(HNMO) - Đã 50 năm kể từ khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đi xa (1960-2010). Với những người yêu mến cái tâm, quý trọng tài năng của ông, đặc biệt là với gia đình cố nhà văn, hình bóng con người ấy vẫn luôn hiện hữu đâu đây quanh họ, một cách thật cụ thể.
Ông Nguyễn Huy Thắng, Phó GĐ Nhà Xuất bản Kim Đồng - Con trai cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
(HNMO) - Đã 50 năm kể từ khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đi xa (1960-2010). Với những người yêu mến cái tâm, quý trọng tài năng của ông, đặc biệt là với gia đình cố nhà văn, hình bóng con người ấy vẫn luôn hiện hữu đâu đây quanh họ, một cách thật cụ thể. Trong cảm xúc bồi hồi khi nhớ về người cha đáng kính của mình, ông Nguyễn Huy Thắng – con trai của cố nhà văn đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi.
* Là con trai duy nhất của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, ông có những kỉ niệm ấu thơ nào đáng nhớ với người cha của mình ?
Bố tôi mất khi tôi mới 5 tuổi, tất cả những gì tôi biết được về cha đều do mẹ kể, rồi đến một lúc nào đó lại thành như ký ức của mình. Kỉ niệm đáng nhớ nhất là hồi bé tôi thường đứng nhòm ông viết qua khe cửa. Cửa gỗ ngày xưa có 1 cái lỗ tròn nho nhỏ để mình thò tay vào kéo then cửa ra, tôi cứ đứng nhìn cha qua cái lỗ nhỏ đó. Lúc đó tôi còn bé, thấp, còn chị tôi thì đứng đã cao hơn lỗ cửa. Hai chị em người kiễng, người cúi để nhòm xem cha viết như thế nào. Có lần đang viết đột nhiên ông buông bút, đứng dậy, tiến ra phía cửa bởi ông biết bên ngoài có các con đang xem mình làm việc. Lúc đó chúng tôi lại bỏ chạy . Trong kí ức, tôi luôn có cảm giác rằng sao cha mình lại tài thế, sao lại biết được mình đứng bên ngoài…nhưng thực ra hai chị em đứng bên ngoài đã chí chóe nhau, làm gì mà ông không biết.
*Nguyễn Huy Tưởng trong vai trò một người cha, người chồng có khác gì so với một nhà văn Nguyễn Huy Tưởng khi sáng tác văn chương không, thưa ông ?
Chắc chắn là dù trong vai trò người chồng, người cha hay nhà văn thì ở Nguyễn Huy Tưởng có nét nhất quán, đó là sự chân thành, trung thực, quý người, trân trọng cuộc sống, chăm chút cho mọi sự tốt đẹp của gia đình, con cháu mình. Các trang viết, nhật kí của của ông, mỗi khi nhắc đến trẻ con đều rất đáng trân trọng. Tôi nhớ hồi bé mình đã hỏi tại sao người ta phóng được tên lửa lên trời (năm 1957 Liên Xô phóng tên lửa Sputnik-I) và liệu mình có đi lên trên đó được không. Cha tôi viết trong một bài, đại ý rằng ông đã cố gắng trả lời cho con và luôn tâm niệm rằng với trẻ con mình phải có trách nhiệm trả lời chứ không thể bỏ qua cho xong chuyện. Tôi cho rằng cha tôi luôn có ý thức trong cách đối xử với con trẻ, ông tôn trọng và coi chúng như một chủ thể đích thực.
Nhà văn Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN tại buổi tọa đàm về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
* Nguyễn Huy Tưởng là một người rất khắt khe với chính bản thân mình. Ông có thể nói rõ hơn về biểu hiện của sự khắt khe này trong quá trình sáng tạo tác phẩm của cố nhà văn ?
Biểu hiện thứ nhất là nhà văn rất trung thực. Đối với những tác phẩm ông sáng tác trong giai đoạn kháng chiến gian khổ, lại cần phải viết nhanh để phục vụ kịp thời nhu cầu thời đại thì khi hòa bình lập lại, khi có điều kiện nhìn lại các tác phẩm đó, cha tôi có nói một câu: “Những tác phẩm mà đến bây giờ chính ta cũng không muốn nhìn lại nữa”. Đó là sự đòi hỏi bản thân rất cao.
Nhưng không phải vì thế mà nhà văn coi thường những đứa con tinh thần của mình. Một bằng chứng rõ ràng là tất cả những cuốn sách của ông viết đều được lưu giữ trong gia đình, cả những bản nháp. Khắt khe ở đây là nhà văn đòi hỏi cao ở bản thân chứ không rẻ rúng những gì mình làm.
