(HNM) - Những ngày tháng Hà Nội sục sôi chuẩn bị khởi nghĩa, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là một trong những đại biểu của Hội VHCQ được đi Quốc dân Đại hội Tân Trào. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông là Đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1946)...
Những ngày tháng Hà Nội sục sôi chuẩn bị khởi nghĩa, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là một trong những đại biểu của Hội VHCQ được đi Quốc dân Đại hội Tân Trào. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông là Đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1946). Sau ngày Hà Nội được giải phóng, ông là Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa I. Ông sớm về cõi thiên thu (năm 1960), nhưng di sản văn học đồ sộ mà ông để lại vẫn sống mãi!
Sinh năm 1912 trong gia đình nhà nho nghèo ở Dục Tú, phủ Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội), rồi đi học ở trường Bonal (Hải Phòng), năm 18 tuổi, ông đã có ý thức rõ ràng về sứ mệnh người cầm bút: "Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi". Tháng 11 năm 1943, người Pháp điều chuyển ông trở lại Hà Nội làm việc. Đó là điều kiện thuận lợi cho ông hoạt động: Tháng 4-1944, ông được gặp các trí thức Hà thành như ông Nguyễn Xuân Huy, Như Phong, Nguyên Hồng, Nam Cao, Trần Huyền Trân… Tiếp đó, bao tâm tư một nhà báo, nhà văn yêu nước tha thiết đã được giải đáp khi ông được ánh sáng của Đề cương văn hóa Việt Nam soi chiếu. Ông tâm sự: "Đọc đề cương văn hóa của Đảng, tôi thích nhất khẩu hiệu: dân tộc - khoa học - đại chúng, nhất là khẩu hiệu dân tộc. Từ đó tôi tham gia VHCQ và cũng từ đó mới có ý định viết văn để phấn đấu cho một lý tưởng (Tham luận tại hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ nhất - 11-1959). Ông tìm thấy ở Hội VHCQ một tổ chức giúp ông thể hiện được chí hướng đem văn học phụng sự dân tộc. Nhà văn Nguyên Hồng từng ở cùng Nguyễn Huy Tưởng, đã viết: "Căn gác ở phố Pescadore (tức Phù Đổng Thiên Vương), có một anh công chức lương không đủ chi một bữa rượu, một văn sĩ cà mèng và một bà cụ buôn bán đầu đường cuối chợ chạy đói ở nhà quê ra - cái gác ấy là một trong những cơ sở liên lạc của Hội VHCQ". Nhà văn Tô Hoài đã có những chi tiết rất sinh động về cuộc sống và sự hoạt động say mê của ông trong Hội VHCQ sau ngày Nhật đảo chính Pháp: "Chúng tôi gặp nhau luôn, không còn giữ bí mật nghiêm ngặt như mọi khi chỉ có tổ ba người biết với nhau. Chị Tưởng đem các con đi tránh bom Mỹ về quê Dục Tú đã lâu. Một mình Nguyễn Huy Tưởng ở lại… chỉ thấy anh mặc quần soọc, với cái xe đạp trần trụi không phanh, không chuông đi khắp nơi. Chẳng mấy ngày anh không lên Nghĩa Đô gặp Nam Cao và tôi. Khi thì thúc bài cho Báo Cứu quốc; khi đem lên Báo Cờ Giải phóng, Tạp chí Cộng sản. Căn gác nhà Nguyễn Huy Tưởng có cửa khóa, anh đề số 1789 (Năm cách mạng Pháp), chúng tôi đều biết, ai đến cứ việc mở vào, lúc ngủ nhờ, lúc hội họp… cả cái xe bò nón lá của Nguyên Hồng cũng được đẩy đến để trước nhà của Nguyễn Huy Tưởng".
