Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ mới trên bán đảo Triều Tiên

Đình Hiệp| 22/01/2013 06:59

(HNM) - Cuối tuần qua Ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận quan trọng mở đường cho Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nới rộng lệnh trừng phạt với Triều Tiên.

Dù nội dung nghị quyết chưa được công bố và chưa rõ lệnh trừng phạt sẽ được nới rộng như thế nào, nhưng việc Mỹ và Trung Quốc đạt được đồng thuận là một hiếm hoi trên nguyên tắc không chỉ giúp Washington có được nghị quyết chính thức để mở rộng các biện pháp trừng phạt sẵn có, mà còn giúp Bắc Kinh bảo vệ được Bình Nhưỡng khỏi những đòn trừng phạt mạnh nhất. Trong bối cảnh Seoul không ngừng hối thúc LHQ đẩy nhanh các biện pháp trừng phạt mới với Bình Nhưỡng, cả Bắc Kinh và Washington đều muốn nghị quyết này được thông qua trước khi Hàn Quốc giữ chức Chủ tịch luân phiên HĐBA vào tháng 2 tới. Theo lệnh trừng phạt hiện nay với Triều Tiên do HĐBA LHQ thông qua trong Nghị quyết 1874 (năm 2009), Bình Nhưỡng bị cấm phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo; đồng thời phải thi hành lệnh trừng phạt kinh tế và thương mại.

Triều Tiên có thể bị HĐBA LHQ nới rộng lệnh trừng phạt sau vụ phóng tên lửa ngày 12-12-2012.


Bất chấp Triều Tiên luôn khẳng định các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này chỉ phục vụ mục đích nghiên cứu và dân sự, nhưng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục lên án Bình Nhưỡng đang đeo đuổi tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân thông qua các vụ phóng thử. Sự đồng thuận mới giữa Bắc Kinh và Washington gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Bình Nhưỡng rằng vụ việc đã được xử lý ở cấp cao nhất khi không chỉ Mỹ mà cả Trung Quốc - quốc gia luôn phản đối việc thắt chặt lệnh trừng phạt Triều Tiên - đều quan ngại đây là một động thái "đổ thêm dầu vào lửa".

Trước sức ép đòi gia tăng các biện pháp trừng phạt mới ngày một lớn từ phía Mỹ cũng như đồng minh, mới đây Triều Tiên đã gửi một bức thư tới LHQ cảnh báo rằng, chính sách tăng cường trọng tâm quân sự và ngoại giao của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chỉ làm gia tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Bộ Ngoại giao Triều Tiên lên tiếng khẳng định, việc Mỹ muốn thiết lập một khối quân sự theo kiểu NATO ở Châu Á sẽ chỉ dẫn đến "sự tái sinh của cuộc chiến tranh lạnh và gia tăng sự nguy hiểm của một cuộc chiến hạt nhân đến mức không thể định lượng được".

Vụ phóng tên lửa đẩy vệ tinh của Triều Tiên tháng 12 năm ngoái là bằng chứng cho thấy khả năng tên lửa đạn đạo của nước này đã đạt bước tiến triển mới. Điều này khiến chương trình hạt nhân của Triều Tiên thêm đáng ngại và trở thành mối đe dọa trực tiếp không chỉ với Mỹ mà còn là thách thức an ninh trong khu vực. Không dừng lại ở đó, các tin tức từ Mỹ cũng như Nhật Bản 48 giờ qua cho thấy, Triều Tiên đang di chuyển các bệ phóng tên lửa di động khắp đất nước, một vài trong số đó chở thế hệ tên lửa mới có hỏa lực mạnh. Phát hiện này của tình báo Mỹ đã buộc Nhà Trắng phải đánh giá lại năng lực tên lửa của Bình Nhưỡng có đang được cải thiện hay không.

Đến nay chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên vẫn là một ẩn số; song, theo các nhà khoa học thì kho plutoni hiện có của quốc gia Đông Bắc Á được ước tính là đủ để sản xuất 6-8 quả bom nguyên tử. Tuy nhiên, việc di chuyển loại tên lửa di động mới mang tên KN-08 - chưa từng được phóng thử nghiệm vòng quanh đất nước tới các điểm phát triển tiềm năng được cho là nhằm thu hút sự chú ý của Washington. Động thái này củng cố thêm cho nhận định rằng, nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên Kim Jong Un có thể sẽ lựa chọn việc tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo thay vì tiến hành một vụ thử hạt nhân trong tương lai gần.

Ngày 25-2 tới nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc Park Geun Hye sẽ chính thức nhậm chức cùng một lời cam kết về "xây dựng lòng tin" và hàn gắn mối quan hệ sứt mẻ với người láng giềng Triều Tiên. Đây là nỗ lực lớn của nhà lãnh đạo nữ đầu tiên ở xứ Kim chi, nhưng những gì đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên khiến giới phân tích khá thận trọng trước triển vọng quan hệ liên Triều trong năm mới 2013.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ mới trên bán đảo Triều Tiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.