(HNMO) - Chiều 12-10, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức gặp mặt các cơ quan truyền thông thông tin về Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển”.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt là việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng.
Nhiều trẻ suy dinh dưỡng đến khám tại Trung tâm Khám và Tư vấn-Viện Dinh dưỡng quốc gia |
Cụ thể, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn cao, chiếm 23,8%, thể nhẹ cân là 13,4%, đồng thời có sự khác biệt ở các vùng, miền, khu vực. Nếu như ở nông thôn, các vùng miền núi kinh tế khó khăn, tỷ lệ trẻ thấp còi cao thì ở thành thị, tình trạng trẻ thừa cân, béo phì ngày càng gia tăng.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 20%, khống chế tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 12%, tăng chiều cao trung bình của thanh niên 18 tuổi (nam đạt 167 cm, nữ 156 cm)… Để đạt được mục tiêu này, theo Thạc sĩ Trần Khánh Vân, cần tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng và mỗi người dân.
Hưởng ứng Ngày Lương thực thế giới (16-10), Bộ Y tế phát động Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” (diễn ra từ ngày 16 đến 23-10) trên toàn quốc với thông điệp: “Thực hiện dinh dưỡng ngay hôm nay giúp cải thiện thể lực, tầm vóc, trí tuệ và chất lượng cuộc sống ngày mai”.
Tại Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển”, Bộ Y tế sẽ tăng cường các hoạt động truyền thông tập trung nâng cao kiến thức, thực hành dinh dưỡng cho người dân trong việc lựa chọn, chế biến và sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm an toàn, sẵn có tại gia đình, địa phương; tổ chức bữa ăn gia đình bảo đảm đủ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường hoạt động thể lực phòng chống suy dinh dưỡng, chống thừa cân, béo phì.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.