Nguyễn Khánh Ly từng đạt giải Nhì cuộc thi Tiếng hát truyền hình Hà Nội năm 2006, giải Nhì cuộc thi Hát thính phòng nhạc kịch thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 và đặc biệt là giải Ba Tiếng hát Sao mai 2011 dòng nhạc thính phòng, nên thường được công chúng gọi là "Sao mai Khánh Ly". 20 năm qua ca sĩ, Tiến sĩ, giảng viên thanh nhạc Nguyễn Khánh Ly đã có nhiều đóng góp cho dòng nhạc thính phòng cổ điển tại khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
- Khánh Ly có thể chia sẻ niềm vui sau thành công của minishow “Ly” tháng 3 vừa qua được không?
- Khánh Ly vẫn cảm thấy lâng lâng hạnh phúc khi nhớ lại đêm diễn ấy, rất vui và xúc động bởi sau một thời gian dài không xuất hiện nhiều trên sân khấu ca nhạc vì phải tập trung cho việc giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và hoàn thiện luận án tiến sĩ, Khánh Ly mới lại được hát trước đông đảo khán giả. Khánh Ly được giãi bày, sẻ chia với khán giả những cảm xúc, tâm tư sâu kín... qua những ca khúc trữ tình rất gần gũi, chân thành.
- Ngay sau minishow, Khánh Ly cho ra mắt CD “Ly” với các ca khúc trữ tình rất ấn tượng. Vì sao Khánh Ly lại quyết định cho ra sản phẩm này khi mà hiện nay, công chúng thường nghe nhạc qua YouTube?
- Đây là một quyết định khá táo bạo của Khánh Ly. Về mặt âm nhạc, những ca khúc trữ tình luôn gần gũi với khán giả và Khánh Ly muốn giữ cho mình những cảm xúc đẹp nhất, chân thành nhất khi hát về tình yêu, những câu chuyện mà ai nghe cũng thấy mình trong đó. Mặc dù dạy và hát thính phòng cổ điển, cả dân gian nữa nhưng Khánh Ly vẫn cảm thấy hát nhạc trữ tình là cảm xúc và phù hợp với mình nhất. Và Ly ra CD để làm món quà dành tặng cho khán giả nhiều năm qua đã ủng hộ, động viên Ly trên con đường nghệ thuật.
- Là một trong những ca sĩ thể hiện thành công bài bát “Giấc mơ mùa lá” của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, Khánh Ly có thể chia sẻ cảm xúc khi thể hiện ca khúc này?
- Hà Nội hiện lên trong "giấc mơ" của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng có đủ sắc màu của 4 mùa, nhưng đầy ăm ắp hơn cả là những kỷ niệm về "mùa lá". Cảm hứng để ra đời bài hát lại được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng lấy từ Hà Nội những ngày sau khói lửa, khi anh được mẹ chở bằng xe đạp, đi trên đường Hoàng Diệu. Khánh Ly được nghe chính anh chia sẻ điều đó thì xúc động vô cùng, yêu thêm một ca khúc về Hà Nội. Mặc dù bài hát này đã được NSƯT Hồng Vy thể hiện rất thành công nhưng Khánh Ly muốn hát theo cách riêng, lưu lại xúc cảm mãnh liệt và tình yêu đối với Hà Nội. Những ca từ thật đẹp “Ngập ngừng lá ru, gió liu riu trưa hè/ Hồ Gươm xanh, gốc bàng nắng lưa thưa bóng mây/ Chập chờn giấc mơ, tiếng rao đêm se lạnh/ Chợt thu sang, phố muộn ngắm trăng về/ Bùi ngùi nén nhang thơm từng góc phố/ Ngày đông cuối mùa, nồi bánh Tết giao thừa/ Hồng Hà lấp lánh, ngàn trời sao bay, nồng nàn hương say/ Một chiều 30, mùa lá xanh tươi, xanh người Hà Nội”. Mỗi khi hát ca khúc này, Khánh Ly luôn dâng trào những cảm xúc thật khó tả, thấy Hà Nội của chúng ta thật đẹp, thanh bình, lãng mạn.
- Từng kết hợp với nhiều nghệ sĩ trên sân khấu, trong đó có NSND Đức Long, Khánh Ly học được gì ở người nghệ sĩ này và khi hát chung, hai người đã có sự cộng cảm như thế nào?
- Thật may mắn khi được NSND Đức Long nhận lời tham gia minishow của mình vừa qua và hai thầy trò đã song ca bài “Mùa hè đẹp nhất” (Đức Huy) và “Chợt nhớ” (Nhật Trung). Hai thầy trò tái hiện những câu chuyện tình yêu đẹp, lãng mạn và duyên dáng trên sân khấu bằng âm nhạc. Khánh Ly cảm nhận sự ăn ý, hòa quyện, NSND Đức Long đã dẫn dắt Khánh Ly đi tận cùng mọi cung bậc cảm xúc của ca khúc, mang đến cho khán giả những dư vị ngọt ngào, đẹp đẽ. NSND Đức Long như người cha của Khánh Ly, có chú đứng bên cạnh là mình cảm thấy rất tự tin. Chú đã cho Khánh Ly động lực, truyền cho Khánh Ly cảm hứng tuyệt vời để có thể thăng hoa cùng âm nhạc.
- Liên hoan âm nhạc quốc tế Hong Kong khu vực Việt Nam (Hong Kong International Music Festival Vietnam 2024) đang diễn ra tại Việt Nam và được biết Khánh Ly là một trong những thành viên của Hội đồng giám khảo. Khánh Ly có thể chia sẻ đôi chút về cuộc thi này?
- Khánh Ly rất vui và tự hào khi được trở thành một trong những thành viên của Hội đồng giám khảo của cuộc thi âm nhạc lớn này. Bên cạnh các giám khảo thế giới thì Việt Nam có nhiều gương mặt nghệ sĩ của nhiều chuyên ngành tham gia như nghệ sĩ piano Nguyễn Lệ Thuyên Hà, nghệ sĩ accordion Nguyễn Hải Yến, nghệ sĩ nhạc jazz Hoàng Phú Tùng, nghệ sĩ guitar Lê Đức Sơn, NSƯT Nguyễn Ngọc Anh, nghệ sĩ Đỗ Hương Giang. Thí sinh tham dự đến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, tham gia bảng thi chuyên nghiệp và không chuyên với các bộ môn như piano, violin, guitar, trống, nhạc cụ dân tộc, thanh nhạc... Vì vậy mà hội đồng giám khảo làm việc rất công tâm để tìm ra thí sinh xứng đáng. Cuộc thi là cơ hội cho các bạn trẻ Việt Nam đến với âm nhạc chuyên nghiệp. Khánh Ly hy vọng các bạn trẻ khắp mọi miền hãy tự tin tham gia các cuộc thi âm nhạc lớn để khẳng định được mình. Bản thân là giảng viên thanh nhạc và thành viên hội đồng giám khảo nên Khánh Ly luôn tin tưởng và hy vọng những tài năng âm nhạc sẽ được phát hiện qua liên hoan âm nhạc lần này. Hy vọng nền âm nhạc Việt Nam khởi sắc nhiều hơn nữa.
- Trân trọng cảm ơn Sao mai!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.