(HNM) - Thực tế cho thấy, nguy cơ cháy và khó khăn khi chữa cháy tại chung cư mi ni đang tiềm ẩn nhiều vấn đề khó lường…
Cư dân tại các chung cư mi ni phải chấp hành đúng quy định về PCCC để tránh những nguy cơ có thể xảy ra. |
"Lỗ hổng" trong quản lý
Với từ khóa "Chung cư mi ni quận Đống Đa", tìm kiếm trên mạng bằng công cụ Google đã cho tới 629.000 kết quả chỉ sau vài giây. Tại quận Cầu Giấy thậm chí có tới 1.110.000 kết quả về các quảng cáo bán và cho thuê chung cư mi ni. Trong khi thực tế tại quận Đống Đa, năm 2016, quận không nhận được bất kỳ một hồ sơ cấp phép xây dựng chung cư mi ni nào trên địa bàn. Thực tế, chung cư mi ni thường được chủ đầu tư là tư nhân xin cấp phép xây dựng như một căn nhà cao tầng thông thường. Sau khi công trình hoàn thiện và đưa vào sử dụng, chủ đầu tư chia lẻ căn nhà để bán và cho thuê theo thỏa thuận, cơ quan quản lý nhà nước thì rất khó có lý do để can thiệp sâu do tình trạng "mập mờ" này...
Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có 1.075 công trình nhà cao tầng và siêu cao tầng. Song, chưa có số liệu thống kê riêng đối với những tòa nhà được gọi là “chung cư mi ni”. Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực từ ngày 15-9-2014, quy định rõ 20 loại công trình, dự án trước khi bàn giao phải được cơ quan Cảnh sát PC&CC kiểm tra, thẩm duyệt thiết kế về hệ thống PCCC. Các chung cư từ 5 tầng trở lên cũng phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC, bao gồm cả các dự án chung cư mi ni. Nhưng thực tế, khi xây dựng chung cư mi ni, các chủ đầu tư không xin cấp phép theo diện chung cư, tạo “lỗ hổng” trong quản lý nhà nước.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho biết, về nguyên tắc, các quy định về thực hiện PCCC tại các khu chung cư hoàn toàn giống nhau, không phân biệt chung cư thông thường hay chung cư mi ni. Dù quy mô nhỏ, số lượng hộ dân ít nhưng chung cư mi ni vẫn phải bảo đảm các yêu cầu về PCCC. Tuy nhiên, chung cư mi ni ngay từ ban đầu đã không đăng ký xây dựng là chung cư, không ít chủ đầu tư còn cắt bớt nhiều hạng mục, trong đó có cả các hạng mục phục vụ PCCC để các căn hộ có mức giá rẻ hơn, tăng tính cạnh tranh. Đến một chung cư mi ni ở phường Khương Thượng (quận Đống Đa) có thể thấy ở chung cư 8 tầng này, mỗi tầng có 6 căn hộ nhưng nếu có cháy xảy ra thì xe chữa cháy không thể tiếp cận đến chân công trình. Cư dân sống tại một căn hộ chia sẻ, tòa chung cư này cũng có một tủ chữa cháy nhưng bên trong thiếu thiết bị chữa cháy, bình cứu hỏa thì cũng chẳng biết chất lượng đến đâu…
Chung cư từ 5 tầng trở lên phải có hệ thống phòng cháy, chữa cháy và phương tiện đạt chuẩn. |
Sớm rà soát, khắc phục bất cập
Thời gian gần đây, số vụ cháy gia tăng và xảy ra nhiều nhất tại các khu dân cư ở các quận nội thành và các cơ sở sản xuất, kinh doanh... Đối với công trình nhà cao tầng, tuy số vụ cháy xảy ra không nhiều nhưng khi đã xảy ra thường gây thiệt hại nghiêm trọng về người, thiệt hại lớn về tài sản. Năm 2017, công tác PCCC tại các công trình nhà cao tầng, trong đó có các khu tập thể, chung cư mi ni được xác định là mối quan tâm, chú trọng hàng đầu của lực lượng Cảnh sát PC&CC thành phố.
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC đánh giá, nếu để xảy ra cháy nổ tại các công trình nhà cao tầng, với điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện hiện nay thì sẽ rất khó khăn trong tổ chức chữa cháy, thoát nạn, cứu người, cứu tài sản và thiệt hại về người, tài sản sẽ rất khó lường. Bên cạnh đó, Hà Nội có nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ, mật độ dân cư đông, cơ sở về hạ tầng giao thông, nguồn nước chưa đáp ứng yêu cầu chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Chung cư mi ni, do tận dụng tối đa diện tích xây dựng nên hầu hết không thiết kế những hạng mục phục vụ PCCC như buồng thang bộ kín, hệ thống tăng áp buồng thang, hút khói hành lang, hệ thống chữa cháy tự động và không có các giải pháp ngăn cháy lan…
Từ thực tế công tác tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, theo lãnh đạo Cảnh sát PC&CC thành phố, cần phải thực hiện tốt công tác PCCC ngay từ khâu thiết kế, thi công công trình. Nghĩa là, với công trình cao tầng được cấp phép xây dựng với mục đích kinh doanh lưu trú hoặc bán làm nhà ở thì phải được cơ quan PC&CC thẩm định. Khi công trình đưa vào hoạt động thì chủ đầu tư, cư dân sinh sống phải chấp hành đúng các quy định về PCCC. Tuy nhiên, trước “sự đã rồi” của rất nhiều chung cư mi ni hiện nay, cần phải có một đợt tổng rà soát, khắc phục triệt để những bất cập trong PCCC mới ngăn được những hiểm họa khó lường tiềm ẩn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.