Theo đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 năm 2021 tại VN của Bộ VH-TT&DL, số tiền bỏ ra để tổ chức đại hội là 1.757 tỉ đồng, cao gấp gần 10 lần số tiền thu về là 190 tỉ đồng.
Cung điền kinh Hà Nội xây mất 500 tỉ đồng để tổ chức AIG 3 - Ảnh: Nam Khánh |
Ông Hà Quang Dự - nguyên bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban TDTT - cho biết kinh phí VN bỏ ra để tổ chức SEA Games 22 năm 2003 tại Hà Nội vào khoảng 4.700 - 5.000 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí xây Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, sửa sang cơ sở vật chất chuẩn bị đại hội đã tiêu tốn 3.000 tỉ đồng. Dù vậy, theo ông Dự, số tiền thu về chẳng đáng là bao, gánh nặng vẫn đặt lên vai Nhà nước: “Thời điểm xây dựng đề án trước khi SEA Games 22 diễn ra, con số dự kiến thu về của đại hội này là 80 tỉ đồng. Nhưng sau đại hội, do không công bố các con số thực tế nên không biết thu được mấy đồng”.
Năm 2009, Hà Nội tiếp tục là chủ nhà của Đại hội thể thao châu Á trong nhà (AIG 3). Kinh phí để tổ chức AIG 3 khoảng 100 triệu USD (khoảng 2.000 tỉ đồng vào thời điểm năm 2009), trong đó riêng tiền xây Cung điền kinh trong nhà Hà Nội đã tốn hơn 500 tỉ đồng.
Tuy nhiên, số tiền tài trợ ban tổ chức thu được ở AIG 3 chỉ là 1 triệu USD (khoảng 22 tỉ đồng). Thời điểm AIG 3 tổ chức, Bộ VH-TT&DL đã giao việc bán quảng cáo, tiếp thị tài trợ cho một công ty tiếp thị mới ra đời tại TP.HCM. Công ty thiếu kinh nghiệm tiếp thị thể thao, dư luận không quan tâm đến đại hội, các nhà tài trợ vì thế cũng chẳng ai quan tâm.
Ông Hoàng Dự - tổng biên tập báo Thể Thao VN, trưởng ban tuyên truyền vận động tài trợ của AIG 3 - nói: “So với các đại hội thể thao như SEA Games, Asiad thì AIG ít người quan tâm hơn vì các môn thi không hấp dẫn. Cũng phải nói thật công tác tuyên truyền, quảng bá của mình yếu, không có nguồn lực. Mặc dù kêu gọi được hơn 20 tỉ đồng tài trợ nhưng chủ yếu các doanh nghiệp họ tài trợ bằng vật phẩm như nước uống, bút mực, máy tính... chứ tiền mặt chẳng đáng bao nhiêu. Gói tài trợ lớn nhất là của VNPT trị giá 10 tỉ đồng nhưng chỉ có 1 tỉ đồng tiền mặt, còn lại là tài trợ bằng cước truyền dẫn tín hiệu truyền hình”.
Thời điểm năm 2009, ông Dự cho biết mỗi hợp đồng tài trợ mà công ty đứng ra vận động tiếp thị AIG đưa về, họ được ban tổ chức trả cho 5% phí tư vấn, 20% phí hoa hồng quảng cáo.
Tuy nhiên theo ông Dự, mức chi này chưa đủ cao để các doanh nghiệp mạnh về tiếp thị, quảng cáo nhảy vào làm với ban tổ chức. Trên thị trường, các doanh nghiệp tiếp thị, quảng cáo thời điểm đó đều đòi phí tư vấn và hoa hồng lên tới 30 - 35% cho một hợp đồng.
Năm 2021 khi SEA Games dự kiến trở lại với VN, số tiền mà Bộ VH-TT&DL có thể thu được từ nguồn tài trợ cũng chỉ vỏn vẹn 25 tỉ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.