Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ "thua trên sân nhà"

Ngọc Quỳnh| 14/03/2016 06:43

(HNM) - Sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, trong các ngành chịu ảnh hưởng thì nông nghiệp bị tổn thương nhiều nhất, đặc biệt là chăn nuôi.

Năm 2015, sản phẩm thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam tăng cao với 9.022 tấn, trị giá khoảng 15,08 triệu USD, tăng 136,7% về lượng và 85,1% về giá trị; lượng thịt gà nhập khẩu trên 124 nghìn tấn, trị giá 103,4 triệu USD, tăng 35,4% về lượng và 7,3% về giá trị; trâu, bò sống nhập khẩu là 419.952 con, tăng 78,9%. Điều này cho thấy, hằng năm Việt Nam chi hàng tỷ USD để nhập khẩu thịt. Ngoài ra, do người chăn nuôi trong nước không có kiến thức về thị trường, giá lên cao lại ồ ạt nuôi khiến cho cung vượt cầu.

Các hộ chăn nuôi cần liên kết trong khâu mua nguyên liệu đầu vào nhằm giảm giá thành sản phẩm. Ảnh: Tào Ngọc


Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, khi chưa có TPP, thuế suất các mặt hàng thịt tại thị trường Việt Nam vẫn luôn ở mức cao hơn nhiều so với nước ngoài. Vì vậy, nếu theo lộ trình từ nay đến 10 năm nữa với các mặt hàng thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thuế suất nhập khẩu về bằng 0% sẽ là thách thức lớn đối với ngành chăn nuôi nước nhà. "Không những thế, chăn nuôi Việt Nam còn nhiều yếu kém bởi từ con giống tới thức ăn chăn nuôi đều phải nhập khẩu, khiến giá đầu vào tăng cao. Người chăn nuôi chỉ quan tâm tới sản xuất mà không tính đến đầu ra. Vì vậy, nếu không có giải pháp kịp thời sẽ "thua trên sân nhà", hoặc đẩy người dân làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài" - ông Vang nhấn mạnh.

Anh Nguyễn Văn Hải, hộ chăn nuôi ở Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, Chương Mỹ là một trong những huyện có tổng đàn gia cầm lớn nhất thành phố, nhưng mấy năm gần đây, do giá gia cầm liên tục giảm nên nhiều hộ đã chuyển sang nuôi gia công cho Công ty cổ phần CP Việt Nam để lấy công làm lãi hoặc giảm số lượng nuôi xuống còn 50% bảo đảm duy trì sản xuất. Tương tự, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây) Trần Văn Chiến cho biết, các cửa hàng kinh doanh ẩm thực ở Việt Nam hiện đa phần sử dụng thịt bò Australia và các loại thịt gà nhập khẩu, số lượng nhập khẩu tăng theo từng năm, khiến cho các trang trại chăn nuôi trong nước luôn bế tắc về đầu ra.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân nhận định, việc TPP có hiệu lực trong thời gian tới thì việc thịt ngoại vào Việt Nam với giá rẻ sẽ tạo nên cuộc đua hết sức gay gắt. Song, đây cũng là cơ hội để cho ngành chăn nuôi Việt Nam xốc lại tổ chức sản xuất. Trong đó, cần nâng cao chất lượng con giống, tiếp cận khoa học - công nghệ tiên tiến của thế giới để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hình thành các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng và Nhà nước phải có cơ chế riêng cho việc này, hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện chuỗi mua sản phẩm trực tiếp từ nông dân để giảm bớt các khâu trung gian và tăng sức cạnh tranh. Nhà nước cũng cần rà soát lại các chính sách hỗ trợ đối với chăn nuôi trên cơ sở không vi phạm những quy định của TPP, song phải phù hợp với thực tiễn và mang lại quyền lợi cho người chăn nuôi nước nhà.

Lối ra duy nhất cho ngành chăn nuôi trong nước lúc này là các hộ chăn nuôi liên kết với nhau để ký kết hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào, nhằm giảm giá thành sản phẩm. Điều quan trọng là Nhà nước phải đứng ra làm khâu trung gian giúp đỡ người chăn nuôi trong việc ký kết hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh thức ăn, thuốc thú y vì việc này tuy đã được đề cập nhiều nhưng thực hiện chưa hiệu quả. Ngoài ra, người chăn nuôi cũng cần năng động, nhạy bén trong việc tiếp cận với doanh nghiệp để mua nguyên liệu đầu vào và bán sản phẩm cho họ phục vụ chế biến xuất khẩu.

Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam Đoàn Xuân Trúc:

Khi hội nhập TPP, trong các sản phẩm chăn nuôi thì chăn nuôi gia cầm, đặc biệt là nuôi gà công nghiệp bị cạnh tranh khốc liệt nhất. Tuy nhiên, gà công nghiệp cũng chỉ chiếm 20-30% thị phần tiêu thụ tại Việt Nam còn chủ yếu là thịt gà giống của các địa phương là gà lông màu và gà ta thả vườn. Vì vậy, đây sẽ là mặt hàng có sức cạnh tranh lớn với thịt ngoại, các địa phương cần phát huy lợi thế phát triển mạnh các giống gà này phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ "thua trên sân nhà"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.