(HNMO) - Theo Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm, năm 2020 vẫn cơ bản bảo đảm nhu cầu điện, song từ năm 2021, nguy cơ thiếu điện hiện hữu. Thậm chí, tình trạng thiếu điện tại miền Nam có thể tăng cao hơn và kéo dài đến năm 2025.
Ngày 18-6, Bộ Công Thương tổ chức diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2020 với chủ đề “Phát triển năng lượng sạch - xu thế và thách thức”.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, việc phát triển kinh tế - xã hội đã kéo theo nhu cầu năng lượng tăng cao. Tổng thể nhu cầu năng lượng bình quân trong giai đoạn 2007-2017 tăng trưởng 4,6%/năm; riêng sản lượng điện thương phẩm tăng bình quân 9,5%/năm.
Đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu năng lượng giảm, nhưng ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu sử dụng điện lại tăng 6,5-7%.
Dự báo giai đoạn 5 năm tới (2021-2025), nhu cầu điện năng tăng trưởng khoảng 8,5-9,5%/năm. Trong bối cảnh nguồn năng lượng truyền thống như điện than, thủy điện... đã khai thác hết tiềm năng, việc tập trung phát triển năng lượng sạch, năng lượng mặt trời, điện gió cộng với năng lượng điện khí hóa lỏng là yêu cầu cấp bách.
Tại diễn đàn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm cho biết, những tháng đầu năm 2020, nhu cầu phụ tải tăng trên 7%, thậm chí một số vùng tăng trưởng trên 11%. Trong khi đó, tình hình thủy văn bất lợi, nên dù đã phải huy động tối đa điện sản xuất từ than, khí, năng lượng tái tạo nhưng EVN vẫn phải huy động nguồn điện dầu giá cao.
Theo ông Lâm, năm 2020 vẫn cơ bản bảo đảm nhu cầu điện, song từ năm 2021, nguy cơ thiếu điện hiện hữu. Thậm chí, tình trạng thiếu điện tại miền Nam có thể tăng cao hơn và kéo dài đến năm 2025 nếu lượng nước về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm; đồng thời, các dự án nguồn điện mới bị chậm tiến độ... Theo tính toán, mỗi dự án nhiệt điện than 1.000-1.200MW tại miền Nam bị chậm tiến độ sẽ làm mức độ thiếu điện tại khu vực này tăng thêm từ 7,2 đến 7,5 tỷ kWh/năm.
Trong khi đó, nhiều dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang bị chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ. Điều này dẫn đến nguy cơ Việt Nam sẽ bị thiếu điện trong tương lai gần.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực mới đây cho thấy, trong số 62 dự án nguồn điện công suất lớn từ 200MW trở lên trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ.
Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án và sử dụng điện tiết kiệm, việc thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời là cần thiết.
Tại diễn đàn, các đại biểu là nhà quản lý, nhà đầu tư trong và ngoài nước, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp… đã trao đổi, đề xuất giải pháp phát triển năng lượng sạch trong giai đoạn tới, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam kiến nghị, nên kéo dài thời gian ưu đãi giá mua điện gió, điện mặt trời đến năm 2023, do đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi thiết bị nhập ngoại, chuyên dụng mà trong nước còn thiếu.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đề xuất, bên cạnh việc đa dạng hóa nguồn năng lượng sạch, cần có chính sách khuyến khích phát triển thiết bị công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.