Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguồn nhân lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo: Nền tảng để phát triển

Thu Hằng| 22/12/2020 06:30

(HNM) - Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam đã qua giai đoạn phát triển về số lượng, hiện đã bước vào giai đoạn trọng yếu, cần nhiều sự đầu tư theo chiều sâu để có thể tạo ra các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có chất lượng cao và mang tầm quốc tế. Để làm được điều này, phát triển nguồn nhân lực là một trong những nền tảng quan trọng nhất.

Một buổi học trong chương trình đào tạo chuyên sâu “Phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo” thuộc đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025”, tháng 10-2020.

Thiếu nhân lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang phát triển với số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) nhiều và có sự đồng hành rất lớn từ Chính phủ. Tuy nhiên, sau thời gian phát triển chạy theo số lượng, đã tới lúc hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam cần được vận hành theo đúng nghĩa: Kết nối, ươm mầm và cho ra lò những startup có sản phẩm, dịch vụ sáng tạo ý nghĩa và có thể tự vươn mình cạnh tranh, tồn tại.

Chủ tịch Mạng lưới đầu tư thiên thần Việt Nam Nguyễn Phi Vân chia sẻ, một hệ sinh thái bền vững cần xây dựng bản đồ hành trình của nhân lực đổi mới sáng tạo, từ khi vừa bắt đầu đi học đến khi đã thành công và có thể quay trở về cống hiến, tạo thành một chuỗi giá trị hỗ trợ đổi mới sáng tạo khép kín. Đây là điều mà Việt Nam đang còn yếu.

Còn Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, Việt Nam đang thiếu rất nhiều nhân lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, bởi nhân lực cho hệ sinh thái này không chỉ là những người khởi nghiệp, mà còn là các nhà tư vấn, chuyên gia và chủ doanh nghiệp thành công quay lại hỗ trợ cho khởi nghiệp...

Theo Trưởng phòng Tư vấn quản lý đầu tư (Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Phan Thị Diễm Ngọc, thành phố Hà Nội hiện có khoảng 26 tổ chức là các vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, không gian hỗ trợ khởi nghiệp, song chỉ có một số ít đơn vị thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và ươm tạo doanh nghiệp bài bản. Đây là một trong những lý do khiến nhân lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại thành phố còn thiếu. Không những vậy, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, vườn ươm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh trên địa bàn Hà Nội còn hoạt động riêng lẻ, chưa liên kết, tương hỗ để trở thành mạng lưới, cũng khiến việc thu hút lực lượng tham gia còn nhiều hạn chế.

Khuyến khích sự sáng tạo

Nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều chương trình, dự án đào tạo nguồn nhân lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2020” đã tập trung nâng cao năng lực, tổ chức đào tạo, huấn luyện cho các chủ thể trong hệ sinh thái.

Để nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy phát triển nhận thức, tư duy về đổi mới sáng tạo, trong Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025”, vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo được hết sức quan tâm. Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Lê Văn Quân thông tin, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí đào tạo kiến thức chuyên sâu và kỹ năng về khởi nghiệp sáng tạo cho các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp có dự án khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ huấn luyện viên, cố vấn và các cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô; khuyến khích thành lập mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.... Chỉ riêng năm 2020, thành phố đã bố trí khoảng 20 tỷ đồng để triển khai các nhiệm vụ, trong đó có chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, để phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo, ngoài Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, Bộ đang triển khai Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025".

Còn theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, ngoài việc xây dựng nguồn nhân lực trong lãnh thổ Việt Nam, Nhà nước luôn chào đón, tạo điều kiện cho các du học sinh, startup ở nước ngoài quay trở về Việt Nam sinh sống, làm việc. Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Bộ Ngoại giao đã và đang hoàn thiện chính sách nhằm khuyến khích sự sáng tạo, cống hiến nhiều hơn của người dân, thu hút nhân tài trong và ngoài nước, khơi dậy khát vọng dân tộc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguồn nhân lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo: Nền tảng để phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.