Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người tù cộng sản trẻ tuổi năm ấy

Lê Văn Ba| 22/09/2012 07:26

(HNM) - Nghe tiếng lao xao, Văn Tiến Dũng nén đau, gắng ngồi dậy trên tấm ván gỗ vì cả hai chân đang bị cùm. Qua lỗ tròn trên cánh cửa xà lim, anh nhìn thấy bóng người lố nhố ngoài hành lang. Dũng lay xích khóa cùm, ra hiệu gọi người gác cổng xà lim. Ông gác cười, nheo nheo con mắt: "Ôi dào, mấy ông văn sĩ, thi sĩ đấy mà. Chẳng làm thơ, uống rượu, đi tom chát với cô đầu lại tham gia Văn hóa cứu quốc! Người thấp lùn nhỏ bé là Tô Hoài. Đẹp trai nhất, bị đòn đau mà còn hát hỏng là Nguyễn Đình Thi. Ông béo là Như Phong, vị mặc vét tông, cao gầy là Nguyễn Hữu Đang".

Khách du lịch tham quan Khu di tích nhà tù Hỏa Lò.

Thấy mặt mày xây xẩm, Dũng vội nằm xuống ván. Thì ra các đồng chí bên Văn hóa cứu quốc. Mới hôm nào anh được nghe phổ biến Nghị quyết hội nghị Võng La nhận định phong trào cách mạng ở nông thôn và miền núi lên khá mạnh, nhưng ở các thành phố lớn còn yếu nên hội nghị đã chủ trương mở rộng Mặt trận Việt Minh, phát triển mạnh mẽ trong giới thanh niên, học sinh và trí thức. Tài liệu đã có bản Đề cương văn hóa Việt Nam và Hội Văn hóa cứu quốc là tổ chức tập hợp các trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước. Hôm nay, các anh ấy bị bắt vào tù! Lo nhưng mà cũng mừng vì chứng tỏ cách mạng đang tiến lên với những bước nhảy vọt.

Mấy anh Văn hóa cứu quốc cũng thỉnh thoảng liếc mắt về phía xà lim. Họ được biết trong đó có một người tù cộng sản quan trọng đang trải qua những trận đòn khủng khiếp, bị tra tấn liên tục cả sáng, trưa, chiều, tối. Nhiều lần, đang nửa đêm cả dãy xà lim choàng thức dậy vì tiếng mở xích khóa loảng xoảng, tiếng giày đinh lạo xạo, tiếng chửi bới, văng tục của cảnh sát, mật thám. Chúng nó dẫn Văn Tiến Dũng lên phòng tra tấn rồi gần sáng đưa về, mặt mũi đẫm máu, sưng húp, quần áo rách tả tơi. Nghe nói anh đã vào tù Sơn La nhưng trốn thoát mấy năm nay đội lốt nhà sư ẩn tu trong một ngôi chùa cổ bên kia sông Hồng, hoạt động bí mật. Khi bị mật thám vây bắt, anh vừa chạy vừa rút súng bắn trả lại, làm bị thương một tên... Bắt được anh, trùm mật thám Luýt khoái lắm. Mở hồ sơ, hất hàm hỏi:
- Sinh năm nào?

Văn Tiến Dũng trả lời:
- Năm 1917, cùng tuổi với Cách mạng Tháng Mười Nga.
Qua mấy người "tù nhẹ" được gọi vào lau những đám máu văng tóe trên sàn nhà kể lại thì anh chỉ duy nhất một lời  khai:
- Sau khi ở Sơn La về, tôi vượt biên giới ra nước ngoài. Mới trở về, chưa kịp liên lạc với ai thì bị bắt.
Luýt gầm lên:
- Mày nói láo! Mấy năm vừa rồi mày đi những đâu? Làm gì, chức vụ của mày trong Đảng nữa. Khai tất cả ra!…

Anh bị dìm vào nước. Tra điện. Mưa roi. Mưa dùi cui cao su trút xuống cái thân thể gần như nát bấy. Luýt rít lên:
- Tao sẽ làm cho mày tàn phế, để cho mày phải kéo lê một cuộc sống khủng khiếp, nếu mày vẫn chưa chịu khai thật.
- Ông muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm, nhưng đừng hòng bắt những người cộng sản chịu đầu hàng.

Anh ngất đi nhiều lần, máu tràn ra đầy miệng. Sợ anh cắn lưỡi tự tử Luýt ra lệnh dùng một đoạn mây song buộc ngáng miệng anh lại. Suốt ngày đêm, quai hàm tê mỏi, lưỡi cứng lại. Máu từ hai bên mép rỉ xuống ướt đẫm ngực áo. Nhốt trong xà lim rồi bọn chúng còn khóa quặt hai tay anh ra phía sau, đút hai chân vào lỗ cùm trên sàn gỗ.

