Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ tắc ruột do “rác” thức ăn

Bảo Ngọc| 17/03/2023 08:49

(HNNN) - Gần đây, các bệnh viện ghi nhận nhiều trường hợp cấp cứu do tắc ruột bởi “rác” thức ăn, bệnh nhân chủ yếu là người cao tuổi và trẻ nhỏ. Đây là bệnh lý khá nguy hiểm, nếu không xử lý kịp thời thì có thể gây biến chứng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Chất xơ trong thức ăn quện thành búi

Đầu tháng 3, một bệnh nhi 8 tuổi được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức với biểu hiện đau bụng kéo dài 4 ngày kèm nôn mửa. Bệnh nhi được chẩn đoán tắc ruột do bã thức ăn.

Bệnh viện Việt Đức đã mổ cấp cứu cho bệnh nhi bằng phương pháp mở ruột non lấy bã thức ăn làm xẹp ruột có nội soi hỗ trợ. Tuy nhiên khi mổ nội soi, do ổ bụng chướng khó can thiệp nên phải chuyển sang mổ mở nhỏ 5cm, phát hiện khối bã thức ăn rất cứng, chắc ở đoạn cuối hồi tràng...

Tắc ruột do bã thức ăn ở trẻ em là tình trạng hiếm gặp, khi đó trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế có chuyên môn cao và phương tiện kỹ thuật hiện đại để kịp thời xử lý. Bệnh lý này cũng thường gặp ở người già, răng kém nên không nhai kỹ đồ ăn.

Theo thông tin từ Bệnh viện E Trung ương, các bác sĩ ở bệnh viện này đã điều trị cho cụ ông 72 tuổi bị tắc ruột sau khi ăn canh măng lưỡi lợn trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E Trung ương, cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng từng cơn, bí trung và tiểu tiện, buồn nôn, được chỉ định mổ nội soi do nghi ngờ bị tắc ruột.

Trong quá trình phẫu thuật nội soi, bác sĩ đã lấy ra khỏi ruột bệnh nhân một khối rắn chắc, được xác định là bã thức ăn từ măng khô. Theo bác sĩ Nguyễn Đình Liên, do bệnh nhân đã cao tuổi, răng rụng gần hết nên không thể nhai kỹ các miếng măng, khiến măng không tiêu được và bị tắc ở ruột.

Cũng trong dịp đầu năm mới, bệnh viện Thạch Thất đã tiếp nhận bệnh nhân 57 tuổi nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn nhiều lần. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị tắc ruột do ăn măng khô, và chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Măng không tiêu hóa được bị vón cục lại trong dạ dày rồi di chuyển xuống ruột non, tạo thành một cái “nút” gây tắc ruột.

Măng khô và hồng ngâm là những thực phẩm dễ gây tắc ruột.

Hậu quả rất nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời

ThS.BS Nguyễn Ngọc Đan, chuyên khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho biết, tắc ruột là tình trạng ngừng trệ sự lưu thông của dịch tiêu hóa và hơi trong lòng ruột, dẫn đến sự ứ trệ dịch tiêu hóa trong lòng ruột ở phía trên chỗ tắc và làm cho người bệnh bị nôn, đau bụng, bí trung - đại tiện.

Bã thức ăn là một khối thức ăn không tiêu hóa được, chúng bị vón cục lại trong dạ dày rồi di chuyển xuống ruột non, tạo thành một cái “nút” gây tắc ruột. Tắc ruột thường xảy ra ở trẻ nhỏ; người cao tuổi, răng kém nên không nhai kỹ được đồ ăn; người bệnh sau cắt dạ dày, khả năng nhào trộn, tiêu hóa thức ăn của dạ dày kém đi; bệnh nhân bị giảm axit dịch vị (viêm teo dạ dày, dùng thuốc giảm tiết dịch vị kéo dài) dẫn đến chức năng tiêu hóa thức ăn kém; bệnh nhân viêm tụy mạn, suy tụy gây sụt giảm lượng enzym tiêu hóa thức ăn; bệnh nhân tâm thần, tự ăn lông, tóc...

Một số triệu chứng tắc ruột thường biểu hiện ra bên ngoài sớm nhất là đau bụng, chướng bụng. Ban đầu, cơn đau bụng ở người bệnh tắc ruột chỉ khu trú ở một vùng bụng, sau đó đau lan tỏa ra toàn bụng. Bệnh nhân thường có cảm giác buồn nôn. Nếu xuất hiện nôn thì có thể kèm theo các cơn đau, người bệnh nôn ra thức ăn trước rồi sau đó nôn ra nước mật, dịch tiêu hóa và phân.

