Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguyễn Huy Tưởng và những áng văn mang hồn dân tộc

Bài và ảnh: Hoàng Lân| 03/05/2012 14:17

(HNMO) – Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, sáng 3/5, NXB Kim Đồng, Hội nhà văn Hà Nội và Thư viện Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm và Hội thảo “Nguyễn Huy Tưởng và lịch sử”.


Hội thảo có sự tham gia thảo luận của các nhà nghiên cứu văn học, xuất bản. Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu tập trung vào vấn đề cốt lõi trong tinh thần văn chương của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, đó là đề tài lịch sử.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn học và bạn đọc

Luôn với tâm niệm Người không biết lịch sử của nước mình là một con trâu đi cày ruộng. Cày với ai cũng được, mà cày ở ruộng nào cũng được”(câu châm ngôn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết khi 20 tuổi), vì thế trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng dành nhiều tâm huyết khai thác đề tài lịch sử của dân tộc. Có thể kể đến những tác phẩm văn học kinh điển của nhà văn như “Đêm hội Long Trì”, “An Tư”, “Vũ Như Tô”, “Bắc Sơn”, “Sống mãi với Thủ đô”… đến những trang viết cho thiếu nhi của ông là “An Dương Vương xây thành ốc”, “Kể chuyện Quang Trung”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”… đều đậm chất sử thi.

Với quan điểm “những trang văn về lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng còn mãi với hôm nay”, nhà nghiên cứu văn học Bích Thu nhận định “Ngay từ khi hiện diện trên văn đàn, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã lựa chọn một thế đứng vững chắc với tư thế của một nhà tiểu thuyết và viết kịch trước những vấn đề của hôm qua và hôm nay, của lịch sử và dân tộc”.

Ông Nguyễn Huy Thắng, con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Nhà nghiên cứu Vũ Nho trong tham luận của mình thì cho rằng “Cái hay của những tác phẩm lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn không gây hoài nghi, không gây tranh cãi, cũng không dựng lịch sử và các nhận vật lịch sử “khác lạ” với những sử liệu chính thức mà mọi người đã biết. Nhà văn đã viết truyện lịch sử và truyền cho bạn đọc cái cảm giác của chính ông”. Theo ông Vũ Nho, Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn lớn, cần có những nghiên cứu sâu và rộng hơn nữa về sự nghiệp sáng tác của nhà văn; cần đưa vào nhà trường những tác phẩm xuất sắc của ông để thế hệ trẻ được thấm nhuần lịch sử, thấm nhuần tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng.

Cũng trong Hội thảo, ông Nguyễn Huy Thắng (con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng) lại để cập đến một tư cách khác của cha mình, đó là tư cách của “một người viết sử theo nghĩa đen của từ”. Ông Nguyễn Huy Thắng đưa ra một giả thiết rằng ở Thái Lan có thể đã in một cuốn sách về lịch sử của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, có tên “Lịch sử cách mạng Việt Nam”. Tuy nhiên, theo ông Thắng: “Dù Nguyễn Huy Tưởng có là tác giả của một cuốn lịch sử như thế hay không, thì tấm lòng của ông đối với lịch sử đất nước và những nỗ lực của ông trong việc tôn vinh các trang sử của dân tộc, thông qua các tác phẩm văn học và cả các bài viết thuần tuý sử liệu của ông cũng thật đáng trân trọng”.

Viết về đề tài lịch sử nhưng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng dành cho thiếu nhi vị trí quan trọng. Với quan niệm “Phàm văn chương mục đích thứ nhất là để dạy dỗ thiếu niên… cốt làm sao cho bao giờ họ cũng có một tấm lòng bồng bồng bột bột, mà vẫn biết lẽ phải và vẫn biết thương nhau” (Nhật ký 9/1/1932), ông đã khéo léo chuyển đề tài lịch sử cho bạn đọc trẻ, từ đó ông viết nên những tác phẩm đỉnh cao của mình nói riêng và cho văn học Việt Nam nói chung. Những tác phẩm viết cho thiếu nhi nhưng mang đậm màu sắc lịch sử.

Cũng vì những giá trị còn mãi trong các tác phẩm văn học mà nhiều sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được chọn và đưa vào chương trình văn học trong nhà trường, trước kia là “An Dương Vương xây thành ốc”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, nay là vở kịch “Bắc Sơn” và “Vũ Như Tô”.

Có thể nói, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã dành phần tâm huyết nhất của mình cho đề tài lịch sử. Từ mảnh đất quê hương Cổ Loa, ông đã hướng ngòi bút của mình đến những trang sử vẻ vang bi tráng của dân tộc. Nhiều vấn đề lịch sử nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đặt ra trong các tác phẩm cách đây nửa thế kỷ vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6/5/1912 trong một gia đình nhà nho tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh. Từ một người tự học, tự đào luyện mình, Nguyễn Huy Tưởng đã trở thành một nhà văn, một nhà văn hoá có vị trí xứng đáng trong lịch vực văn học và sân khấu Việt Nam.

Ông cũng là giám đốc đầu tiên của NXB Kim Đồng (nhà xuất bản  sách truyện dành riêng cho thiếu nhi).

Một số hình ảnh trong buổi Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng:

Một góc trưng bày các tác phẩm văn học đã xuất bản của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Mô phỏng bộ tem về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mà Bưu chính Việt Nam sẽ phát hành vào ngày 6/5/2012

Đạo diễn Phạm Thị Thành (thứ 4) chụp ảnh cùng con gái cả (áo xanh) và con gái út (ngoài cùng) của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Các con, cháu của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có mặt đông đủ trong Hội thảo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Huy Tưởng và những áng văn mang hồn dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.