Một ý nghĩ thoáng qua đầu Văn Tiến Dũng: Làm cách nào thông tin cho các đồng chí ở nhà biết tình hình ở trong này… Mấy nhà văn kia xem ra được bọn chúng nó nể nang, cho phép đi lại rộng rãi, gặp người thân, nhận quà tiếp tế… Văn Tiến Dũng xin ông gác mở khóa cùm, xích tay cho mình ra ngoài rửa mặt, đi đại tiện. Cả mấy nhà văn giật mình nhìn người tù loạng choạng bước ra hành lang. Trong số họ, chỉ có Tô Hoài đã nhiều lần tiếp xúc với đảng viên cộng sản, đấy là Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Quang Đạo mà hôm qua trong lúc hỏi cung tên Luýt đã chỉ ảnh anh Đạo, vặn hỏi:
- Ai đây? Còn vờ vẫn... "Đốc lý đỏ", hả?

Anh Đạo nho nhã, đeo kính trắng. Còn người cộng sản trẻ tuổi này… Ngang qua chỗ Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi… người tù ngửng đầu lên. Một khuôn mặt sưng húp, tím bầm, rỉ máu tươi và cái miệng bị một sợi mây song đóng ngoàm nom rất kỳ dị. Bất ngờ, anh tù trẻ hất tuột sợi mây song, nói:
- Tôi mới ở nước ngoài về, đang tìm cách liên lạc thì bị bắt. Xin cứ yên tâm về tôi.

Tuy giọng anh ta bị khàn, miệng không há to được, lưỡi như ngắn lại nên âm thanh ngọng nghịu khó nghe, nhưng mấy nhà văn đều đã nghe thấy, cả Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi đều nghe rõ…

Trở về xà lim, Văn Tiến Dũng nằm vật xuống ván gỗ. Sự cố gắng vừa rồi làm anh gần như kiệt sức. Nhưng anh sung sướng mở mắt nhìn lên trần nhà. Chắc chắn chỉ ngày mai thôi, những điều anh nhắn gửi sẽ được truyền đến các đồng chí của anh. Mọi người hãy yên tâm. Văn Tiến Dũng nhất quyết không tiết lộ một chút gì đâu về tổ chức và hoạt động của Đảng. Anh còn nhờ được người chuyển cho Nguyễn Khang, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy mẩu thư viết tay: Nước sông Hồng lên rất cao, nhưng đê vẫn vững.

Đúng lúc tưởng như Luýt đã mệt, chùng tay, thì bất ngờ trong số người mới bị bắt không chịu nổi đòn đau đã khai Văn Tiến Dũng là Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ. Luýt như nổi cơn điên. "Tao phải băm nát mày ra! Tao phải nghiền vụn mày ra! Mày định đánh lừa cả tao, hả?". Nó đánh anh như hóa rồ. Nhưng Văn Tiến Dũng vẫn bình tĩnh giữ vững lời khai ban đầu.

8 giờ sáng hôm ấy, Văn Tiến Dũng được gọi lên phòng Lanéc, Chánh mật thám. Anh tự nhủ lòng, sẵn sàng "vào trận", không biết đây đã phải trận cuối cùng trong 75 ngày đêm khủng khiếp? Nhưng vừa bước vào phòng tra thì bỗng như có một cái gì đó nổ bùng trong đầu, anh gục xuống, mê man bất tỉnh.

Trở về xà lim, Văn Tiến Dũng lấy móng tay khắc tên mình lên tường vôi. Anh sẵn sàng ra đi, lòng thanh thản vì thấy mình giữ vững phẩm chất, giữ tròn khí tiết.

Đại tướng Văn Tiến Dũng, tên thật là Lê Hoài (1917-2002) quê tại xã Cổ Nhuế (xưa gọi là Kẻ Noi), huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Ông đã từng trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch: Đường 9 Nam Lào (mùa xuân 1971); Trị Thiên (3-1972); Điện Biên Phủ trên không (12-1972); Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên (1975); Chiến dịch Hồ Chí Minh (4-1975), giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ông được phong hàm Thiếu tướng năm 1948, Thượng tướng năm 1959 và Đại tướng năm 1974. Sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông là vị tướng chiến lược số hai của Việt Nam, được giới quân sự thế giới đánh giá cao. Ông đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương, huy chương khác. Ông từ trần ngày 17-3-2002, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), thọ 85 tuổi.

(Còn tiếp)
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người tù cộng sản trẻ tuổi năm ấy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.