(HNM) - Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 6-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành và người dân không được chủ quan vì dịch bệnh vẫn trong giai đoạn nguy hiểm và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Cùng thời điểm đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng kêu gọi các nước cần thận trọng, tránh vội vã dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội bởi tình trạng tái bùng phát dịch đang xảy ra ở một số quốc gia được đánh giá là kiểm soát tốt dịch bệnh...
Ngày 8-4, lệnh phong tỏa tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, tâm chấn của đại dịch Covid-19 đã chính thức được dỡ bỏ. Sau gần 3 tháng, cuộc sống của người dân thành phố này đã dần trở lại bình thường. Đây cũng có thể được xem là chiến thắng bước đầu của Trung Quốc trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, giới chức nước này vẫn liên tục khuyến cáo người dân bởi gần đây số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc liên tục tăng. Hầu hết số bệnh nhân mới này đều từ nước ngoài vào Trung Quốc.
Hắc Long Giang, tỉnh nằm xa nhất về phía Đông Bắc và giáp Nga đã xác nhận 60 trường hợp nhiễm Covid-19 từ hồi đầu tháng 4. Hầu hết bệnh nhân vào biên giới Trung Quốc bằng xe hơi hoặc xe khách từ thành phố Vladivostok của Nga. Số người nhiễm bệnh từ nước ngoài đang trở thành hiểm họa lớn đối với Trung Quốc sau khi nước này áp dụng những biện pháp quyết liệt để giảm số ca nhiễm bệnh trong nước. Theo số liệu từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), tính đến nay nước này đã ghi nhận gần 1.000 ca nhiễm bệnh từ nước ngoài, tiềm ẩn nguy cơ một đợt dịch bùng phát mới.
Trước thực trạng số ca nhiễm Covid-19 “nhập khẩu” có xu hướng gia tăng, hàng không Trung Quốc đã nhận được lệnh cắt giảm mạnh các chuyến bay quốc tế từ ngày 29-3. Cùng với đó, các biện pháp hạn chế đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc cũng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28-3.
Đầu tháng 3, Singapore được cả thế giới nhìn nhận như một hình mẫu về kiểm soát dịch bệnh hiệu quả khi đảo quốc sư tử chỉ ghi nhận 100 ca nhiễm bệnh. Thế nhưng đến đầu tháng 4, số ca nhiễm bệnh tại Singapore chạm mốc 1.000. Tính đến ngày 8-4, tổng số ca mắc Covid-19 tại quốc gia này là 1.481 ca, trong đó có 6 ca tử vong.
Theo các nhà phân tích, phần lớn làn sóng lây nhiễm dịch bệnh lần thứ hai liên quan đến các công dân Singapore quay trở về từ những “điểm nóng” Covid-19 như Mỹ, Anh và một số nước khác. Điều khiến các nhà chức trách nước này “đau đầu” hơn ở lần thứ hai này có sự gia tăng các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng và các ca không rõ nguồn gốc, người ta thường gọi là mất dấu F0.
Phải đối mặt với đợt bùng phát dịch lần thứ hai, Singapore lập tức áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt như: Cấm toàn bộ người từ bên ngoài nhập cảnh vào quốc gia này từ ngày 23-3 và đóng cửa tất cả các địa điểm vui chơi về đêm. Người dân Singapore cũng được yêu cầu ở nhà và chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết. Hiện giới chức Singapore đã ban bố lệnh phong tỏa một phần, có hiệu lực từ ngày 7-4, nhằm ngăn chặn số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng nhanh chóng. Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi tất cả người dân hãy ở nhà và tuân thủ các biện pháp phòng dịch mới.
Một trong những tâm dịch Covid-19 được thế giới hướng tới đó là Tây Ban Nha. Tuần trước, quốc gia này ghi nhận 5 ngày giảm liên tiếp về số ca nhiễm và tử vong do Covid-19. Tuy nhiên, "niềm vui ngắn chẳng tày gang" bởi sang ngày thứ sáu, số ca nhiễm và tử vong tại quốc gia này lại tăng đột biến. Hiện số ca dương tính với Covid-19 tại Tây Ban Nha đã là 140.000 người và hơn 14.000 ca tử vong.
Giáo sư Jeffrey Shaman, Trường Y tế cộng đồng Mailman, thuộc Đại học Columbia (Mỹ), khuyến cáo rằng một khi những biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ, dịch Covid-19 sẽ có cơ hội bùng phát trở lại. Thậm chí, ngay cả khi quốc gia đó đã tiêu diệt hết Covid-19 trong phạm vi nước mình, nó vẫn có thể tái xâm nhập từ một quốc gia khác. Và điều đó không cho phép chúng ta chủ quan đối với loại vi rút đặc biệt nguy hiểm này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.