Biểu hiện thứ hai là trong thời bình, khi nhà văn có “quyền” đầu tư dài hơn cho tác phẩm thì Nguyễn Huy Tưởng chọn cho mình lối viết không vội vàng. Không vội vàng trong sáng tác cũng như công bố tác phẩm. Đó là cách nhà văn đã ứng xử với bản thảo “Sống mãi với Thủ đô”. Lần đầu tiên cha tôi viết nó là năm 1957, đến 1958 lại viết lại một lần gần như toàn bộ. Khi ông đọc cho đồng nghiệp nghe bản thảo này, mọi người đã thấy rất hay và cực kì ngạc nhiên khi biết ông quyết định viết lại nữa. Vài tháng trước khi mất, cha tôi vẫn đang cố gắng tập trung lấy thêm tư liệu cho chủ đề, tư tưởng, nghiền ngẫm tác phẩm của mình để làm sao viết lại lần nữa, lần thứ 3, thứ 4 hoặc cho đến bao giờ ông hài lòng.
Nhà sử học Dương Trung Quốc
* Trong hoàn cảnh những năm cuối đời, biết mình bị bệnh như vậy, thường thì người ta sẽ cố “sống nhanh”, viết nhanh để hoàn thành tâm nguyện của mình, nhưng tại sao nhà văn vẫn giữ cho mình phong thái chậm rãi đó ?
Tôi nghĩ đó là quyết định của ông, một quyết định thể hiện rõ ràng quan điểm sống, quan điểm sáng tạo nghệ thuật của ông. Nhà văn từng nói: “Không vội vã như các tác phẩm khác, cái chính phải làm sao cho nó toàn bích”. Đó là cái nguyên tắc ông tự đặt ra cho mình. Làm nghệ thuật là phải theo đuổi ý tưởng sáng tạo đến cùng, phải làm sao cho nó thật hoàn thiện. Ông đã quyết định như thế rồi thì dù có biết mình không thể qua khỏi để tiếp tục viết nữa thì cũng không vì thế mà thay đổi nguyên tắc đã đặt ra cho mình. Tôi cũng cho rằng đây là một điều đúng đắn bởi vì tác phẩm “Sống mãi với Thủ đô” có thể bản thân tác giả chưa hài lòng nhưng thực tế nó đã được công chúng đón nhận rất tích cực. Bạn văn và bạn đọc đã nhìn thấy ở đó phẩm chất của một tác phẩm lớn, có khuynh hướng sử thi và nói được rất nhiều điều về Hà Nội.
* Vậy thì việc chưa hoàn thành tác phẩm này liệu có phải là một tiếc nuối lớn của nhà văn và gia đình?
Thực sự khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng qua đời, ông để lại rất nhiều thứ còn dở dang. Đầu tiên là về phương diện gia đình, ông có viết trong nhật kí rằng để lại ”vợ và một lũ con nheo nhóc”. Lúc đó là 1 vợ và 6 con, con lớn còn đang đi học ở nước ngoài, con nhỏ là chị Chi lúc đó mới 3 tuổi.
Về phương diện tác phẩm thì ông mới biết là mình có “Vũ Như Tô”, “Những người ở lại” và vài ba tác phẩm khác mà ông quan tâm. Nhưng “Vũ Như Tô” chưa được in cùng với lời đề tựa, mà phải đến 3 năm sau mới được in. “Sống mãi với Thủ đô” thì nhà văn vẫn coi là chưa hoàn thành. Ông vẫn chưa hài lòng, yên tâm để công bố nó. Nghĩa là với ông lúc đó, tất cả mới chỉ làm được phân nửa. Một truyện thiếu nhi rất thành công, làm cho các thế hệ bạn đọc biết đến tên tuổi của ông một cách phổ biến nhất, là “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” được in sau khi nhà văn qua đời. Kịch bản phim “Lũy hoa” cũng vậy...
Bây giờ người ta hay nói kết thúc mới chỉ là bắt đầu, ý là vẫn đang tiếp tục phát triển nhưng thực sự khi ông mất, ông đã rất tiếc nuối vì mọi thứ vẫn còn đang dở dang.
*Được biết bên cạnh những đề tài kháng chiến, lịch sử…Nguyễn Huy Tưởng còn viết rất nhiều cho trẻ em, và đã từng giữ chức Giám đốc NXB Kim Đồng. Hiện tại chính bản thân ông - con trai của cố nhà văn cũng đang công tác tại đây. Vậy xuất phát từ đâu hai người lại có điểm chung là quan tâm đến việc viết cho trẻ em như vậy?