Tờ Tiên phong, cơ quan ngôn luận của Hội VHCQ đã được viết ngay trong ngôi nhà thân thuộc của gia đình ông ở Dục Tú. Nhà văn Như Phong kể lại những ngày ở đó để viết số đầu tiên như thế nào: Trước hết, phải đặt tên cho tờ báo đầu tiên này của VHCQ. Có anh đưa ra tên Tiền phong. Nhưng cũng có người chợt nhớ ra rằng, Tiền phong đã được lấy cho một tờ Báo Thanh niên của Đảng. Chúng tôi đổi ra là Tiên phong… chúng tôi định rõ nội dung số báo đầu tiên, rồi phân công nhau viết. Mỗi anh ngồi vào một xó. Anh thì có chỗ ngồi hẳn hoi ở bàn, anh thì lấy sập thờ làm bàn viết.
Cách mạng đã khơi dậy sức sống mới của muôn người. Sau ngày 19-8-1945, ông hăm hở tham gia bộ phận chuẩn bị dựng khán đài trên Quảng trường Ba Đình cho lễ Độc lập, tiếp tục hoàn chỉnh việc in số 1 của tờ Tiên phong bị dang dở bởi bao sự kiện dồn dập của cuộc khởi nghĩa cuốn đi và chỉ sau cuộc khởi nghĩa 2 tháng báo đã ra mắt bạn đọc với chữ in typô, giấy tốt, trình bày đẹp. Cuối năm 1945, ông đi tuyên truyền và tiếp xúc cử tri Bắc Ninh, chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I; rồi ông viết kịch "Bắc Sơn", công diễn tại Nhà hát Lớn tháng 4-1946 (Hội VHCQ đã in tháng 7-1946) được các văn nghệ sĩ Thủ đô nhiệt liệt hoan nghênh. Thành công của vở "Bắc Sơn" (nhạc Văn Cao), mở đầu cho thời kỳ mới của kịch nói trong thời đại mới, nhằm phục vụ quần chúng nhân dân. Tại Đại hội các văn nghệ sĩ lần thứ nhất tổ chức ở Hà Nội tháng 10-1946, Nguyễn Huy Tưởng được bầu vào BCH Hội VHCQ; sau đó, ông là một trong những người phụ trách cùng các văn nghệ sĩ lên Chiến khu Việt Bắc, tham gia đánh giặc bằng vũ khí văn nghệ của mình. Bước chân trải bao đèo núi Tuyên Quang, Thái Nguyên, làm báo của Hội VHCQ rồi làm Thư ký Tạp chí Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam; sáng tác ký, nhật ký chiến dịch, phóng sự mà nóng hổi nhất là "Ký sự Cao Lạng", nhưng lòng ông vẫn hướng về Thủ đô Hà Nội đã trải qua 60 ngày khói lửa, nhưng bị giặc chiếm đóng. Mỗi chuyến đi thực tế ở mặt trận, gặp gỡ các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, ông vui như Tết. Đó là thời kỳ đầy ắp vốn sống thực tiễn, lắng lại những suy tưởng về cuộc chiến đấu mang tầm vóc lớn lao của dân tộc, để đến năm 1958, Nguyễn Huy Tưởng viết bộ tiểu thuyết để đời "Sống mãi với Thủ đô".
