Ngày 13/3, cơ quan tố tụng cho biết cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã kết luận điều tra bổ sung vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Công ty TNHH Kim loại Hoàng Gia (Công ty KLHG) và Công ty cổ phần Kinh tế Hoàng Gia (Công ty KTHG).
Trong kết luận điều tra bổ sung lần này, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố 6 bị can trước pháp luật về tội danh trên. Đồng thời ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” đối với 5 cán bộ thuộc Công ty Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC) vì đã có nhiều biện pháp hạn chế hậu quả, chủ động tố giác hành vi sai phạm của các đối tượng trong vụ án.
Theo đó, cơ quan chủ quản đã xử lý kỷ luật hành chính đối với 5 cán bộ này bằng các hình thức cách chức, miễn nhiệm, chuyển công tác khác…
Ảnh minh họa. |
Tại kết luận điều tra, cơ quan điều tra đề nghị truy tố các bị can Hoàng Minh Hiệp, SN 1974, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty KTHG; Trương Ánh Điệp, 35 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty KLHG; Nguyễn Thị Mai Hương, 42 tuổi, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty KTHG; Đặng Ngọc Sơn, 35 tuổi, nguyên nhân viên kinh doanh Công ty KTHG; Vũ Thị Thuận, 33 tuổi, nguyên Kế toán trưởng Công ty KTHG; Đinh Minh Ngọc, 28 tuổi, nguyên kế toán Công ty KLHG.
Theo kết luận điều tra, hai Công ty KTHG và Công ty KLHG đều được thành lập và do Hoàng Minh Hiệp quản lý, điều hành, quyết định mọi hoạt động kinh doanh. Bản thân Hoàng Minh Hiệp và Trương Ánh Điệp có quan hệ với nhau như vợ chồng, có 2 con chung nhưng không có kết hôn.
Từ khi thành lập đến năm 2010, hai công ty này kinh doanh một số mặt hàng như thép, phôi thép, nhôm, hoá chất, trong đó chủ yếu là thép và phôi thép. Hoạt động kinh doanh diễn ra bằng nhiều hình thức như nhập khẩu và mua bán trong nước. Tuy nhiên, từ cuối năm 2010, hoạt động của hai công ty KTHG và KLHG thua lỗ và phải vay vốn các tổ chức tín dụng nên hai công ty không mua vào, chỉ bán hàng tồn kho và phát sinh các khoản nợ với nhiều tổ chức tín dụng, trong đó có PVFC.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng giữa hai công ty của Hiệp với PVFC Ngô Quyền, do thua lỗ nên Hoàng Minh Hiệp không có tiền trả nợ.
Vì vậy, Hiệp đã chỉ đạo nhân viên, người thân lập khống hồ sơ đề nghị giải ngân bằng cách sử dụng pháp nhân của nhóm công ty khác trong Tập đoàn Hoàng Gia do Hiệp điều hành để lập hợp đồng mua bán thép khống, xuất hoá đơn GTGT khống, làm giả hợp đồng thuê kho và biên bản xác nhận hàng hoá.
Hiệp còn chỉ đạo việc đưa cán bộ PVFC đi kiểm tra tài sản đảm bảo cho các khoản vay để lừa họ tin rằng hai công ty có tài sản thế chấp được thể hiện như hồ sơ vay vốn. Tuy nhiên, trên thực tế, tài sản đó không thuộc sở hữu của hai công ty KTHG và KLHG hoặc số tài sản này đã thế chấp cho tổ chức tín dụng khác.
Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định tổng số tiền được giải ngân là gần 184 tỉ đồng, Hiệp đã trả được hơn 7,5 tỉ đồng, còn hơn 176 tỉ đồng đến nay không có khả năng thanh toán. Toàn bộ số tiền trên Hiệp đã trả nợ cho các tổ chức tín dụng khác và trả các khoản vay trước của chính PVFC.
Cơ quan điều tra cũng xác định các bị can còn lại đã có hành vi tiếp tay, giúp sức cho Hiệp cùng Trương Ánh Điệp thực hiện hành vi lừa đảo của PVFC Ngô Quyền số tiền nêu trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.