(HNM) - Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện và thu hồi nhiều loại cà phê giảm cân có chứa chất cấm. Hiện tại, các sản phẩm cà phê giảm cân được rao bán nhan nhản trên thị trường, trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) với đủ lời quảng cáo “có cánh” như: Giảm cân siêu tốc, lấy lại vóc dáng chỉ trong thời gian ngắn… Chính vì vậy, nhiều chị em đã tin theo và mua sử dụng để rồi rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.
Phát hiện chất cấm có nguy cơ gây ung thư, đột quỵ...
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đơn vị này đã nhận được công văn của Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh báo cáo về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm liên quan đến cà phê giảm cân tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4-2022. Từ vụ ngộ độc này, kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng đã phát hiện 4 mẫu sản phẩm Max Health Go Coofee (ngày sản xuất: 7-3-2022, hạn sử dụng: 7-3-2024; ngày sản xuất: 18-3-2022, hạn sử dụng: 18-3-2024; ngày sản xuất: 25-3-2022, hạn sử dụng: 25-3-2024; ngày sản xuất: 20-4-2022, hạn sử dụng: 20-4-2022) đang lưu thông trên thị trường có chứa chất sibutramine.
Thông tin trên nhãn sản phẩm ghi: Sản phẩm của Công ty TNHH Matxi Corp (địa chỉ ở số 22 đường Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh). Nơi sản xuất sản phẩm là Chi nhánh Công ty TNHH quốc tế Medino (địa chỉ ở lô 250, đường 12, Khu công nghiệp Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Trước đó, vào cuối tháng 3-2022, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ 37 tuổi ở huyện Gia Lâm, Hà Nội vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, co giật sau 4 ngày uống cà phê giảm cân Hoàng Gia. Sau đó, mẫu cà phê mà bệnh nhân sử dụng được Trung tâm Chống độc gửi đến Viện Pháp y và kết quả giám định cho thấy có chứa sibutramine.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, sibutramine có nhiều độc tính và tác dụng phụ, nguy cơ biến chứng về tim mạch, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Chính vì vậy, Mỹ và các nước châu Âu đã ngừng sử dụng tất cả sản phẩm có chứa sibutramine từ tháng 10-2010. Tại nước ta, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng đã ngừng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu sibutramine và thu hồi các sản phẩm chứa chất này.
Ngoài sibutramine, kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đối với mẫu sản phẩm thực phẩm bổ sung cà phê Hoàng Gia (số lô: 06.2022, ngày sản xuất: 17-1-2022, hạn sử dụng: 16-1-2025) do đoàn kiểm tra của Cục An toàn thực phẩm lấy mẫu tại Công ty cổ phần Dược mỹ phẩm Hoàng Gia Phát (địa chỉ ở khu phố Yên Phong, thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) cho thấy, cà phê này còn có thêm chất cấm phenolphtalein.
Theo tin từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) được biết, phenolphtalein là chất chỉ thị màu, được chỉ định dùng để đo độ pH. Hơn một thế kỷ trước, phenolphtalein từng được sử dụng như thuốc nhuận tràng. Thế nhưng, hiện nay, chất này đã bị gỡ bỏ khỏi danh mục thuốc nhuận tràng vì những lo ngại về khả năng gây ung thư. Do đó, chất này đã bị FDA cấm lưu hành từ năm 1999. Hiện tại, phenolphtalein đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi thành phần hoạt tính của tất cả loại thuốc lưu hành tại Mỹ.
Không nên tin vào quảng cáo
Chỉ cần gõ cụm từ “cà phê giảm cân” trên Google, người ta dễ dàng tìm thấy nhan nhản các sản phẩm được bày bán với mức giá từ trên 100.000 đồng, đủ các xuất xứ từ Việt Nam, Thái Lan… Cụ thể như cà phê giảm cân I.S (Thái Lan) được giới thiệu giảm 2-5kg/liệu trình 10 gói, cà phê G.C. (Việt Nam) giảm từ 2-6kg/liệu trình… Thế nhưng, các chuyên gia y tế cho rằng, để tránh “tiền mất, tật mang”, các chị em không tin theo những lời quảng cáo mua và sử dụng những sản phẩm không bảo đảm an toàn.
Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam phân tích, về nguyên tắc, cà phê tham gia và kích thích quá trình chuyển hóa, tiêu hao năng lượng của cơ thể. Tuy nhiên, đóng góp này khá nhỏ, không có khả năng giảm cân nhanh và nhiều như những lời quảng cáo. Chính vì vậy, người tiêu dùng nên cảnh giác với các sản phẩm được quảng cáo là giảm cân siêu tốc. Bởi, trong các sản phẩm giảm cân siêu tốc như vậy có thể sẽ bị đưa thêm vào một số chất, từ đó gây mất nước và kích thích tăng chuyển hóa của cơ thể hoặc kích thích đốt cháy mỡ cơ thể. Khi dừng uống thuốc thì cân nặng lại quay về như cũ.
Theo Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, việc giảm cân bằng các loại thuốc, các sản phẩm giảm cân không phải là biện pháp bền vững. Thậm chí, người sử dụng có thể phải đối mặt với nhiều tác dụng phụ do mất nước, buồn nôn, chóng mặt… Đặc biệt, khi sản phẩm giảm cân có chứa chất sibutramine sẽ gây ra cảm giác chán ăn. Chính vì gây ra các tác động đến thần kinh và gây thiếu hụt các chất dinh dưỡng nên chất này đã bị cấm sử dụng.
Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe người dân, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đưa ra cảnh báo và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm nêu trên. Trường hợp phát hiện sản phẩm này lưu hành trên thị trường, đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.