Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ thiếu xăng cục bộ, các doanh nghiệp kiến nghị khẩn

Tuệ An - Minh Điền| 07/10/2022 15:15

(HNMO) - Mấy ngày qua, tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận xảy ra tình trạng cây xăng mở bán nhưng không có xăng để cung ứng cho khách hàng, hoặc bán hạn chế theo chủng loại phương tiện. Nguyên nhân vẫn là những điểm vướng đã được xác định lâu nay, nhưng hướng giải quyết từ bộ, ngành quản lý hiện chưa rõ ràng.

Một cây xăng ở An Giang treo biển hết xăng.

Thiếu xăng cục bộ

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ (Cagico) có hệ thống bán lẻ gồm 17 cây xăng trực thuộc và 36 đại lý tại địa bàn có văn bản gửi Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tình hình nguồn cung khan hiếm.

Cụ thể, doanh nghiệp chỉ là thương nhân phân phối nên không được nhập khẩu xăng dầu. Trong khi đó, nguồn cung từ nhà nhập khẩu ít (Petrolimex, Saigon Petro... mỗi đơn vị cung cấp 20m3 xăng/ngày cho công ty). Nếu nguồn cung không được cải thiện, nguy cơ thiếu xăng dầu là có thật.

Tại Đồng Nai, cũng do nguồn cung từ đơn vị nhập khẩu xăng dầu ít, nên thương nhân phân phối là Công ty cổ phần Thương mại Long Thành ngày 5-10 đã phải ban hành Văn bản số 135/TB-CPTM gửi các cửa hàng xăng dầu trực thuộc về việc hạn chế bán xăng cho từng loại phương tiện.

Theo đó, với xe máy, bán không quá 30.000 đồng/lần/phương tiện. Với ô tô, bán không quá 200.000 đồng/lần/phương tiện. Tại An Giang, hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu vốn vẫn lấy hàng từ thương nhân phân phối là Công ty cổ phần Dầu khí Đại Đông Dương (thành phố Hồ Chí Minh) thường xuyên hết xăng, nhưng vẫn phải mở bán, nếu không sẽ bị phạt… Tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, ngày 7-10, nhiều cây xăng cũng phải hạn chế lượng bán cho mỗi phương tiện.

Những ngày qua, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cây xăng trên địa bàn. Đơn cử trong ngày 6-10, toàn thành phố có 7 cửa hàng hết xăng dầu và tạm ngưng kinh doanh. Với các cửa hàng hết xăng, chủ yếu là do thương nhân đầu mối chưa cung ứng kịp. Thậm chí như cây xăng thuộc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Xuân Vinh (quận Tân Bình) hết xăng A95, nhưng đơn vị cung ứng thông báo không có hàng để cấp.

Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu; 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu; 60 thương nhân phân phối; 1 thương nhân làm tổng đại lý; 29 đại lý bán lẻ. 

Cây xăng của doanh nghiệp lớn còn đủ hàng cung ứng.

Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, theo thông tin phản ánh, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do giá cả thường xuyên biến động nên tại một số thời điểm, doanh nghiệp phải nhập hàng với giá bằng giá bán lẻ chiết khấu giảm (có thời điểm chiết khấu bằng 0 đồng, hoặc âm) trong khi phải trả đủ các chi phí vận chuyển, lương cho nhân viên… gây áp lực đối với quá trình duy trì hoạt động.

Tiếp tục đề xuất giải pháp

Nhóm 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vừa ký đơn tập thể gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh về tình hình kinh doanh xăng dầu thời gian qua và kiến nghị các giải pháp khắc phục.

Đơn cử, theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu ra không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan nhà nước công bố. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang tính thêm giá thành vận chuyển (từ nhà máy lọc dầu hoặc xăng dầu nhập khẩu về cảng) vào giá bán, chiết khấu lại bằng 0, nên các cửa hàng bán lẻ thường phải nhập xăng cao hơn giá bán ra, nhưng vẫn phải mở bán. Các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước nhất thiết cần phải thay đổi cách tính giá cơ sở xăng dầu (bao gồm mọi chi phí thực tế) cho phù hợp với tình hình mới.

Các doanh nghiệp đề xuất tính đủ chi phí vào giá cơ sở bán lẻ xăng dầu.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị khi kinh doanh xăng dầu chưa thể theo cơ chế thị trường hoàn toàn, cần quy định áp dụng mức chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ (khoảng 6-7%/lít). Nếu không quy định được chiết khấu đại lý thì cần quy định giá bán buôn (kể cả chi phí vận chuyển) không lớn hơn 94% so với giá bán lẻ quy định. Đề xuất bỏ trích quỹ bình ổn, thay bằng công cụ điều tiết thuế để minh bạch hơn.

UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính nhiều vấn đề liên quan đến việc kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Trong đó có kiến nghị điều hành giá theo hướng linh hoạt, đúng chu kỳ, kể cả thứ bảy, chủ nhật. Thành phố cũng có đề xuất cho phép doanh nghiệp được điều chỉnh khi có biến động vượt ngưỡng. Cùng với đó, cần tính toán đầy đủ chi phí vận chuyển xăng dầu nhập khẩu hay xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về doanh nghiệp đầu mối phân phối; xem xét tăng mức chiết khấu xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ để doanh nghiệp không bị lỗ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ thiếu xăng cục bộ, các doanh nghiệp kiến nghị khẩn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.