Người viết lịch sử bằng các tác phẩm văn học
Hai mươi tuổi, Nguyễn Huy Tưởng đã ghi trong nhật ký ngày 13-1-1932: "Người không biết lịch sử nước mình là con trâu đi cày ruộng; cày với ai cũng được, mà cày ruộng nào cũng được". Ý thức sâu sắc đó được ông gửi gắm vào một loạt các sáng tác thơ ca ngợi Trần Bình Trọng, viết truyện Trần Quốc Toản cho các em sói con đăng trên tạp chí L'Annam Nouveau, cùng các tiểu luận: "Ý nghĩa của việc thiên đô của Lý Thái Tổ trong lịch sử Việt Nam" và "Hội nghị Diên Hồng" đăng trên tạp chí Tri tân số 17 và số 23 (1941). Khó ai có thể hình dung được, Nguyễn Huy Tưởng biến phòng làm việc của Sở Đoan thành nơi sáng tác tiểu thuyết lịch sử "An Tư công chúa" và "Đêm hội Long Trì" (đăng tải trên các số Tri tân trong năm 1942-1943). Kịch bản "Vũ Như Tô" được đăng trên Tri tân từ ngày 18-11-1943 đến 20-4-1944 (năm 1946 được Hội VHCQ xuất bản thành sách lần đầu tiên). Sự kiện và con người của lịch sử đã được ông dùng nhãn quan soi chiếu của nhà sử học, trung thực, khách quan và cách xây dựng tác phẩm văn học của nhà văn mà tinh luyện, đẩy lên thành nhân vật điển hình của thời đại, sống động trong nội tâm, hành động… đến thần tình.
Sau ngày Hà Nội giải phóng, tâm can vẫn đau đáu đưa lịch sử dân tộc vào văn học để giữ lấy cái gốc của văn học nghệ thuật, ông viết truyện cho thiếu nhi "Lá cờ thêu sáu chữ vàng" và tiếp tục sửa chữa lần thứ hai bản thảo "Sống mãi với Thủ đô" với tâm niệm viết làm sao cho xứng với tầm vóc vĩ đại của cuộc chiến đấu anh hùng của quân dân Thủ đô mùa đông năm 1946. Khi ông sửa bản thảo tiểu thuyết lịch sử đến lần thứ ba thì bạo bệnh đã khiến ông phải tạm ngưng lại. Hơn nửa thế kỷ đã qua, mấy ai còn nhớ kịch bản phim "Lũy hoa" dựa trên sườn bản thảo "Sống mãi với Thủ đô" được đưa in khi Nguyễn Huy Tưởng đang chống chọi với bệnh tật nan y ở giai đoạn cuối. Nhà văn Nguyễn Tuân chính là người gợi ý với tác giả đổi tên bản thảo kịch bản phim "Hoa trên chiến lũy" thành "Lũy hoa", lại là người mang tay sách đầu tiên vào cho bạn xem; nhưng phải đến năm 1996, kỷ niệm 50 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, phim mới được chiếu trên Đài Truyền hình Hà Nội. Còn tiểu thuyết "Sống mãi với Thủ đô" chào đời năm 1961, khi nhà văn đã mất; nhưng như nhạc sĩ Văn Cao viết về ông: "Cái chết của anh/Cái chết một nhà văn/Không bao giờ là cái chết". Rồi đây, ba tập nhật ký đồ sộ của Nguyễn Huy Tưởng (NXB Thanh niên in năm 2006), chứa đựng chất liệu sử học, văn hóa, con người vô cùng phong phú mà Nguyễn Huy Tưởng đã viết bằng tâm can của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa và cõi lòng của một nhà văn có trách nhiệm công dân cao trước dân tộc.
Nguyễn Huy Tưởng đã mất như một chiến sĩ của Hà Nội. Đi sau linh cữu ông có chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô mà ông hằng gắn bó và đón họ ngày trở về trong đoàn quân chiến thắng mùa Thu năm 1954. Ngôi nhà của tuổi ấu thơ ở quê hương Dục Tú, nơi làm số 1 Báo Tiên phong, đã được công nhận là Di tích cách mạng. Năm 1996, Nguyễn Huy Tưởng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Nhưng đã và sẽ còn mãi với thời gian, với văn hóa dân tộc một Nguyễn Huy Tưởng chân thành, đôn hậu, cởi mở, hết lòng yêu thương, nhân ái với bạn bè bởi ông đã chọn một cách sống đẹp của nhà văn: "Đừng viết cái gì sai với sự thực của con người/Dù là dưới hình thức phục vụ. Người là thật. Phải thật với người".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.