(HNM) - Trường học là môi trường cần bảo đảm nghiêm ngặt về vấn đề phòng cháy, chữa cháy bởi nơi đây luôn có sự tập trung của hàng ngàn con người, chưa kể các hồ sơ, tài liệu quan trọng khác. Tuy nhiên, nguy cơ cháy nổ vẫn đang rình rập bởi nhiều vi phạm vẫn hiển hiện mỗi ngày...
Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm này, toàn thành phố còn 169 cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy nhưng đã đưa vào sử dụng. Ngoài ra trên địa bàn thành phố còn 145 cơ sở, 22 khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao...
Đặc biệt, qua kiểm tra, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã phát hiện nhiều đơn vị trường học, từ cấp mầm non đến đại học vi phạm trong phòng cháy, chữa cháy.
Đơn cử, tại Trung tâm Đào tào việc làm và dạy nghề cho người tàn tật TP Hồ Chí Minh (125 Võ Thị Sáu, phường 7, quận 3) không thiết kế hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, còn hàng loạt trường mầm non chưa được nghiệm thu công trình phòng cháy, chữa cháy nhưng đã hoạt động như: Trường Mầm non Sơn Ca 5 và Trường Mầm non Hoa Hồng cùng ở quận 12...
Trong 9 tháng năm 2017, trên địa bàn thành phố xảy ra 775 vụ cháy, thiêu rụi khoảng 36.066m2 diện tích nhà xưởng - doanh nghiệp, nhà dân; làm chết 10 người, bị thương 27 người; thiệt hại tài sản khoảng 59,70 tỷ đồng. |
Ngoài ra, không ít trường đại học, cao đẳng khác cũng vi phạm nghiêm trọng về phòng cháy, chữa cháy như: Trường Cao đẳng Y tế Hồng Đức (số 5 Quang Trung, phường 11, quận Gò Vấp); Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh (12 Nguyễn Văn Bảo, phường 4, quận Gò Vấp); Trường Trung cấp Tổng hợp TP Hồ Chí Minh... chưa thẩm duyệt, không tổ chức nghiệm thu công trình phòng cháy, chữa cháy. Khi có nguy cơ cháy nổ sẽ dẫn tới cháy lan, cháy lớn, hậu quả rất khó lường.
Trước thực trạng trên, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho hay, ngành Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch số 3640/KH-GDĐT-CTTT về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong toàn ngành. Theo đó, sẽ tổ chức kiểm tra các cơ quan, đơn vị (đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo), các phòng chức năng, phòng học… trong nhà trường nhằm phát hiện kịp thời các cơ sở thiếu sót và có biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
Ngoài ra, Sở yêu cầu các trường chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở trong phạm vi quản lý, trong đó tập trung giả định và xử lý tình huống có nguy cơ cháy nổ cao, phức tạp. Đặc biệt, các cơ sở nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng, lãnh đạo các cơ sở phải chịu trách nhiệm trước Sở Giáo dục và Đào tạo.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố tiếp tục tuyên truyền bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn biện pháp khắc phục các thiếu sót, tồn tại về phòng cháy, chữa cháy. Đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu nhưng đã đưa vào hoạt động, ngành chức năng sẽ kiên quyết xử lý nếu chủ cơ sở không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không đúng thời hạn các nội dung đã kiến nghị và cam kết theo quy định. Định kỳ hằng tháng, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh sẽ cập nhật danh sách trên chuyên mục “Điểm nóng phòng cháy, chữa cháy”, như: Bổ sung các cơ sở vi phạm, điều chỉnh thông tin đối với các cơ sở đã khắc phục…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.