Bí trung tiện, đại tiện chính là dấu hiệu tắc ruột. Đây là triệu chứng quan trọng, chứng tỏ sự bí tắc hoàn toàn các chất trong lòng ruột của người bệnh.

Ngoài những dấu hiệu tắc ruột có thể nhận biết sớm thì để chẩn đoán chính xác vị trí tắc và nguyên nhân, cơ chế tắc ruột, các bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh thực hiện các xét nghiệm cơ bản như chụp X-quang, siêu âm...

Để phòng tránh tắc ruột với những món ăn nhiều chất xơ, các bác sĩ khuyến cáo lưu ý về thời điểm ăn, bởi nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều chất xơ, nhiều nhựa dễ bị kết tủa, làm dính các sợi xơ thực vật, dễ tạo thành khối bã rắn chắc.

Ngoài ra, thói quen ăn nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc ruột do bã thức ăn. Vì vậy, nguyên tắc sử dụng các loại thực phẩm dễ gây chứng tắc ruột, như ổi, hồng ngâm... là chỉ ăn khi đã no.

Món măng cần được nấu kỹ, nhừ, nhai kỹ khi ăn. Việc uống đủ nước (ít nhất 2 lít nước/ngày), tăng cường vận động giúp ruột được lưu thông tốt hơn cũng là biện pháp hữu hiệu. Chế độ ăn bổ sung các loại rau xanh, mềm, có độ nhớt như rau đay, mùng tơi, đậu bắp... giúp hệ tiêu hóa lưu thông thuận lợi.

Tắc ruột non là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp, tuy nhiên, nếu được chẩn đoán và can thiệp trong vòng 24 giờ đầu tiên thì tiên lượng tốt, còn trường hợp chậm xử lý thì khả năng phục hồi của ruột sau điều trị càng kém. Nguy hiểm hơn, việc xử trí muộn có thể gây mất nước, mất điện giải, hạ huyết áp, trụy mạch sớm, biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân và có thể dẫn tới tử vong. Do đó, người bệnh nếu gặp các triệu chứng như đau bụng, nôn, bí trung tiện, chướng bụng, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Những loại hoa quả dễ gây tắc ruột

Ngoài món măng khô, nhiều loại hoa quả ngon, bổ dưỡng nhưng lại ẩn chứa nguy cơ gây tắc ruột nếu như sử dụng không đúng cách.

Quả hồng có chứa chất tanin gây ra vị chát và chất pectin. Chất này có nhiều trong vỏ và quả hồng xanh chưa chín kỹ. Tanin và pectin là những chất làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột. Khi ăn nhiều hồng, nhất là ăn khi đói, các chất này cộng với chất xơ trong quả hồng sẽ kết tụ dưới tác dụng của axit dạ dày gây đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn...

Ăn nhiều, hồng sẽ vón lại, tạo thành khối bã ở khu vực ruột non, không được đẩy ra ngoài theo đường bài tiết tự nhiên, gây tắc nghẽn đường tiêu hóa. Người cao tuổi, trẻ nhỏ ăn quả hồng dễ bị táo bón, tắc ruột.

Quả ổi chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là hàm lượng vitamin C cao, rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu ăn nhiều hoặc ăn ổi ương, ổi non còn nhiều chất chát sẽ có hại cho người bị bệnh dạ dày hoặc táo bón. Kể cả ăn ổi chín, nếu không bỏ hạt ổi thì cũng gây khó tiêu, cản trở sự tiêu hóa. Trên thực tế, có nhiều trẻ phải nhập viện cấp cứu vì bị tắc ruột do ăn nhiều ổi hoặc ăn nhiều hạt ổi.

Quả sung cũng có rất nhiều chất xơ tự nhiên nên nếu ăn nhiều loại quả này, nhất là lúc đói, các chất tanin cộng với hàm lượng chất xơ cao sẽ kết tụ dưới tác dụng của axit dạ dày khiến đầy bụng, khó tiêu. Ăn nhiều sẽ vón lại, tạo thành khối bã rắn chắc, dễ dẫn đến tắc ruột.

Ăn quá nhiều hồng xiêm cũng có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa. Khi đó, lượng chất xơ tăng lên và có thể tạo thành lớp màng ngăn chặn quá trình tiêu hóa thức ăn trong dạ dày. Ngoài ra, chất tanin có rất nhiều trong quả hồng xiêm, đặc biệt là hồng xiêm chưa chín kỹ, cũng là nguyên nhân gây khó tiêu, đầy hơi, táo bón, thậm chí tắc ruột.

Mít cũng giàu chất xơ và hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe nhưng theo các bác sĩ, mít không thích hợp với người có nhu động ruột kém, người lớn tuổi không nên ăn nhiều.    

Thanh Phong

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ tắc ruột do “rác” thức ăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.