(HNM) - Trong những năm qua, việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở nhiều vùng nông thôn đã có thay đổi đáng kể nhờ một số mô hình hay. Nhưng để tạo sự hưởng ứng trong nhân dân thì rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, sự quyết tâm của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, các dự án về xử lý rác thải cũng phải đẩy nhanh tiến độ... Đó là những nguồn lực cơ bản tạo sự thay đổi về chất trong công tác thu gom, xử lý rác thải hiện nay.
Người dân thôn Hạnh Đàn, xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) vớt rác, làm sạch ao làng. |
Chuyển biến chưa đều
Ở thôn Bống, xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), cứ 2-3 nhà dân lại có 1 thùng chứa rác thải sinh hoạt có nắp đậy, được kê ngay ngắn ở đầu ngõ. Toàn bộ rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình đều được bỏ vào thùng, gọn gàng, sạch sẽ, chờ đơn vị thu gom tới mang đi. Đây là một trong những cách người dân thôn Bống chọn để giải quyết những bức xúc về rác thải trong khu dân cư. “Từ ngày đặt các thùng chứa rác, đường làng thôn Bống sạch sẽ hơn hẳn, không còn cảnh trước cửa mỗi gia đình một đùm rác, ruồi bâu, nước chảy, rác vương vãi...” - ông Phùng Văn Biên ở thôn Bống cho biết.
Tuy nhiên, những mô hình nêu trên chưa nhiều và không chuyển biến đồng đều ở các địa phương. Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng, trên địa bàn huyện Chương Mỹ, mỗi ngày phát sinh khoảng 120-140 tấn rác thải sinh hoạt. Hằng tuần, lượng rác thải này được thu gom từ các hộ dân về điểm tập kết tạm thời, sau đó Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai vận chuyển đưa về Khu xử lý rác thải Xuân Sơn (Sơn Tây). Tuy vậy, việc vận chuyển phụ thuộc vào định mức được giao nên nhiều khi vẫn còn tình trạng tồn đọng rác tại địa bàn. Hơn nữa, việc thu gom, vận chuyển rác thải do Công ty này thực hiện tần suất thấp (1 tuần/lần) nên rác vẫn bị lưu cữu lâu ngày, gây ô nhiễm môi trường...
Tương tự, trên địa bàn huyện Phúc Thọ, theo phản ánh của ông Lê Xuân Thọ - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Phúc Thọ, người dân chưa thích ứng với việc thu gom rác thải sinh hoạt theo lịch cố định; một số người còn xả rác không theo thời gian thông báo, không đúng nơi quy định...
Cần tiếp sức cho mô hình hiệu quả
Có thể thấy, những bước chuyển trong công tác thu gom và xử lý rác thải nông thôn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Chủ tịch UBND xã Sơn Đông Nguyễn Duy Cường cho hay, từ thành công ở thôn Bống, đến nay, xã đã có 3 thôn đặt các thùng rác tại các hộ, nhóm hộ dân. Hiện nay, Nhà nước đang phải chi một khoản ngân sách rất lớn cho việc xử lý rác thải, nếu rác được phân loại từ nguồn, thì việc tái chế sẽ thuận lợi, tiết kiệm được chi phí và tiết kiệm được diện tích đất dành cho các bãi chôn lấp. “Xã đang có ý tưởng làm điểm ở 1 thôn về phân loại rác thải tại nguồn. Để làm được điều này, xã đề xuất hỗ trợ kinh phí, trang bị cho mỗi hộ 1 thùng rác nhiều ngăn để người dân tiện phân loại. Từ đây, các thôn khác sẽ tham khảo để nhân rộng cách làm” - ông Cường thông tin.
Vận hành lò đốt tại Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện (Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn - huyện Sóc Sơn). Ảnh: Ngọc Hải |
Ở một góc độ khác, hiện nay, việc xử lý rác thải sinh hoạt vẫn theo hình thức chôn lấp có kiểm soát, vừa tốn diện tích đất vừa không bảo đảm vệ sinh môi trường. Do vậy, việc lựa chọn công nghệ đốt rác thải phát điện là giải pháp tốt nhất. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định, các dự án đầu tư nhà máy đốt rác phát điện trọng điểm của thành phố đang được đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm vận hành trước năm 2020, như: Nhà máy điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) công suất 4.000 tấn/ngày - đêm; Nhà máy xử lý rác thải Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) công suất 2.000-2.500 tấn/ngày - đêm; Khu xử lý chất thải Đồng Ké (huyện Chương Mỹ) công suất dự kiến 1.200-1.500 tấn/ngày - đêm; Nhà máy xử lý chất thải rắn chuyển thành năng lượng Khu xử lý rác thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) công suất 1.500 tấn/ngày - đêm...
Thực tiễn trên cho thấy, những mô hình hay rất cần được Nhà nước hỗ trợ, đồng thời, các dự án áp dụng công nghệ xử lý rác tiên tiến cũng cần được sớm triển khai để hoạt động thu gom, xử lý rác thải sớm vào nền nếp, hướng đến môi trường sống sạch, văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.