “tu luyện” ở Côn Minh (Trung Quốc), Lan Anh và đồng đội cùng lứa như Nguyễn Thị Tĩnh, Nguyễn Kiên Trung được xuống núi, về nước dự ĐH TDTT toàn quốc năm 2002. Khi ấy là thời điểm thích hợp để lứa VĐV này chứng tỏ năng lực sau một thời gian được đào tạo theo kiểu Trung Quốc - thiên về khối lượng tập luyện, khổ luyện do các chuyên gia Trung Quốc huấn luyện. Lãnh đạo Sở TDTT Hà Nội không bấtngờ nhưng nhiều người theo dõi giải năm ấy đã sững sờ trước những bước chạy dũng mãnh của những Nguyễn Thị Tĩnh, Nguyễn Lan Anh. Lúc ấy đã có người nói vui: “Tụi này cứ vào đường chạy là có vàng”. Kể cũng không ngoa khi năm ấy điền kinh Hà Nội xếp ngôi đầu thuyết phục. Riêng Lan Anh để lại dấu ấn bằng việc vượt qua nhà vô địch SEA Games Phạm Đình Khánh Đoan trên đường chạy 1.500m. Đấy cũng là khởi nguồn của một sự lựa chọn khó khăn khác cho điền kinh Việt Nam khi giải tiền SEA Games 22 được tổ chức tại SVĐ Mỹ Đình cách SEA Games 22 hơn hai tháng.

Giải ấy có sự tham dự của 3 tay chạy cự ly trung bình và trung bình dài nổi tiếng của Việt Nam khi đó là Phạm Đình Khánh Đoan, Đỗ Thị Bông và Nguyễn Lan Anh. Nguyễn Lan Anh chỉ về thứ ba cự ly 1.500 sau người về nhất - Khánh Đoan, gần 4 giây, khiến các nhà chuyên môn phải đưa lên bàn cân để chọn ai dự SEA Games vì điều lệ chỉ cho mỗi nước cử 2 VĐV dự 1 nội dung. Đã có ý kiến đề xuất chọn Phạm Đình Khánh Đoan và Đỗ Thị Bông hoặc tổ chức một cuộc thi tuyển chọn giữa 3 người để chọn 2 nhưng cuối cùng những người có trách nhiệm đã lựa chọn Khánh Đoan và Lan Anh còn Đỗ Thị Bông được chuyển sang hẳn cự ly 800m.

Chính vì thế mới có ngày 9-12-2003 đáng nhớ trong cuộc đời VĐV của Nguyễn Lan Anh. Hôm ấy, khi mọi sự chú ý của đối thủ chỉ chăm chăm vào Phạm Đình Khánh Đoan thì Nguyễn Lan Anh ào ào bứt lên để rồi về nhất với 4 phút 19 giây, bỏ xa người về nhì gần 20m, đoạt HCV SEA Games đầu tiên trong đời VĐV. Thành tích của Nguyễn Lan Anh không chỉ giúp cô gái người Đông Anh đoạt HCV mà còn phá kỷ lục SEA Games (kỷ lục cũ của Sutudo lập năm 1997 với 4 phút 21 giây). Một kỳ tích trong làng điền kinh Việt Nam bởi trước đó đã từng có VĐV đoạt HCV SEA Games nhưng phá kỷ lục SEA Games thì hiếm! Cũng vì thành tích ấy mà trong cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu cuối năm, trong hơn 100 VĐV đoạt HCV SEA Games, Nguyễn Lan Anh xếp thứ tư. Trước sau gì, những môn thể thao cơ bản của Olympic vẫn luôn có giá trong mỗi cuộc bầu chọn nên tấm HCV điền kinh cộng thành tích phá kỷ lục SEA Games của Nguyễn Lan Anh càng được tôn vinh. Đỉnh của đời VĐV đối với Lan Anh cũng là thời điểm này.

Nốt trầm

Như một sự trùng hợp, sau SEA Games 22, cả Nguyễn Thị Tĩnh, Nguyễn Lan Anh và Nguyễn Kiên Trung đều dính chấn thương nặng. Nặng tới mức cả ba đều không thể tập luyện rồi đành nói lời chia tay đường chạy ở những thời điểm khác nhau, nhưng đều trước SEA Games 23 năm 2005,cho dù đều muốn tiếp tục gắn mình với nghiệp VĐV. Điền kinh Việt Nam thiệt hại một (ít nhiều cũng tìm được người thay thế như trường hợp Trương Thanh Hằng ở cự ly 1.500m của Lan Anh), điền kinh Hà Nội thiệt hại mười vì phải gây dựng lại một lứa VĐV mới và mất ngôi đầu tại Giải quốc gia trong nhiều năm còn với những người như Lan Anh thì không thể đo đếm nỗi thất vọng bởi sự đam mê đường chạy vô bờ bến của cô, rồi lại phải tìm đường đi khác cho cuộc đời khi chưa có sự chuẩn bị.Nhiều người đã nói tới cái giá của một quá trình khổ luyện nhằm mục tiêu HCV SEA Games 22, kỳ SEA Games đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam nên dẫn tới những chấn thương, những cuộc chia tay đáng tiếc trên. Nhưng vì lý do gì cũng là sự đáng tiếc bởi không dễ tìm được những nhà vô địch điền kinh SEA Games trong làng điền kinh Việt Nam.

Hơn một năm trước, Lan Anh vẫn miệt mài chạy chữa chấn thương trong hy vọng mong manh. Cuối cùng cô cũng đành chào thua để rồi gần đây nộp đơn xin đi học ĐH TDTT mong đào tạo những lứa VĐV chạy trung bình có tài như quê hương Đông Anh từng tạo ra. Điều ấy cũng hợp lý bởi nếu một VĐV có tài như cô mà không theo điền kinh thì đúng là một sự lãng phí !

Thùy An

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Lan Anh và một phút huy hoàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.