(HNM) - Hôm qua 5-3, theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng Bắc bộ phải hoàn tất công tác cấy xuân năm 2010. Theo thống kê sơ bộ của Sở NN&PTNT, TP Hà Nội còn gần 2.600 diện tích lúa xuân chưa cấy, đặc biệt còn gần 700ha chưa đủ nước tập trung ở các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai và quận Hà Đông.
Nước chờ và... chờ nước
Nông dân huyện Quốc Oai cấy lúa xuân. Ảnh: Thái Hiền
Ngược với những cánh đồng ở huyện Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Mê Linh, Thạch Thất, Đông Anh... đã được phủ kín màu xanh của cây lúa, thì ở huyện Hoài Đức nhiều nơi vẫn trong tình cảnh "đồng không mông quạnh". Ngày 5-3, có mặt tại xã Đức Giang (Hoài Đức), chúng tôi thấy nông dân ở đây mới bắt đầu xuống đồng cấy lúa xuân. Lãnh đạo xã Đức Giang cho biết, do trước Tết trạm bơm Đan Hoài không có nước dẫn đến nông dân không lấy được nước. Cộng với tâm lý chủ quan, trong đợt xả nước 1 và 2, người dân không lấy nước đổ ải. Khi có đợt xả nước thứ 3 mới tập trung lấy nước và làm đất gieo cấy. Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện còn khoảng 2.594ha diện tích lúa xuân chưa cấy, trong đó có khoảng 690ha rất khó khăn về nước để gieo cấy hoàn thành theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT. Hầu hết diện tích này tập trung ở 4 huyện: Quốc Oai (180ha); Hoài Đức (333ha); Đan Phượng (10ha); Hà Đông (77ha). Giải thích tình trạng trên, Phó phòng NN&PTNT huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến cho rằng, kết thúc 3 đợt xả nước từ các hồ thủy điện, diện tích khó khăn về nước dù đã được đổ ải đủ nước, song do tập quán cấy muộn, người dân các địa phương để nước thoát lãng phí, bỏ lỡ thời cơ cấy đúng khung thời vụ. Ông Tuyến cũng cho hay, cấy muộn ở Hoài Đức bắt nguồn từ việc hầu hết các xã phải đợi thuê nhân công cấy từ địa phương khác, trong khi người dân ở đây cơ bản đã chuyển sang làm nghề và đi buôn bán. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức cho biết, trạm bơm dã chiến Bá Giang đã được lắp đặt để cấp nước đối với những diện tích còn thiếu nước để đẩy nhanh tiến độ cấy xuân. Ngoài ra, huyện cũng yêu cầu các xã thống kê diện tích cấy xuân gặp khó khăn về nước để có phương án chuyển sang cây trồng cạn.
Tại huyện Từ Liêm, dù vụ xuân 2010 chỉ có 600ha đất canh tác và đã được đổ ải 100% diện tích, song hiện mới cấy được khoảng 250ha (đạt 41,7% kế hoạch). Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT) Nguyễn Duy Hồng giải thích, sở dĩ Từ Liêm và nhiều địa phương khác cấy chậm là do tốc độ đô thị hóa những năm qua diễn ra nhanh nên nông dân không mặn mà với việc trồng lúa mà chuyển sang các ngành nghề khác. Cạnh đó, một phần diện tích trồng màu thu hoạch muộn đã kéo theo tiến độ gieo cấy lúa xuân chậm. Theo Chi cục Thủy lợi, mực nước trên sông Đáy và sông Hồng đang ở mức thấp (tại Hà Nội chiều 5-3 là 1,12m) dù đã có 3 đợt xả nước. Vì vậy, với diện tích đến thời điểm này vẫn chưa đủ nước, nếu các địa phương không quyết liệt lấy nước thì sẽ khó khăn cho việc phủ kín diện tích cấy xuân.
Đối mặt sâu bệnh, khô hạn
Theo nhận định của các chuyên gia nông nghiệp, khung thời vụ sản xuất lúa xuân năm nay phải đối mặt với nhiều vấn đề như thời tiết cực đoan nóng, lạnh bất thường; dịch bệnh, đặc biệt là bệnh lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoắn lá. Vì vậy, nếu không cấy lúa theo đúng khung thời vụ thì nguy cơ năng suất lúa thấp, sản lượng không đạt là điều dễ xảy ra. Vụ xuân của Hà Nội có đặc thù cấy sớm, cấy muộn so với khung thời vụ xuất phát từ tập quán canh tác, tránh lũ tiểu mãn của nông dân. Thống kê của Sở NN&PTNT cho thấy, trước Tết Nguyên đán đã có 51% diện tích lúa xuân được cấy, chủ yếu ở các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất, Sơn Tây, Phú Thọ, Quốc Oai, Mỹ Đức… Sở NN&PTNT khuyến cáo, diện tích dùng mạ gieo từ cuối tháng 12 năm 2009 đến đầu tháng 1 năm 2010 và trước tiết lập xuân, thời tiết luôn có nhiệt độ cao nên tốc độ tăng trưởng của mạ và lúa nhanh, dự tính trỗ sớm vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 sẽ không tốt cho việc kết hạt, ảnh hưởng đến năng suất. Khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cần duy trì đủ nước mặt ruộng 3-5cm, bón tăng khoảng 20 đến 30% phân bón so với bình thường và tăng số lần bón nhưng phải tùy theo điều kiện cụ thể của thời tiết. Mục tiêu là phải đưa thời gian trỗ của lúa sang đầu tháng 5-2010, sẽ thuận lợi cho lúa trỗ bông, tỷ lệ hạt chắc cao. Đối với trà lúa xuân muộn, không nên cấy mạ đã vượt quá 5 lá, vì đây là mạ quá già, các địa phương cần khuyến cáo nông dân chuyển sang canh tác cây trồng khác phù hợp. Về chăm sóc, hiệu lực phân bón sẽ bị giảm, việc kéo dài thời gian sinh trưởng là cực khó, khó hơn nhiều so với việc kéo ngắn thời gian sinh trưởng. Vì vậy, nhiều chuyên gia trồng trọt cho rằng, cần tăng lượng phân bón thêm 1 đến 1,5kg/sào và bón tăng số lần bón phân lên.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Ngọc Thạch cho biết, Sở đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra phân loại cụ thể thời điểm diện tích gieo cấy để có biện pháp kỹ thuật phù hợp. Trong đó, nước tưới là một trong những yếu tố quan trọng quyết định tới năng suất, sản lượng cây trồng. Trên thực tế cho thấy, để bảo đảm nước tưới cho sản xuất, vấn đề quan trọng nhất mà chính quyền, ngành chức năng phải quan tâm là tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, có kế hoạch trữ nước ở ao, hồ, đầm. Đặc biệt, đối với những diện tích khô hạn, khó lấy nước cần chủ động nghiên cứu, sớm có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.