Sức khỏe

Nguy hại từ thói quen ăn thực phẩm tái sống

Xuân Lộc 01/09/2023 - 07:01

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện trên cả nước liên tục tiếp nhận các ca bệnh nhập viện trong tình trạng co giật, méo miệng, liệt nửa người… nghi ngờ bị đột quỵ.

Thế nhưng, sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán, những bệnh nhân này đã bị sán “tấn công” lên não mà nguyên nhân chỉ vì thói quen ăn thực phẩm tái sống.

raot5.jpg
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm sán tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Ảnh: Nguyễn Hiền

Liệt nửa người vì nghiện tiết canh, rau sống...

Thường xuyên ăn tiết canh, rau sống, thời gian gần đây, ông H.V.K (60 tuổi, ở Phú Thọ) cảm thấy đau đầu, mệt mỏi, kéo theo đó là liệt nửa người phải. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, ông K được chẩn đoán có nhiều u nang trong não, có nang kích thước rất lớn. Chính những nang kén này chèn ép nhu mô não khiến ông K bị liệt nửa người.

Sau đó, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy u (nang sán), giải phóng nang chèn ép não, gửi mô bệnh học và làm giải phẫu bệnh. Kết quả đúng với chẩn đoán ban đầu, bệnh nhân bị đa nang kén sán não. Bệnh nhân được điều trị hậu phẫu và dùng thuốc diệt ấu trùng sán.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) cho biết, bệnh sán não hay chính xác hơn là u não do ấu trùng sán dây, thuộc nhóm nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh với mức độ nguy hiểm rất cao. Bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh phát triển âm thầm cho đến khi phát hiện những triệu chứng rõ rệt thường khá muộn.

Tương tự, tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương) thời gian gần đây tiếp nhận không ít bệnh nhân bị tổn thương não do nhiễm ký sinh trùng.

Đơn cử như ông D.V.P. (58 tuổi, ở Thái Nguyên) trước khi nhập viện, sức khỏe hoàn toàn bình thường. Bỗng một ngày, ông P bất ngờ bị co giật, méo miệng, không nói được. Nghi ngờ đột quỵ, nên ngay lập tức gia đình đưa ông đi cấp cứu. Tuy nhiên, kết quả chụp phim phát hiện có tổn thương sán não, không phải bị đột quỵ. Trước đó, ông P có thói quen ăn tiết canh lợn.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân gây bệnh sán não là do ăn phải thịt lợn, thịt bò nhiễm ấu trùng sán (lợn gạo, bò gạo) mà chưa được nấu chín như thịt tái, nem chạo, thịt nướng chưa chín kỹ; hoặc ăn phải thức ăn như rau sống, tiết canh lợn, thực phẩm nhiễm bẩn..., uống nước, hay bàn tay bẩn có nhiễm trứng hoặc ấu trùng sán lại đưa lên miệng... Khi trứng sán vào cơ thể người rồi phát triển thành ấu trùng sán, chui qua thành ruột vào máu để đến cơ và não, có khi vào mắt. Nếu ấu trùng lên não sẽ gây bệnh ấu trùng sán não.

Biểu hiện của nhiễm ấu trùng sán não là người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, nôn do tăng áp lực nội sọ và có thể dẫn đến co giật. Thậm chí, có trường hợp bị liệt mặt ngoại biên (liệt thần kinh VII, liệt nửa người…). Việc chẩn đoán dựa vào tiền sử người bệnh có thói quen ăn thịt tái, thịt nướng chưa chín kỹ… Đồng thời, xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang ký sinh trùng sán dây dương tính; chụp cắt lớp ở não thấy có khối u nhỏ. Khi phát hiện sán não thì người bệnh phải được điều trị tích cực bằng phác đồ theo chỉ định, thậm chí có thể phải điều trị nhiều đợt tùy thuộc vào tổn thương.

Bác sĩ Tạ Huy Hải, Khoa Điều trị (Bệnh viện Đặng Văn Ngữ) lưu ý, nguy hiểm nhất khi sán ký sinh trong não sẽ khiến người bệnh có thể gặp phải những cơn động kinh nặng, nhẹ khác nhau. Kèm theo đó là những triệu chứng như: Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, khó ngủ ngon giấc... Một số triệu chứng khác hiếm gặp hơn như yếu liệt nửa người, cảm giác và vận động có những bất thường...

Không khó để phòng ngừa sán não

Tại các bệnh viện, phương pháp điều trị sán não hiện nay là điều trị nội khoa và phẫu thuật. Với điều trị nội khoa, mọi trường hợp nhiễm trùng não do giun sán đều phải dùng thuốc diệt ký sinh trùng, kháng sinh chống viêm, thuốc làm giảm triệu chứng (giảm đau, giảm co giật...).

Còn với những bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng thể nặng, nang sán lớn gây tắc nghẽn hệ thần kinh sẽ được chỉ định phẫu thuật gắp bỏ nang sán, kết hợp điều trị phục hồi tích cực.

Như vậy, có thể thấy, nhiễm trùng não do giun sán là bệnh lý nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong và để lại nhiều di chứng phức tạp. Do đó, việc điều trị đạt hiệu quả nếu phát hiện sớm, chưa có biến chứng nghiêm trọng. Chính vì vậy, khi thấy có các biểu hiện như đau đầu liên tục, chóng mặt, mất ngủ, xuất hiện nang nhỏ dưới da, sờ vào di động… thì người bệnh hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Theo các chuyên gia y tế, dù sán não là bệnh nguy hiểm nhưng việc phòng bệnh lại không khó. Thông thường, ấu trùng sán sẽ chết khi được đun sôi trong 5 phút. Do đó, để phòng tránh bệnh, người dân cần giảm thiểu các yếu tố nguy cơ như giữ môi trường sống sạch sẽ, ăn uống hợp vệ sinh, tuân thủ ăn chín, uống sôi. Không ăn thức ăn chưa nấu chín như gỏi, tiết canh, thịt lợn gạo, rau sống, nhất là các loại rau sống trồng dưới nước như rau ngổ…

Ngoài ra, luôn rửa tay sạch với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; tẩy giun sán định kỳ. Người lớn, trẻ nhỏ cần tẩy giun định kỳ 6 tháng đến 1 năm một lần.

Bác sĩ Tạ Huy Hải cũng khuyến cáo người dân không nên ăn gỏi cá sống, rau sống, nhất là ở những vùng vẫn còn sử dụng phân tươi ủ để bón cho cây trồng. Nhiều người quan niệm, vắt chanh lên thịt tái, sống sẽ bảo đảm an toàn, tránh nguy cơ nhiễm bệnh khi ăn. Tuy nhiên, ngay cả khi vắt chanh lên thịt tái cũng không thể diệt được ấu trùng sán bên trong.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguy hại từ thói quen ăn thực phẩm tái sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.