Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ chậm tiến độ do thiếu vốn

Gia Bảo| 29/05/2017 07:15

(HNM) - Các đơn vị liên quan đang đẩy nhanh tiến độ thi công dự án xây dựng tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), trong đó có việc đưa vào sử dụng máy đào TBM để thi công đường hầm.

Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) trước nguy cơ chậm tiến độ do thiếu vốn.


Robot khoan ngầm đã vận hành

Máy đào TBM vừa được đưa vào sử dụng để thi công đường hầm dài 781m, kết nối Ga Nhà hát thành phố và Ga Ba Son (thuộc gói thầu 1b) tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Theo ông Dương Hữu Hòa, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng tuyến Metro số 1, việc vận hành máy đào TBM có gắn Robot khoan ngầm là công nghệ tiên tiến, lần đầu được áp dụng tại Việt Nam. Máy đào TBM là máy khoan nằm ngang, được sản xuất tại Nhật Bản, dài 70m, nặng 300 tấn và đường kính gần 6,8m.

Theo kế hoạch, máy đào TBM sẽ khoan đào tuyến hầm phía Đông từ Ga Ba Son đến Ga Nhà hát thành phố và dự kiến hoàn thành trong tháng 12-2017. Sau đó, nhà thầu sẽ tháo dỡ và vận chuyển máy đào về lại Ga Ba Son để tiếp tục khoan hầm phía Tây đến Ga Nhà hát thành phố trong tháng 6-2018. Máy đào TBM có khả năng đào 12m mỗi ngày. Khi máy đào được từng đoạn khoảng 1,2m thì vỏ hầm là các tấm bê tông cốt thép sẽ được lắp đặt để tránh gây sạt lở lớp đất phía trên. Dự kiến, máy đào TBM sẽ hoàn thành thi công đoạn ngầm trong vòng 1 năm.

Theo các chuyên gia máy đào TBM sử dụng phương pháp cân bằng áp lực đất nên giảm nguy cơ sụt lún cho khu vực thi công, phù hợp với nền đất yếu như TP Hồ Chí Minh. Về vấn đề bảo đảm an toàn cho các công trình nhà dân khi thi công, nhà thầu lắp đặt các điểm quan trắc về sụt lún, khi có sự cố sẽ khắc phục kịp thời.

Về tiến độ tuyến Metro số 1, ông Hòa cho biết, gói thầu 1a (đoạn đi ngầm từ Ga Bến Thành đến Ga Nhà hát thành phố) khối lượng thực hiện đạt 5%. Dự kiến gói thầu sẽ thực hiện trong 48 tháng, hoàn thành cuối năm 2020; gói thầu 1b (đoạn đi ngầm từ Ga Nhà hát thành phố đến Ga Ba Son) khối lượng đạt 45%; gói thầu số 2 (đoạn đi trên cao từ Ba Son đến Suối Tiên) khối lượng đạt 67%; gói thầu số 3 (mua sắm đầu máy, toa xe, đường ray) thực hiện được 12%. Dự kiến tháng 8-2017, nhà thầu sẽ lắp đường ray đoạn trên cao. Tháng 6-2018 sẽ vận chuyển đoàn tàu đầu tiên về Việt Nam.

Về phương án kéo dài tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đến tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, hiện tư vấn của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã thực hiện và hoàn tất vào tháng 2-2017. Theo đề xuất của tư vấn, từ Ga Suối Tiên sẽ kéo dài về phía Bắc khoảng 2km để xây dựng nhà ga nút giao, sau đó, tách thành 2 nhánh đi về tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.



Kiến nghị cấp tiếp vốn để bảo đảm tiến độ


Robot hiện đại, một trong những hạng mục quan trọng đã vận hành để bảo đảm tiến độ thi công nêu trên. Tuy nhiên các đơn vị chức năng đang "toát mồ hôi" do thiếu vốn. Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, nguồn vốn cho tuyến Metro số 1 gồm 2 phần: Vốn vay ODA (Nhật Bản) và vốn đối ứng của TP Hồ Chí Minh. Về phần vốn đối ứng của thành phố luôn sẵn sàng đáp ứng, nhưng việc phân bổ nguồn vốn ODA từ trung ương hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Quang, nhu cầu vốn cho tuyến Metro số 1 năm 2017 hơn 5.400 tỷ đồng, trong khi vốn trung ương bố trí về mới đạt 2.100 tỷ đồng. Với khoản này, chỉ đủ trả nợ cho nhà thầu và tiền tạm ứng của thành phố trước đó. Thời gian tới, nếu việc chậm cấp vốn lặp lại, nhà thầu sẽ giãn tiến độ và ngưng thi công, dẫn đến nguy cơ chậm hoàn thành dự án vào năm 2020. Về lâu dài, nếu thanh toán chậm, TP Hồ Chí Minh sẽ phải trả lãi và bồi thường thiệt hại theo hợp đồng cam kết với khoản tiền khá lớn. Để tránh những rủi ro trên, Ban Quản lý đường sắt đô thị và chính quyền TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ cấp tiếp vốn để thực hiện dự án.

Tương tự, các dự án xây dựng tuyến Metro khác cũng chậm tiến độ từ nhiều năm nay. Trong đó, tuyến Metro số 2, giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương), dài hơn 11km được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) tài trợ, dự kiến hoàn thành năm 2024. Thế nhưng, đến nay chỉ mới trình hồ sơ dự án điều chỉnh và đang chờ Chính phủ xem xét.

Đối với tuyến Metro số 5 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) dài gần 9km cũng được ADB, KfW, EIB và Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ với gần 1,6 tỷ EUR, dự kiến hoàn thành năm 2024, nhưng thời điểm này cũng mới đang mời thầu. Đối với các dự án khác như: Tuyến 3a (Bến Thành - Tân Kiên); tuyến nhánh Sân bay Tân Sơn Nhất (4b-1); tuyến số 5, giai đoạn 2 (Bến xe Cần Giuộc mới - ngã tư Bảy Hiền)… cũng mới đang trong quá trình xem xét hồ sơ dự án.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ chậm tiến độ do thiếu vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.