(HNM) - Trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào ĐH, CĐ, nếu như phần lớn thí sinh khá thư thả vì đã có kinh nghiệm của đợt xét tuyển trước đó và vẫn còn nhiều chỉ tiêu để đăng ký, thì các trường tập trung cho đợt xét tuyển này lại khá sốt ruột bởi lượng thí sinh đã vãn hẳn khiến cho sự cạnh tranh giữa các trường trở nên gay gắt hơn.
Các trường nhóm giữa còn nhiều chỉ tiêu
Năm nay, ngay khi đợt tuyển bổ sung vừa bắt đầu, Bộ GD-ĐT đã nhanh chóng công bố, cập nhật số liệu về chỉ tiêu từ các trường, trong đó có nhiều trường công lập. Số liệu cho thấy, ĐH Mỏ địa chất còn 1.453 chỉ tiêu ĐH; trong tổng số 3.850 và còn 566 chỉ tiêu hệ CĐ. Trường ĐH Lâm nghiệp còn tới 2.804/3.400 chỉ tiêu ĐH, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên còn 844/2.500 chỉ tiêu ĐH và 618 chỉ tiêu CĐ; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định còn 848/1.000 chỉ tiêu ĐH, 449 chỉ tiêu CĐ; Học viện Quản lý giáo dục cũng còn 344/720 chỉ tiêu… Các trường nói trên hầu hết đều tuyển từ điểm sàn - 15 điểm. Có trường tư thục như ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, mặc dù đợt 1 đã tuyển được hàng nghìn thí sinh nhưng vẫn còn thiếu 3.850 chỉ tiêu ĐH và 416 chỉ tiêu CĐ...
Tư vấn tuyển sinh tại Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông. Ảnh: Bá Hoạt |
Phân tích số liệu, có thể thấy thí sinh còn không ít cơ hội trúng tuyển ở đợt xét tuyển này, nhất là khi các em còn được đăng ký cùng lúc 12 nguyện vọng vào 3 trường. Quy định đó, theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT là nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các thí sinh, khắc phục tình trạng thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt ĐH như mọi năm. Trong đợt xét tuyển bổ sung, Bộ cũng quy định các trường phải liên tục cập nhật thông tin về số lượng thí sinh đăng ký vào trường mình theo thứ tự điểm số từ cao xuống thấp. Nhưng, khác với đợt 1, thí sinh sẽ không được rút hồ sơ xét tuyển từ trường này để đăng ký sang trường khác. Các chuyên gia cũng lưu ý, bên cạnh việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung, các thí sinh còn có cơ hội trúng tuyển ĐH theo hình thức xét tuyển dựa trên điểm học tập bậc THPT. Theo thống kê, có hơn 200 trường có thêm phương án xét tuyển này.
Tới thời điểm này, ĐH Quốc gia Hà Nội thông báo còn gần 2.000 chỉ tiêu cho đợt xét tuyển thứ hai, chiếm khoảng 30% tổng số chỉ tiêu tuyển sinh cả năm. Các trường ĐH thành viên và khoa trực thuộc của ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức nhận hồ sơ xét tuyển đến ngày 4-9. Trong đợt xét tuyển lần 2 này, các thí sinh dự thi đợt 1 vẫn được tham gia xét tuyển nếu chưa trúng tuyển trong đợt 1, tuy nhiên, thí sinh cần phải đạt ngưỡng điểm ứng tuyển theo quy định cho từng ngành đào tạo. Trường ĐH Khoa học tự nhiên có ngưỡng ứng tuyển từ 75 đến 103 điểm tùy theo ngành. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn có ngưỡng xét tuyển từ 75 đến 90. Trường ĐH Kinh tế còn tới hơn 100 chỉ tiêu, xét tuyển từ 99 đến 102 điểm. Khoa y - dược còn 30 chỉ tiêu với điểm xét từ 105.
Vừa lo thiếu, vừa lo "ảo"
Những ngày đầu của đợt xét tuyển thứ hai ghi nhận số thí sinh tới đăng ký vẫn còn khá thưa thớt mà một trong các lý do quan trọng là nhiều thí sinh đã chọn được trường trong đợt xét tuyển thứ nhất. Thống kê của Bộ cho thấy, có hơn 40 trường báo cáo đã tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt 1. Trong số đã "hòm hòm" việc tuyển có nhiều trường thu hút lượng thí sinh rất lớn như ĐH Công nghiệp Hà Nội tuyển hơn 10 nghìn hồ sơ trong khi chỉ tiêu là 9.600 cả hai hệ ĐH và CĐ. ĐH Cần Thơ đã tuyển được 9.364 trên tổng chỉ tiêu là 9.000. Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh tuyển được 8.389 trên tổng chỉ tiêu 7.474. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển được 6.350 em trên 6.000 chỉ tiêu… Nhiều trường nhóm dưới lường trước được điều này nên đã cố gắng tuyển tối đa số thí sinh có thể tuyển trong đợt 1 thay vì để lại phần lớn chỉ tiêu cho đợt xét tuyển bổ sung như mọi năm.
Bên cạnh nỗi lo tuyển đủ thí sinh, các trường còn phải đối mặt với tình trạng hồ sơ "ảo". Nguyên Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cho rằng, nỗi lo này là hoàn toàn có cơ sở, bởi ở đợt này các em được đăng ký tới 3 trường. Nỗi lo thí sinh "ảo" không chỉ xuất phát từ mối liên hệ giữa các trường với nhau, mà còn có trong chính mỗi trường bởi mỗi thí sinh được quyền đăng ký 4 ngành cho mỗi trường. Các trường đa ngành chính là những trường dễ gặp phải tình trạng này nhất. Các nhà tuyển sinh còn cảnh báo rằng tỷ lệ "ảo" còn tăng cao do năm nay thí sinh được nộp bản photocopy phiếu đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Ngoài ra, kể cả thí sinh đã trúng tuyển nhưng nếu đó không phải là ngành ưa thích thì khả năng các em bỏ nhập học là rất cao.
Để tránh tình trạng hồ sơ "ảo" cũng như tâm lý dao động đối với thí sinh, một số trường đã dùng nhiều biện pháp như chuẩn bị tư vấn về ngành học, về nghề nghiệp cho thí sinh, nhắn tin thông báo nhập học qua điện thoại tới từng thí sinh trúng tuyển, làm thủ tục nhập học sớm… Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội đã quyết định cấp giấy chứng nhận trúng tuyển ngay khi thí sinh đến làm thủ tục nếu đủ điều kiện điểm xét tuyển theo yêu cầu của trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.