Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ dịch bệnh "nội công, ngoại kích"

Thu Trang| 07/06/2015 05:45

(HNM) - Thời điểm này, ngành y tế đang



Nỗi lo lây nhiễm chéo

Về tình hình dịch bệnh hiện nay, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh nhận định: Diễn biến tình hình dịch bệnh từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố ổn định, tuy nhiên, với thời tiết nắng nóng bất thường như những ngày qua, dịch bệnh có nguy cơ diễn biến phức tạp, nhất là dịch SXH. Do đó, nếu công tác phòng chống dịch bệnh không tốt sẽ khiến nhiều loại dịch bệnh bùng phát, khó kiểm soát.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm nay, trên địa bàn ghi nhận 90 ca mắc ho gà, trong đó có 1 trường hợp tử vong, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ có 2 ca mắc và không có trường hợp tử vong. Tương tự, bệnh tay chân miệng có 584 ca mắc (tăng 411 ca so với cùng kỳ). Riêng số ca mắc SXH bắt đầu ghi nhận sự gia tăng từ đầu tháng 5. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 102 ca mắc SXH (tăng 62 ca so với cùng kỳ). Bệnh nhân xuất hiện tại 19/30 (chiếm 63%) quận, huyện, thị xã và 59/584 (chiếm 10%) xã, phường. Đáng lưu ý, trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện một số ổ dịch SXH nhỏ (từ 2-3 người mắc), nhiều nhất là ở phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng) - có 9 người mắc.

Trong khi dịch bệnh ở các tỉnh phía Bắc vẫn đang trong tầm kiểm soát thì tình hình dịch bệnh ở phía Nam có nhiều diễn biến phức tạp. Hiện bệnh SXH đã vào mùa với số mắc chiếm 89% cả nước, đặc biệt là trong số gần 10.000 trường hợp mắc đã có 10 trường hợp tử vong. Khu vực này cũng là nơi ghi nhận ca mắc và tử vong do tay chân miệng cao nhất cả nước. Cụ thể, số mắc tay chân miệng tại phía Nam là gần 11 nghìn trường hợp, trong đó có 2 trường hợp tử vong (chiếm 66% cả nước).

Cùng lúc đối diện với nguy cơ có nhiều dịch bệnh diễn biến khó lường, chúng ta còn phải lo đối phó với nguy cơ xâm nhập của dịch MERS-CoV vốn đang lây lan mạnh tại Hàn Quốc. Trong tuần, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống MERS-CoV tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy và BV Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh. Đây là những BV đã có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm và cũng là BV đầu ngành, được giao nhiệm vụ chỉ đạo công tác chuyên môn cũng như hỗ trợ phòng chống dịch cho tuyến phía Nam. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, BV Chợ Rẫy đang trong thời kỳ cao điểm của dịch bệnh, lượng bệnh nhân của BV này đang ở mức quá tải, khoảng 2.700 ca mỗi ngày. Do đó, nếu có ca bệnh MERS-CoV xuất hiện thì việc kiểm soát lây nhiễm chéo rất khó khăn. Thêm vào đó, hiện BV Chợ Rẫy có 110 máy thở nhưng đã sử dụng hết công suất...

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý các BV cần tổ chức thật tốt công tác cách ly bệnh nhân ngay khi nghi ngờ ca mắc MERS-CoV. Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong điều trị loại bệnh này, do đó các cơ sở y tế cần phải thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin với bạn bè quốc tế về kinh nghiệm chuyên môn.

Hợp sức phòng chống dịch bệnh

Tính tới thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm MERS-CoV, nhưng tình hình dịch bệnh đang hết sức phức tạp. Tại Hàn Quốc đã xuất hiện trường hợp lây nhiễm thế hệ thứ 3, thứ 4. Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo, tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh MERS-CoV tại Hàn Quốc còn nhanh hơn cả tại Trung Đông. Điều đó khiến các nhà khoa học bất ngờ và cho thấy việc lây nhiễm bệnh này giữa người với người diễn ra tương đối dễ dàng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, công tác phòng, chống MERS-CoV phức tạp hơn so với việc phòng dịch Ebola trước đó, bởi Ebola xuất phát từ Tây Phi, sự giao lưu của Việt Nam với các nước này tương đối ít. Nhưng với dịch xuất phát từ các nước Trung Đông, đặc biệt là tại Hàn Quốc (một quốc gia đang có dịch) thì hoàn toàn khác. Hơn thế nữa, bệnh MERS-CoV có thời gian ủ bệnh rất lâu (14 ngày), dấu hiệu ban đầu giống như những bệnh cảm cúm thông thường khác nên khó phát hiện sớm. Do đó, những người về từ vùng dịch cần thực hiện nghiêm túc việc điền tờ khai y tế tại sân bay, tự giác cách ly tại gia đình, theo dõi sức khỏe, chỉ cần bị sốt là phải liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được cách ly.

Tại lễ mít tinh hưởng ứng "Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết (SXH)" diễn ra sáng 6-6, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khăc Hiền cho biết: SXH được xem là một trong những căn bệnh truyền nhiễm có khả năng bùng phát nhanh nhất trên thế giới và hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cho đến thời điểm hiên tại, cách phòng bệnh chủ yếu vẫn là phun hóa chất diệt muỗi và diệt bọ gậy. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên phạm vi toàn cầu, ước tính có 50-100 triệu người nhiễm và 24.000 ca tử vong mỗi năm do SXH. Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là trọng điểm dịch SXH. Do đó, việc các nước ASEAN lấy ngày 15-6 hằng năm là "Ngày ASEAN phòng chống SXH" thể hiện quyết tâm của các nước trong hợp tác phòng chống dịch bệnh này.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ dịch bệnh "nội công, ngoại kích"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.