Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người trở về từ quốc gia lưu hành đậu mùa khỉ cần theo dõi sức khỏe trong 21 ngày

Thu Trang| 22/08/2022 14:32

(HNMO) - Ngày 22-8, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2265/QĐ-BYT về hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Hiện, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, Bộ Y tế lưu ý, người nhập cảnh từ quốc gia, khu vực có dịch lưu hành thì cần tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Nên hạn chế tiếp xúc

Theo hướng dẫn tạm thời vừa được Bộ Y tế ban hành, đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Ngoài ra, cũng nghi nhận sự gia tăng số lượng trường hợp bệnh tại các quốc gia khu vực Tây, Trung Phi.

“Thời gian ủ bệnh thường từ 6-13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5-21 ngày. Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh nhưng tương tự như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần”, hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ.

Cũng theo Bộ Y tế, trường hợp bệnh nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác định có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (như: Thủy đậu, herpes, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai...). 

Người nghi ngờ mắc bệnh có kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng như đau đầu, sốt (>38,5°C), nổi hạch, đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể, đau lưng, mệt mỏi. 

Ngoài ra, trường hợp nghi ngờ có các yếu tố dịch tễ như: Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ qua da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh, hoặc trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có quan hệ với nhiều bạn tình.

Về giám sát nhập cảnh, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tại cửa khẩu sẽ giám sát thông qua đo thân nhiệt, giám sát của kiểm dịch viên y tế hoặc nhận thông tin từ người nhập cảnh chủ động khai báo. Trường hợp phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mặc bệnh thì chuyển nơi cách ly tạm thời để khai thác yếu tố dịch tễ và khám sơ bộ. 

“Căn cứ theo kết quả khám, khai thác dịch tễ để quyết định chuyển hành khách về cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị hoặc đề nghị hành khách tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Ngoài ra, sau nhập cảnh, hành khách nên hạn chế tiếp xúc, tập trung nơi đông người”, hướng dẫn của Bộ Y tế cho biết.

Khi có triệu chứng phát ban, nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau họng, khó chịu, mệt mỏi và nổi hạch cần hạn chế tiếp xúc người khác và tới cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, chẩn đoán, điều trị và phòng, chống lây nhiễm.

Tại các cơ sở y tế trong nước, Bộ Y tế yêu cầu điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh nghi ngờ theo định nghĩa. Đặc biệt chú ý giám sát tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu và các cơ sở khám chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục, chú trọng giám sát trên đối tượng nguy cơ cao gồm người đồng giới và người có suy giảm miễn dịch.

Bên cạnh đó, phải theo dõi tình trạng sức khỏe của tất cả những người có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định trong vòng 21 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng.

Tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh dao động từ 0-11%

Theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ là một loại vi rút DNA sợi đôi, hiện có 2 nhánh vị rút gồm nhánh Trung Phi và nhánh Tây Phi, trong đó nhánh Trung Phi thường gây bệnh nặng hơn và có khả năng lây lan nhanh hơn. Một số loài cảm nhiễm với vi rút đậu mùa khỉ, gồm: Sóc dây, sóc cây, chuột túi Gambian, động vật linh trưởng và một số loại khác.

Từ tháng 5-2022 cho đến nay, dịch bệnh đậu mùa khỉ có diễn biến bất thường, đã ghi nhận dịch tại 12 quốc gia khu vực châu Âu - đây là lần đầu tiên ghi nhận các ổ dịch tại khu vực này mà chưa xác định được mối liên hệ với khu vực dịch lưu hành trước đó. Tiếp đó, dịch bệnh đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp bệnh. 

Ngày 23-7-2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Đến ngày 15-8-2022 đã ghi nhận trên 35 nghìn ca mắc tại 92 quốc gia, trong đó có 12 trường hợp tử vong. 

Hiện, một số quốc gia và vùng lãnh thổ gần với nước ta như: Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận trường hợp bệnh xâm nhập. 

Theo WHO, tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh theo thống kê trước đây dao động từ 0-11% nói chung và cao hơn ở trẻ nhỏ. 

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ liên quan đến nhóm vi rút đậu mùa khỉ nhánh Tây Phi là 1%, và có thể cao hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người trở về từ quốc gia lưu hành đậu mùa khỉ cần theo dõi sức khỏe trong 21 ngày

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.