Thực ra, Nguyễn Huy Tưởng luôn tâm niệm cho rằng “văn chương với thiếu niên là một” ngay từ khi mới 20 tuổi. Ông còn nói: “Phàm văn chương mục đích thứ nhất là để dạy dỗ thiếu niên”. Hồi còn trẻ, khi tham gia các hoạt động hướng đạo, tiếp xúc với các em nhỏ, ông đã luôn tìm cách làm sao phải có tác phẩm để dẫn dắt các em đến với nhữngkhát khao đóng góp cho đời, cho đất nước, xã hội. Đấy là lí do khiến cho nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đến với văn học thiếu nhi.
Còn tôi, vốn không phải là dân viết lách chuyên nghiệp. Hết phổ thông, tôi sang Romania học kĩ sư xây dựng, nhưng do tự nhiên, cái ảnh hưởng từ cha, ngấm sâu tình yêu văn học từ nhỏ, tôi chuyển dần sang công tác biên tập, làm báo rồi sang NXB Kim Đồng biên tập sách cho các em.
* Trở lại với vở kịch “Vũ Như Tô” là tác phẩm sở đắc nhất của Nguyễn Huy Tưởng, lời đề tựa: “Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm” được coi là tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn. Ông có thể làm rõ tuyên ngôn này?
Khi nhà văn viết ra thì chỉ là viết một cách rất tự nhiên, đặt tâm tư của mình vào nỗi niềm của nhân vật Vũ Như Tô và cung nữ Đan Thiềm. Có thể ông cũng không nghĩ rằng mình đưa ra một tuyên ngôn nghệ thuật nào đấy. Nhưng với những suy nghĩ thấu đáo, nung nấu, cảm nhận sâu sắc về tác phẩm thì lời nhà văn thốt ra thực sự đã nói lên được rất nhiều điều về định hướng nghệ thuật của mình. Chính vì thế mọi người mới nhìn nhận lời đề tựa đó là một tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn. Nhà văn, khi viết ra có thể chỉ đơn giản là diễn đạt suy nghĩ và những điều mình tâm đắc.
* Theo ông, suy nghĩ đó của Nguyễn Huy Tưởng là gì ?
Tôi nghĩ rằng đây là một cách diễn đạt rất hay, rất đẹp, nói lên được mấu chốt của vấn đề, đó là Nguyễn Huy Tưởng phân vân, tiếc cho Vũ Như Tô không xây được Cửu trùng đài, nhưng ông cũng biết được việc xây dựng này gây tổn hại cho đất nước. Giằng xé giữa hai suy nghĩ đó, từ trong sâu thẳm của nhà văn, người làm công việc sáng tạo cũng chỉ mong sao ở đời có càng nhiều công trình nghệ thuật, cái đẹp đến được với đời càng nhiều càng tốt. Ở đó thể hiện sự nhất quán của một người làm công việc sáng tạo, một người yêu cái đẹp, tiếc cho một công trình nghệ thuật đã không thành.
Còn lí do vì sao nó không ra đời được, cắt nghĩa nguyên nhân sâu sa thì có thể không phải là điều cha tôi đặt quá cao trong tác phẩm này. Cái chính ở đây là ông nói lên suy nghĩ của mình về nghệ thuật, cái đẹp, sự tô điểm cho Thăng Long-Hà Nội.
* Trong việc đưa tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, sau khi ông qua đời, lên một nấc thang mới thì vai trò của gia đình, bè bạn và của ông, người trực tiếp biên soạn một số tác phẩm của cha mình, là như thế nào?
Ở đây, tôi vẫn nghĩ vai trò của công chúng - những người am hiểu văn học nghệ thuật và đặc biệt là các đồng nghiệp của ông - là chính thôi. Ngay từ khi vở “Vũ Như Tô” còn chưa được phố biến thì nhà văn thường xuyên chia sẻ, trò chuyện với bạn bè mình về tác phẩm này. Bác Nguyễn Tuân, chú Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Văn Cao…Chính nhờ sự am hiểu tinh tế của họ đã giúp khẳng định đây là tác phẩm thực sự có giá trị và đó là điều giúp định hướng cho thế hệ sau.
Tôi cũng là người đi sau, tiếp nối thôi. Tôi biết tác phẩm đó đã được những người có uy tín tâm đắc, trân trọng. Đấy là cơ sở để tôi tìm hiểu thêm, và càng tìm hiểu, càng đọc thì tôi càng nhận ra được giá trị cuộc đời trong tác phẩm của cha tôi. Điều đó đã giúp tôi thêm tự tin trong việc tìm hiểu, phổ biến, biên soạn và giới thiệu cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của cha mình.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.