Lê Viết Quốc, hiện đang làm việc tại Google, đã trở thành người Việt Nam đầu tiên đạt được giải thưởng toàn cầu TR35 dành cho 35 nhà sáng tạo trẻ dưới 35 tuổi ...
Mới đây, tạp chí công nghệ danh tiếng và lâu đời của Mỹ Technology Review (thuộc Học viện công nghệ Massachusetts MIT) vừa công bố danh sách những người được vinh danh trao giải thưởng TR35 năm 2014, dành cho 35 nhà sáng tạo trẻ có cống hiến xuất sắc nhất trong các lĩnh vực công nghệ, khoa học, y tế... đáng chú ý, trong đó có Lê Viết Quốc, hiện đang làm nhà khoa học làm việc tại Google.
Sinh năm 1982 tại một ngôi làng nhỏ ở Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế), khu vực mà Lê Viết Quốc sinh ra không có điện, tuy nhiên Lê Viết Quốc thường xuyên đến thư viện gần nhà để nghiên cứu kỹ càng về những phát minh thông qua những trang sách và mơ ước một ngày nào đó sẽ có những phát minh của riêng mình.
Đến năm 14 tuổi, Lê Viết Quốc cho rằng nhân loại sẽ được giúp đỡ bởi cỗ máy đủ thông minh để có khả năng tự sáng chế. Chính suy nghĩ này đã quyết định đến tương lai của Lê Viết Quốc khi anh định hướng theo con đường nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo.
Tiến sĩ Lê Viết Quốc là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng danh giá TR35 (Ảnh: Facebook nhân vật) |
Tốt nghiệp trường chuyên Quốc học Huế, Lê Viết Quốc tiếp tục theo học tại Trường Đại học Quốc gia Australia (Úc) và sau đó thực hiện nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ) về trí tuệ nhân tạo. Trong quá trình theo học tại Úc, Lê Viết Quốc nhận thấy rằng các phần mềm trí tuệ nhân tạo thường phải có sự giúp đỡ và can thiệp của con người, buộc người dùng phải nhập trước dữ liệu để chúng tập trung xử lý. Kiểu công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ này không thu hút Quốc.
Trong khi đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Stanford, Lê Viết Quốc đã vạch ra một chiến lược để làm cho phần mềm tự động học hỏi. Thực tế trước đó giới nghiên cứu đã có những kết quả khả năng, nhưng rất chậm, về việc phát minh phương pháp tự học cho máy tính, gọi là “deep learning”, trong đó sử dụng các hệ thống máy tính mô phỏng tế bào thần kinh con người.
Lê Viết Quốc đã tìm ra cách để tăng tốc nghiên cứu này, bằng cách thiết lập các mạng lưới máy tính mô phỏng tế bào thần kinh với quy mô lớn gấp 100 lần thông thường, cho phép truy xuất dữ liệu lớn hơn gấp hàng ngàn lần. Đây là một giải pháp đủ sức thu hút để “gã khổng lồ” Google quyết định tuyển dụng Lê Viết Quốc vào làm việc.
Tại Google, Lê Viết Quốc tiếp tục nghiên cứu và phát triển công nghệ của mình dưới sự hướng dẫn của Andrew Ng, một giáo sư nổi tiếng chuyên về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại đại học Stanford.
Khi kết quả nghiên cứu được công bố vào năm 2012, Google đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua về đầu tư nghiên cứu công nghệ “deep learning” giữa các “ông lớn” như Facebook, Microsoft...
Công nghệ này sau đó đã được áp dụng thử nghiệm bằng cách xây dựng hệ thống có thể tự động nhận diện mèo, con người và hơn 3.000 đối tượng khác nhau chỉ bằng cách xử lý 10 triệu hình ảnh từ các đoạn video được đăng tải trên Youtube mà không cần có sự hướng dẫn của con người. Công nghệ của Lê Viết Quốc đã cho thấy rằng máy móc vẫn có thể tự học hỏi mà không cần có sự trợ giúp từ con người và có thể đạt một mức độ cao về sự chính xác.
Hiện tại công nghệ của Lê Viết Quốc đang được sử dụng trong hệ thống phần mềm tìm kiếm hình ảnh và nhận diện giọng nói của Google.
Được thành lập từ năm 1999 bởi tạp chí công nghệ Technology Review (thuộc quyền quản lý của Học việc công nghệ MIT), giải thưởng thường niên TR35 được trao cho những nhà phát minh có tuổi đời dưới 35, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm y sinh học, điện toán, viễn thông, năng lượng, vật liệu, thiết kế web và giao thông vận tải. Những người được trao giải là các cá nhân có công trình nghiên cứu được giới khoa học đánh giá cao và hứa hẹn sẽ được áp dụng trong tương lai. Nhiều tên tuổi lớn của giới công nghệ đã từng được trao giải thưởng TR35, bao gồm Larry Page và Sergey Brin (2 nhà đồng sáng lập của Google), Jonathan Ive (thiết kế huyền thoại của Apple, Linus Torvalds (cha đẻ của hệ điều hành Linux)... Tiến sĩ Lê Viết Quốc là người Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng danh giá này. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.