(HNM) - Gần 10 triệu dân TP Hồ Chí Minh đang sống trong nỗi phập phồng của nước sạch.
Nước thải từ các khu công nghiệp dọc hai bờ sông Sài Gòn đã làm cho nguồn nước ở con sông này ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến chất lượng nước máy. |
Điệp khúc… nước đục!
Người dân TP trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua lại tiếp tục sống trong tình cảnh nước đục. Nỗi ám ảnh về một đợt nước đục kéo dài hồi giữa năm 2007 lại hiện về khiến những người dân sống ở khu phố 6 (phường Phú Trung, quận Tân Phú) ngao ngán. Nhiều tháng nay, bà con phải sinh hoạt bằng nước máy có màu vàng đục, bốc mùi tanh và nhiều cặn. Theo bà Nguyễn Thị Lan, nước đục xuất hiện từ giữa tháng 6-2009, nhưng thời gian gần đây, tình trạng nước đục thường xuyên hơn, có màu vàng đậm, không thể sử dụng vào bất cứ việc gì, ngay cả tắm cũng bị ngứa. Nước đục khiến cho cuộc sống của người dân bị xáo trộn, rất nhiều hộ phải mua nước lọc để ăn uống và mua nước sạch từ nơi khác về sử dụng.
Có một thực trạng rất đáng lo ngại đó là mỗi lần tiếp nhận thêm nguồn nước từ một nhà máy nước thì tình trạng nước đục, nước bẩn lại xuất hiện. Theo giải thích của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nước đục là từ tháng 6-2010 bắt đầu tiếp nhận nguồn của Nhà máy nước B.O.O Thủ Đức với công suất 200.000 - 250.000m3/ngày. Áp lực tại các vùng nước yếu và thiếu được cải thiện, các khu vực quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè trước đây phải điều tiết từ nguồn nước Nhà máy nước Tân Hiệp nay có thêm nguồn nước mới từ Thủ Đức, do vậy, Sawaco đã tiến hành điều tiết nguồn nước Nhà máy nước Tân Hiệp cho các khu vực khác. Quá trình này không thể tránh khỏi hiện tượng làm thay đổi áp lực và xáo trộn thủy lực trong mạng, gây bong tróc các cặn bám dẫn đến tình trạng nước đục tại một số khu vực.
Cách đây 2 năm, các chuyên gia đã từng cảnh báo về tình trạng bất hợp lý giữa nguồn cung nước và hệ thống đường ống tiếp nhận. Vì dự án Nhà máy nước Kênh Đông công suất 150.000m3/ngày (2008) và Nhà máy nước B.O.O Thủ Đức công suất 300.000m3 đi vào hoạt động nhưng hệ thống đường ống cấp 2, 3 quá cũ nát và lạc hậu nhưng không được đầu tư nâng cấp kịp thời. Số liệu cho thấy hơn 3.000km hệ thống mạng đường ống cấp 2, 3 cung cấp nước sạch của TP đều đã quá cũ, một số đường ống đã đến lúc phải thay thế. Trong số này đường ống có tuổi thọ dưới 20 năm là 61%, từ 20-30 năm 10%, trên 30 năm 29%.
Nỗi lo thượng nguồn
Trong khi sông Sài Gòn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân TP Hồ Chí Minh đang có những dấu hiệu ô nhiễm thì thông tin về việc xây dựng nhà máy xử lý rác nằm cạnh thượng nguồn bờ sông Sài Gòn, thuộc tỉnh Tây Ninh đang khiến cho dư luận sửng sốt. Nguồn nước ngọt quý giá này đang bị đe dọa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe của người dân.
Dự kiến vị trí xây dựng nhà máy xử lý rác thuộc địa bàn xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng do Công ty CP Thương mại và đầu tư Nhật Hoàng làm chủ đầu tư có diện tích 30ha. Đây là đoạn sông nằm ở phía trên trạm bơm nước cung cấp cho Nhà máy nước Tân Hiệp. Theo nhiều chuyên gia môi trường, ngoài mùi hôi phát sinh thì điều lo ngại nhất là lượng nước rỉ rác chứa kim loại nặng cùng nhiều chất độc hại khác, nằm cạnh nguồn cung cấp nước cho dân cư phía hạ nguồn sẽ được xử lý như thế nào. Vì rằng cách đó không xa, tại ven kênh Thầy Cai, thuộc địa bàn huyện Củ Chi, dự án "nhà máy xử lý rác hiện đại nhất Đông Nam Á" của Công ty CP Vietstar làm chủ đầu tư với số vốn lên đến 750 tỷ đồng, nhưng vẫn phát sinh mùi hôi và nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường dù mới tiếp nhận một nửa lượng rác so với công suất thiết kế.
Giáo sư Lâm Minh Triết, Chủ nhiệm Chương trình Bảo vệ môi trường và tài nguyên TP cảnh báo: nguồn xả thải của các bãi rác, các khu công nghiệp, các cơ sở chế biến mủ cao su là nguyên nhân chính làm chất lượng nước sông Sài Gòn ngày càng suy giảm. Trong khi đó, nhiều khu đô thị công nghiệp, bãi rác, cơ sở sản xuất công nghiệp tiếp tục được quy hoạch xây dựng ven hai bên dòng sông Sài Gòn.
Trong quy hoạch chiến lược phát triển bền vững vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, thì dọc hai bên sông Sài Gòn sẽ nghiêm cấm xây dựng các loại hình sản xuất dễ gây ô nhiễm để bảo đảm an toàn cho nguồn nước ngọt của dòng sông này. Vì vậy, việc quy hoạch một nhà máy xử lý rác nằm ven sông Sài Gòn với nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường tiềm ẩn điều khó chấp nhận và các cơ quan chức năng cần phải có điều chỉnh kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.