(HNMO) – Theo đánh giá của Bộ Công thương, thị trường hàng hóa bắt đầu sôi động hơn với việc chuẩn bị nguyên liệu, hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán và các chương trình khuyến mại cuối năm.
Tuy nhiên một số mặt hàng như lương thực, thực phẩm, do ảnh hưởng của mưa lũ, giá thế giới trong khi nhu cầu tăng vào dịp cuối năm nên giá có xu hướng nhích lên. Các mặt hàng vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, nhu cầu đã bắt đầu tăng lên nhưng do chịu tác động đáng kể từ các chính sách cắt giảm đầu tư công, chính sách thắt chặt tiền tệ, giảm tín dụng cho lĩnh vực bất động sản nên tiêu thụ vẫn sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước (so với cùng kỳ 2010, dự kiến tiêu thụ thép xây dựng tháng 11 giảm 34,6%; tiêu thụ xi măng giảm 14%).
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 11 ước đạt 176.378 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng 10; ước 11 tháng đầu năm 2011 đạt 1.814.006 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó mức tăng cao tập trung vào 2 nhóm chiếm tỷ trọng lớn là thương nghiệp và khách sạn nhà hàng (tăng lần lượt 23,6% và 26,29%).
Với tháng 12/2011, đây là tháng chuẩn bị cho dịp lễ Noel, Tết dương lịch và cận tháng Tết âm lịch nên lưu chuyển hàng hóa sẽ tăng mạnh, nhất là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình. Hiện các bộ, ngành, địa phương cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, trong đó: Bộ Công Thương đang triển khai Chỉ Thị số 13/CT-BCT ngày 17/10/2011 về việc bảo đảm cung cầu các mặt hàng thiết yếu bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2011 và Tết nguyên đán Nhâm thìn 2012.
Các địa phương đã và đang chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chuẩn bị kế hoạch dự trữ và cung ứng hàng hóa phục vụ Tết, kết hợp với các chương trình bình ổn thị trường và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đồng thời có kế hoạch tổ chức các hội chợ Tết, các trung tâm bán hàng lưu động tại các quận huyện trong tháng giáp Tết. Tới nay đã có 30 địa phương có kế hoạch hoặc đã phê duyệt kế hoạch ứng vốn hỗ trợ lãi suất để chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết.
Với các giải pháp nêu trên, theo Bộ Công thương, nguồn cung hàng hóa về cơ bản là bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.