Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ nổ túi sưởi gây bỏng do sử dụng sai hướng dẫn

Thuý Nga| 26/12/2011 15:09

Vừa qua, có một cháu bé ở Tuyên Quang bị bỏng, theo gia đình nói do bị vỡ túi sưởi khiến nhiều người lo ngại. Song thực tế theo phân tích của các chuyên gia và nhiều người tiêu dùng có hiểu biết thì sự việc này là do sử dụng sai hướng dẫn.

Sử dụng túi sưởi phải theo đúng hướng dẫn mới đảm bảo an toàn


Dưới đây là những cách để phòng tránh bị bỏng do túi sưởi.

Sử dụng sai dễ mang tai họa

Bà Nguyễn Thị Ngọc (Tây Hồ, Hà Nội) nguyên là cán bộ y tế cho biết: Mấy năm nay, mùa động năm nào, gia đình tôi cũng có 3 cái túi sưởi để cả nhà sử dụng giúp ủ ấm, phòng chống bệnh tật. Đặc biệt, tôi bị bệnh thấp khớp, chân tay giá lạnh nếu không có nó thì rất đau và gần như không ngủ được. Do đó, nên khi nghe nói túi sưởi bị nổ gây bỏng cho một cháu bé tôi cũng giật mình, lo sợ vào mạng tìm đọc. Là người có chuyên môn nên tôi chưa rõ, khi túi nổ nước bắn ra thì các bộ phận đầu tiên bị bỏng phải là mặt và người đứa trẻ, còn nếu bịch vỡ và nước chảy gây bỏng thì sao lại có thể bỏng nặng vậy được. Bởi khi cắm đến lúc thiết bị tự ngắt điện nhiệt độ cao nhất cũng mới 70 độ C, theo hướng dẫn của nhà sản xuất, khoảng cách an toàn khi cắm điện là cách xa người tối thiểu 2m thì nếu nước chảy rồi thấm thì độ nóng chắc khó có thể gây bỏng như vậy? Vì vậy, tôi rất phân vân không rõ thực hư thế nào. Gia đình tôi vẫn sử dụng theo đúng hướng dẫn”.

Anh Nguyễn Quang Hòa, chuyên gia về điện chia sẻ, bất kể các sản phẩm nào dùng điện đều có thể dẫn tới “sự cố” nếu không cẩn thận và tuân thủ đúng hướng dẫn. Tôi mua túi sưởi không chỉ sử dụng trong gia đình, biếu bố mẹ hai bên mà cả các cụ già họ hàng. Với ai, khi biếu ngoài việc bảo làm theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, bao giờ tôi cũng hướng dẫn tỷ mỷ cách kiểm tra, cắm và rút dây điện. Khi cắm điện nếu thấy túi có độ nóng cần thiết để sử dụng là ngắt điện, không nên để đến khi nguồn ngắt vì đề phòng trẻ nhỏ da mỏng không chịu được nóng quá, hơn nữa, cách đó cũng giúp sản phẩm lâu hỏng hơn.

KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự phân tích, cấu tạo của túi sưởi gồm có cực điện làm nóng trong môi trường nước muối loãng, có rơle khống chế nhiệt ở khoảng 60-70 độ tuỳ loại sản phẩm. Khi thiết kế, thường có bộ phận an toàn cách điện và không cách nhiệt (đó là các lớp vải nhựa giữ nước bên trong) giúp nhiệt tỏa ra sưởi ấm. Túi sưởi cũng như bất kỳ loại đồ điện nào đều có thể gây ra họa lớn cho người sử dụng nếu thiếu hiểu biết của người sử dụng về nó… Trong quá trình sử dụng, không ít người vừa cắm điện vừa ôm, hoặc ôm lên người rồi rút điện nếu chẳng may túi dùng lâu bị hở, bục, rách dễ gây chập. Hơn nữa, nổ cũng có thể do rơ le nhiệt trục trặc không ngắt, làm túi sưởi đạt độ sôi lâu cũng có thể bị vỡ. Cũng có trường hợp nổ rách túi bên ngoài do cắm lâu quá, nước giãn nở, đầy bọt khí… trong khi túi không thể giãn nở to hơn dẫn tới bục… Vì vậy, để đảm bảo an toàn, theo KS Bạo, đối với bất kỳ sản phẩm điện nào, cần tuân thủ hướng dẫn nhà sản xuất. Ngoài ra, một nguyên tắc bất di bất dịch khác đảm bảo an toàn trong khi sử dụng túi sưởi là tuyệt đối không sử dụng túi khi đang cắm điện. Khi cắm điện không được ngồi gần, không được để bất cứ thứ gì để nên (kể cả khi đã rút ra). Cần kiểm tra túi trước khi cắm xem có rách mép hay rò rỉ nước hay không. Không nên cắm điện quá lâu, nếu thấy túi phồng hơn bình thường cần phải ngắt điện ngay.

