Điểm nóng

Nguy cơ xung đột Iran - Israel: Động thái leo thang nguy hiểm

Hoàng Linh 13/04/2024 20:08

Sau cuộc không kích của Israel vào Lãnh sự quán Iran ở thủ đô Damascus của Syria ngày 1-4 vừa qua, Iran đang có những động thái cho thấy có thể tiến hành những hoạt động đáp trả cuộc tấn công này.

Nếu căng thẳng không sớm được hạ nhiệt, xung đột Iran - Israel sẽ gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng ở chảo lửa Trung Đông vốn đã đầy bất ổn...

i-ran.jpg
Máy xúc dọn dẹp đống đổ nát tại Lãnh sự quán Iran ở thủ đô Damascus (Syria) sau cuộc không kích. Ảnh: Reuters

Tối 12-4 theo giờ Việt Nam, Trung Đông bất ngờ nóng lên sau khi các nguồn tin Mỹ nhận định, Iran sẽ triển khai 100 máy bay không người lái (UAV) cùng hàng chục tên lửa tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Israel.

Hiện tại, quân đội cũng như các kênh truyền thông Iran chưa công bố bất kỳ thông tin nào về thời gian cũng như quy mô, phương thức và mục tiêu cụ thể của cuộc tấn công nhằm vào Israel. Dù vậy, khả năng diễn ra hành động quân sự được dư luận quốc tế dự đoán “chỉ là vấn đề thời gian”.

Trước đó, lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei từng nêu rõ, Israel "phải bị trừng phạt và sẽ bị trừng phạt" vì đã phạm sai lầm với hành động tương đương tấn công vào đất Iran.

Ngoại trưởng nước này Hossein Amir-Abdollahian cũng tuyên bố, Tehran cảm thấy không có lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả cuộc tấn công, "nhất là khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không hành động".

Về phần mình, Israel đang gấp rút tăng cường năng lực phòng không, tạm dừng nghỉ phép đối với các đơn vị chiến đấu. Truyền thông nước này cũng phát đi một số cảnh báo đối với người dân về nguy cơ xung đột.

Theo các nhà quan sát, nếu Iran tấn công Israel, đây sẽ là động thái leo thang nguy hiểm đáng kể dù mâu thuẫn vốn âm ỉ từ lâu giữa hai nước. Căng thẳng cũng dễ lan rộng bởi xung đột hai bên có nguy cơ trở thành điểm nóng đa phương.

Sáng 13-4, Mỹ đã điều động các tàu chiến của mình vào vị trí trong khu vực, tuyên bố sẵn sàng bảo vệ đồng minh trong trường hợp Tehran phát động tấn công. Washington cũng đã tăng cường năng lực phòng không cho quân đội Mỹ đóng tại Iraq và Syria; đồng thời tìm cách ngăn Iran tấn công trả đũa Israel thông qua những tuyên bố chung về cam kết bảo đảm an ninh cho Israel.

Với quá nhiều rủi ro hiển hiện, các nước cũng ra sức ngăn chặn kịch bản xấu xảy ra. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, Ngoại trưởng Anthony Blinken đã trao đổi với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và các nước châu Âu để làm rõ leo thang căng thẳng không có lợi cho bất kỳ ai, qua đó đề nghị các nước khuyên can Iran.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Ngoại trưởng Anh David Cameron đề nghị Tehran kiềm chế. Đáp lại, người đứng đầu ngành Ngoại giao Iran nhấn mạnh, chính sách đối ngoại của Tehran luôn dựa trên quan điểm tránh gây căng thẳng nhưng quyền tự vệ hợp pháp là cần thiết.

Một số nhận định cho rằng, ngay cả khi chiến sự không thể tránh khỏi, những hậu quả sau đó tùy thuộc vào phương thức trả đũa của Iran. Nếu Israel đánh chặn tên lửa hoặc máy bay không người lái đang lao tới, hoặc nếu chúng rơi chệch các mục tiêu - được dự báo phần lớn là mục tiêu quân sự và không gây thiệt hại lớn, cơ hội hạ nhiệt vẫn còn.

Thế nhưng nếu Iran tấn công và gây thương vong đáng kể cho Israel trên lãnh thổ của họ hoặc tại các cơ quan đại diện và tổ chức của Israel ở nước ngoài, quốc gia này sẽ có quyền phản ứng mạnh mẽ và chiến sự leo thang nhanh chóng là kịch bản khó tránh.

Việc Iran tiến hành một cuộc tấn công trực tiếp vào Israel cũng là kịch bản tồi tệ nhất đối với chính quyền Mỹ và nhiều quốc gia có liên quan, vốn đã cố gắng kiềm chế xung đột kể từ khi cuộc chiến này bắt đầu.

Khi mọi việc chưa rõ ràng, các nước ngay lúc này đã có sự chuẩn bị mang tính phòng ngừa. Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi cảnh báo, khuyến cáo người dân nước này ở Israel không nên đi ra ngoài. Ấn Độ cũng cảnh báo công dân của mình không nên đến Iran và Israel do căng thẳng leo thang giữa hai nước.

Trước đó, Đức, Pháp, Ba Lan và Nga cũng đã sơ tán phái bộ ngoại giao và cảnh báo công dân của họ không nên đi du lịch đến khu vực nóng. Các hãng hàng không như Lufthansa hay Qantas cũng đã tạm dừng các chuyến bay sử dụng không phận Iran.

Dù thế nào, cần khẳng định, Trung Đông lúc này đã quá nóng và không cần thêm một mồi lửa mới. Đàm phán và thương lượng vẫn là hai từ khóa quan trọng thường xuyên được dư luận quốc tế nhắc tới. Chỉ khi các bên kiềm chế, đối thoại, giải quyết các bất đồng một cách thỏa đáng và công bằng thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, một tương lai ổn định cho khu vực mới có thể khả thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ xung đột Iran - Israel: Động thái leo thang nguy hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.