(HNM) - Thế giới đang đối mặt với nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân và thảm họa hạt nhân chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Đó là cảnh báo của Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Csaba Korosi. Liên hợp quốc lo ngại, việc phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ trở thành mối đe dọa lớn đối với hòa bình và an ninh trên thế giới.
Phát biểu hôm 9-11 tại một cuộc họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc về báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) năm 2021, ông Csaba Korosi kêu gọi các quốc gia thành viên hợp tác với IAEA để bảo đảm an toàn hạt nhân. Theo Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, xung đột tại Ukraine đã làm gia tăng những lo ngại và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Một phái bộ của IAEA đang làm việc tại Zaporizhzhia, Ukraine để bảo đảm an toàn và an ninh của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở thành phố này nhằm ngăn chặn thảm họa hạt nhân.
Thực tế, dù những lời kêu gọi lẫn cảnh báo về thảm họa hạt nhân chưa bao giờ ngừng lại, nhưng xu hướng nhiều năm qua vẫn là việc các nước lớn gia tăng tích trữ. Thị trường vũ khí hạt nhân toàn cầu dự báo tiếp tục có sự tăng trưởng đáng lo ngại, ít nhất là trong thập kỷ tới. Theo dự báo của Công ty Nghiên cứu thị trường Allied Market Research, có trụ sở tại bang Oregon của Mỹ, trong 10 năm tới, thị trường tên lửa và bom hạt nhân toàn cầu sẽ vượt mức 126 tỷ USD, tức là tăng gần 73% so với thời điểm năm 2020. Sự gia tăng của các xung đột địa chính trị toàn cầu, đặc biệt là tại Đông Âu và việc tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng của các nước sẽ dẫn đến sự mở rộng thị trường vũ khí hạt nhân với tốc độ trung bình 5,4% hằng năm, từ nay đến năm 2030.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, thế giới phải đối mặt với một mối nguy hiểm hạt nhân chưa từng thấy kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Do những hậu quả nghiêm trọng mà vũ khí hạt nhân gây ra, 122 quốc gia, các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức quốc tế đã khởi động Hiệp ước Liên hợp quốc về Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) vào năm 2017. TPNW nghiêm cấm việc sử dụng, thử nghiệm, đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) được thông qua năm 1968 chỉ nhằm hạn chế việc phổ biến loại vũ khí này. 5 quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân (Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) là thành viên của NPT đã không đạt được tiến bộ nào đối với các cam kết giải trừ quân bị trong suốt 5 thập kỷ qua.
TPNW được thành lập chính là vì NPT thất bại trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Hiệp ước chính thức có hiệu lực vào năm 2021 và tổ chức cuộc họp lớn đầu tiên vào tháng 6 này, thông qua một tuyên bố chính trị mang tính bước ngoặt và kế hoạch hành động gồm 50 điểm để thực hiện hiệp ước. Bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9 vừa qua, đã có thêm 5 nước ký kết và 2 nước khác phê chuẩn hiệp ước, nâng số nước ký kết hiệp ước đến nay lên 91 nước, với 68 nước phê chuẩn. TPNW là tia sáng hy vọng trong một môi trường an ninh quốc tế ảm đạm. Đó là sự tái khẳng định rằng phần lớn các quốc gia trên thế giới tìm cách bảo đảm an ninh của họ thông qua việc loại bỏ vũ khí hạt nhân - chứ không phải sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trong thời điểm vô cùng nguy hiểm này, đã đến lúc các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới thúc đẩy việc xóa bỏ hạt nhân thông qua việc phổ cập TPNW. Cùng với đó, khi ngày càng có nhiều quốc gia chuyển sang sử dụng năng lượng hạt nhân để đáp ứng nhu cầu, nhất là khi đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng trầm trọng, trách nhiệm của IAEA là phải bảo đảm các công nghệ hạt nhân được an toàn, bảo mật và sử dụng cho mục đích hòa bình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.