Nếu dùng đúng theo hướng dẫn sử dụng không có chuyện bị bỏng

Trả lời về việc túi sưởi bị bỏng gây nổ cho cháu bé ở Tuyên Quang, bà Trịnh Thị Thanh huyền, Phó Giám đốc Cty Cổ phần Bagico cho biết, thực tế cháu bé có thực sự bị bỏng do túi sưởi hay không thì chưa có cơ sở để chứng minh. Bởi gia đình nói là do túi sưởi nhưng lại không đưa ra bất cứ chứng cứ gì, kể cả hiện trường cũng như biên bản, chỉ duy nhất là vỏ hộp của sản phẩm. Hơn nữa, trong cách giải thích của gia đình rất mâu thuẫn. Lúc đầu mẹ cháu nói, cháu rét nên mẹ cháu kéo bàn học gần sát giường đệm, túi sưởi cắm trên bàn học được 3 phút gây nổ và chảy nước xuống đệm gây bỏng cháu.

Khi được giải thích gia đình đã làm sai theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất là “khi cắm điện khoảng cách an toàn là để cách xa người tối thiểu 2 m” mới gây bỏng thì gia đình lại nói, cháu ngồi cách xa đó 3m. Nếu ngồi xa nước bắn thì sẽ gây bỏng ở mặt và thân người chứ không phải ở khe mông. Hơn nữa, điện mới cắm 3 phút (kể cả khi độ nóng tối đa của nhà sản xuất, rơle đã ngắn điện) thì nước chảy cách xa 3m cũng khó còn khả năng gây bỏng nặng. Vì vậy, theo tôi có khả năng cháu bé đã ôm túi trong khi đang cắm điện hoặc ngồi lên túi… nên mới dẫn tới sự cố trên.

Bà Huyền khuyến cáo, bất kỳ một sản phẩm nào dù giá cao đến đâu cũng không ai đảm bảo hoàn hảo được. Trách nhiệm của nhà sản xuất hay phân phối phải đưa thông tin đầy đủ kể cả những khuyến cáo đến người tiêu dùng. Tuy nhiên trách nhiệm của người tiêu dùng cũng phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra và cả nhưng hệ lụy cho xã hội. Trước đây in tờ hướng dẫn sử dụng riêng và bỏ vào hộp, nhưng sợ người dùng có thể bỏ rơi hay vứt đi. Công ty đã cải tiến bằng cách in trực tiếp lên vỏ hộp để người dùng còn mãi sử dụng. Vì vậy, để đảm bảo an toàn nên tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn sử dụng sản phẩm trước khi dùng.

Cách sử dụng túi sưới an toàn

Để sản phẩm sử dụng được bền lâu, trước khi cắm điện bạn nên để túi vào nơi bằng phẳng, chỗ cắm điện trên mặt túi hướng lên trên, cắm dây vào chỗ cắm điện trên túi trước rồi mới cắm vào ổ điện sau. Bạn nên lót một chiếc khăn hay miếng vải bên dưới túi để cách nhiệt. Khi cắm điện, đèn báo trên phích cắm báo sáng, nạp đủ nhiệt đèn sẽ tắt. Cũng có thể không cần chờ đèn tắt dùng tay ước lượng độ nóng theo ý muốn. Trong quá trình cắm điện thỉnh thoảng dùng tay lắc nhẹ cho dung dịch trong túi nóng đều và độ nóng cao hơn. Khi dung dịch trong túi chuyển động có tiếng kêu tộp, tộp, là bình thường.

Khi cắm điện không được để chỗ cắm điện quay xuống dưới, không sờ tay vào ổ cắm điện, không để gần trẻ em, không sử dụng khi đang cắm điện. Khoảng cách an toàn khi cắm điện là để cách xa người tối thiểu 2m. Khi đủ độ nóng cần thiết hoặc khi đèn tín hiệu báo nóng tắt, rút dây điện ra khỏi ổ cắm trước rồi mới rút phích cắm ở túi ra. Khi rút giữ chặt phần ổ điện trên túi, tránh làm đứt dây nối với nguồn điện.

Không dùng vật sắc nhọn vạch lên túi, không được để vật nặng đè lên túi, không ngồi lên túi. Tránh gây bục túi dẫn đến bị rò dung dịch, rò điện. Nếu túi đã bị rò rỉ tuyệt đối không được sử dụng. Không đổ dung dịch trong túi ra ngoài, không dùng bất cứ dung dịch nào thay thế dung dịch chuyên dùng của túi để tránh xảy ra sự cố nguy hiểm.

Nếu trên bề mặt túi bẩn có thể dùng giẻ tẩm dung dịch tẩy nhẹ để lau sạch, không dùng chất tẩy mạnh tránh hư hại sản phẩm. Khi đang cắm điện không được lau, rửa hoặc ngâm túi trong nước. Nếu túi bị ướt nhất định phải lau khô mới được cắm điện sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ nổ túi sưởi gây bỏng do sử dụng sai hướng dẫn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.